Thứ hai, 16/09/2024, 00:29 [GMT+7]

Nhận thức của học sinh về thị trường lao động: Người lớn đã quan tâm?

Thứ ba, 20/03/2012 - 10:39'
Chọn nghề là nhiệm vụ và mối quan tâm thường trực của HS lớp 12. Có một thực tế là hiện nay, trong việc lựa chọn nghề nghiệp, HS chưa nhận thức một cách đầy đủ về nghề mà các em chọn, những khó khăn, thuận lợi khi gắn bó với nghề. Kết quả điều tra mới đây đối với 706 HS lớp 12 ở các tỉnh, thành phố Lào Cai, Thái Bình và Hà Nội của TS Phạm Mạnh Hà, Khoa Tâm lý, Trường ĐHKHXH&NV Hà Nội đã đưa ra một cái nhìn tổng quan về vấn đề này. 

Nhận thức hời hợt về nghề, thị trường lao động 

Kết quả điều tra cho thấy, tỷ lệ HS lớp 12 nắm bắt được nhiều thông tin về thị trường lao động rất thấp, chỉ có 144 em (chiếm 20,4%), trong khi số HS chỉ nắm bắt được một phần thông tin về thị trường lao động lại chiếm phần áp đảo với 549 em (chiếm 77,8%). Đáng chú ý là từ sự nắm bắt thông tin trong hai nhóm nói trên, chỉ có 133 em (19,3%) biến nó thành nhận thức sâu sắc về thị trường lao động. 

Các bạn trẻ tìm hiểu và tham gia các hoạt động tại Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2012.

Trong thực tế, ngoài nắm bắt nhu cầu của thị trường lao động thì việc hiểu biết đầy đủ thông tin về nghề mà các em lựa chọn cũng rất quan trọng đối với thành công sau này. Bởi lẽ, cá nhân chỉ yêu nghề và gắn bó với nghề khi họ hiểu rõ về nghề, hiểu được các yêu cầu của nghề đối với bản thân, hiểu được những khó khăn, thuận lợi khi hành nghề, mục đích, ý nghĩa của nghề đối với cá nhân và xã hội. Trên thực tế, không ít sinh viên sau quá trình đào tạo hoặc hành nghề mới hiểu hết được những khó khăn, vất vả của nghề, hoặc không tìm thấy ý nghĩa của nghề đối với mình... Những thiếu hụt nói trên dễ dẫn đến sự thất vọng với nghề, chán nghề, buông xuôi hoặc chuyển sang một lĩnh vực nghề nghiệp khác. TS Phạm Mạnh Hà cho biết, chỉ có hơn 20% số HS được hỏi trả lời rằng họ đã nắm được đầy đủ thông tin liên quan đến nghề mà mình lựa chọn, bao gồm công việc cụ thể của người làm nghề, các yêu cầu về tâm lý, năng lực, giá trị kinh tế của nghề, chỉ tiêu, điểm chuẩn… Số còn lại chỉ hiểu biết về một số nội dung của nghề mà họ lựa chọn. Trong số các nội dung liên quan đến nghề thì điều kiện tuyển sinh và địa chỉ các cơ sở đào tạo nghề được nhiều em nắm một cách đầy đủ và chắc chắn nhất, còn các yêu cầu của nghề, mục đích, ý nghĩa của nghề, công việc cụ thể liên quan đến nghề… ít được các em quan tâm. 

Điều đáng lưu ý là trong số những HS đã có nhận thức đầy đủ về các nội dung của nghề, chỉ có 99 em mô tả được các công việc chuyên môn của nghề và đưa ra được những thông tin chính xác về tỷ lệ "chọi", chỉ tiêu tuyển sinh vào nghề mà bản thân lựa chọn. Số còn lại không đưa ra được những thông tin chính xác, hoặc đưa ra thông tin sai về các nội dung trên. Điều này cho thấy số HS có mức độ hiểu biết chính xác và sâu sắc về nghề mà các em lựa chọn rất ít, đa số lựa chọn nghề hoàn toàn dựa vào cảm tính.

