

Xác định nâng cao chất lượng GD - ĐT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, ngành GD - ĐT thành phố Lai Châu đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đẩy mạnh thực hiện phương pháp dạy học theo hướng lấy chất lượng, hiệu quả làm trọng tâm; ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy… Cùng với đó, Phòng cũng chỉ đạo các trường chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học, gắn với lồng ghép thực hiện nghiêm túc các cuộc vận động, phong trào thi đua do cấp trên phát động.
Cô và trò lớp 7A2, Trường Tiểu học và THCS xã Nậm Loỏng trong giờ học Toán.
Thăm trường Tiểu học và THCS xã Nậm Loỏng, chúng tôi được thầy giáo Nguyễn Văn Tư - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Năm học này, nhà trường có 41 cán bộ, giáo viên, nhân viên; 434 học sinh 2 khối THCS và tiểu học. Thực hiện sự chỉ đạo sát sao của Phòng GD-ĐT thành phố, nhà trường đã chủ động điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp đối tượng học sinh. Đồng thời, từng bước thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực của học sinh. Tổ chức hiệu quả các buổi sinh hoạt chuyên môn, trong đó, chú trọng đổi mới nội dung và hình thức sinh hoạt thông qua các hoạt động dự giờ, nghiên cứu bài học, tổ chức dạy minh họa để phục vụ cho việc góp ý, trao đổi kinh nghiệm trong sinh hoạt chuyên môn… Từ đó, đưa ra giải pháp cải tiến nội dung và hình thức tiết học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, kích thích sự đam mê, tìm tòi, khám phá của các em. Kết thúc học kỳ I, nhà trường có trên 98% học sinh bậc tiểu học đạt về năng lực, phẩm chất. 100% học sinh bậc THCS xếp loại từ hạnh kiểm trung bình trở lên. Tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm khá, tốt chiếm 90,9% (tăng 1,7% so với cùng kỳ năm học trước). Về học lực, nhà trường có 87,8% học sinh xếp loại học lực trung bình trở lên. Trong đó, tỷ lệ học sinh xếp học lực khá, giỏi chiếm đến 45,7% (tăng 4,6% so với cùng kỳ năm học trước), tỷ lệ học sinh yếu, kém chỉ còn 12,2% (giảm 13,7% so với cùng kỳ năm học 2017-2018).
Cùng với sát sao trong công tác lãnh, chỉ đạo các trường đẩy mạnh đổi mới công tác giáo dục, ngành Giáo dục thành phố tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đến các nhà trường, với mục tiêu huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong và ngoài trường học để xây dựng môi trường giáo dục an toàn thân thiện, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương. Không ngừng nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên ngành giáo dục, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của các địa phương. Thực hiện đầy đủ và kịp thời các chính sách đối với nhà giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non đang công tác tại các xã, bản khó khăn. Tăng cường nguồn lực đầu tư và đổi mới cơ chế tài chính giáo dục và đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục… tạo bước đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Đến nay, toàn thành phố có 23 trường (trong đó, mầm non: 11 trường, tiểu học: 7 trường, trung học cơ sở: 5 trường); với 343 lớp (mầm non: 132 lớp, tiểu học: 140 lớp, trung học cơ sở: 71 lớp); 7 nhóm trẻ độc lập tư thục, 1 trường mầm non tư thục; 11.226 học sinh công lập, 177 trẻ trong nhóm trẻ độc lập tư thục, trường mầm non tư thục. Công tác huy động và duy trì sỹ số đảm bảo tương đối tốt, 99,96% trẻ trong độ tuổi mẫu giáo ra lớp (có 1 trẻ 3 tuổi chưa ra lớp vì nghỉ ốm dài hạn). 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1 và trẻ từ 6 - 11 tuổi học ở bậc tiểu học. 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6. Chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn tiếp tục nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Kết quả cuộc thi ngiên cứu khoa học đạt cao so với năm trước, trong đó có học sinh giải Ba cấp Quốc gia. Đến nay, thành phố có 21/23 trường đạt chuẩn Quốc gia (trong đó có 6 trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2), đạt 91,3% - vượt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đã đề ra.
Mặc dù đã có được những tiền đề thuận lợi, nhưng ngành GD - ĐT thành phố cũng còn những khó khăn nhất định như: chất lượng giáo dục mũi nhọn chưa đều giữa các môn, học sinh thi đỗ điểm cao vào Trường Chuyên Lê Quý Đôn chưa nhiều. Chất lượng, phong trào giáo dục của các trường THCS vùng xã chuyển biến chưa nhanh… Để khắc phục được những khó khăn trên, ngành GD - ĐT thành phố đã đề ra những giải pháp cụ thể như: tập trung chỉ đạo thực hiện tốt Kế hoạch số 116/KH-ThU ngày 6/3/2015 của Thành ủy Lai Châu về thực hiện Chương trình hành động số 69-CTr/TU ngày 26/12/2014 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 29-NQ-TW ngày 4/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tuyên truyền, chuẩn bị tốt các điều kiện (đội ngũ, cơ sở vật chất) để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới (trước hết thực hiện đối với lớp 1 vào năm học 2019-2020). Tiếp tục thực hiện tốt cam kết chỉ tiêu chất lượng (giữa giáo viên với hiệu trưởng, hiệu trưởng với Trưởng phòng) để giáo viên nêu cao trách nhiệm với chất lượng giảng dạy, giáo dục học sinh.Chỉ đạo triệt để dạy học theo đối tượng (bám sát năng lực từng đối tượng); thực hiện tốt việc xây dựng chương trình cho từng đơn vị trên cơ sở khung chương trình của Bộ GD - ĐT. Nâng cao hiệu quả, đổi mới hình thức tổ chức dạy buổi hai phù hợp với từng đơn vị; tăng cường hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ. Tập trung nâng cao năng lực, kỹ năng tiếng Anh (thông qua việc tổ chức Hội thi, tăng thời lượng, để học sinh tiếp cận sớm đối với lớp 1