Không rõ năng lực bản thân

TS Phạm Mạnh Hà phân tích, để lựa chọn được một nghề phù hợp, HS phải có những hiểu biết đầy đủ và chính xác về năng lực của chính bản thân mình. Bởi lẽ, nếu các em đánh giá không đúng năng lực, phẩm chất của bản thân để rồi lựa chọn một nghề mà các em không có khả năng đáp ứng thì sẽ dẫn tới những khó khăn trong việc học tập và quá trình thích ứng, phát triển nghề nghiệp sau này. Mặt khác, nếu các em đánh giá quá thấp hoặc thiếu tự tin vào bản thân thì sẽ bỏ lỡ cơ hội có được nghề mà mình yêu thích. Kết quả điều tra cho thấy trong số 706 HS được nghiên cứu, chỉ có 203 em (chiếm 29%) là có nhận thức đầy đủ được điểm mạnh, điểm yếu của mình và lấy đó làm căn cứ lựa chọn nghề. Trong khi đó, gần 500 em (chiếm 70,8%) mới chỉ có hiểu biết ít ỏi về chính bản thân mình. 

Có một câu hỏi quan trọng, không chỉ liên quan đến tương lai của một cá nhân, mà liên quan đến cả xã hội, là khi HS không hiểu chính mình, không biết rõ mình muốn gì, có khả năng làm gì tốt nhất thì khi chọn nghề nào đó, liệu các em có thể trở thành những người giỏi giang, có thể phát huy năng lực thực sự của mình hay không? Theo TS Phạm Mạnh Hà, việc nhận thức không chính xác về nghề, về năng lực bản thân, thị trường lao động đã khiến cho HS thiếu đi những căn cứ hợp lý khi chọn nghề. Điều này dẫn đến hệ quả là hàng năm có tới hàng chục ngàn sinh viên tốt nghiệp ra trường nhưng không tìm được việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo do các tổ chức, doanh nghiệp không có nhu cầu tuyển dụng, trong khi hàng ngàn doanh nghiệp lại gặp không ít khó khăn trong việc tuyển đủ nguồn nhân lực có chất lượng phù hợp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của họ. Điều này đã và đang gây ra sự lãng phí vô cùng to lớn. 

Nhu cầu giải bài toán lựa chọn nghề cho HS cuối cấp không phải là yêu cầu mới đặt ra, từ lâu đã mang tính bức thiết. Trên thực tế, giải pháp cho vấn đề này không thiếu, và cũng không phải là bất khả thi bởi thường thì chỉ cần cung cấp đầy đủ thông tin cho HS về thị trường lao động, về thế giới nghề nghiệp, giúp HS hiểu về đặc điểm tâm, sinh lý, năng lực của chính các em... Vấn đề ấy có thể được giải quyết nếu gia đình và xã hội cùng giúp các em tháo gỡ sự lúng túng khi chọn nghề, hướng tới sự lựa chọn phù hợp. Câu hỏi là tại sao sự quan tâm cho vấn đề quan trọng này còn chưa đầy đủ?

Theo Hanoimoi

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Chung tay đẩy lùi tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống
Thời gian qua, Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam xã Nậm Xe (huyện Phong Thổ) triển khai nhiều giải pháp nhằm chung tay phòng, chống tảo hôn (TN), hôn nhân cận huyết thống (HNCHT) trên địa bàn.
Tô thắm hình ảnh của người chiến sỹ công an
Với sự mưu trí, dũng cảm, tinh thần kiên quyết tấn công tội phạm, Thiếu tá Nguyễn Quang Trung - Trưởng Công an xã Bản Giang (huyện Tam Đường) đấu tranh thành công nhiều vụ án ma tuý, khai thác...
Chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ lương cao” vẫn tiếp diễn
Chiêu trò mời chào, tuyển cộng tác viên làm việc online nhưng thực chất là yêu cầu nạn nhân chuyển khoản để thực hiện nhiệm vụ rồi lừa đảo vẫn tái diễn.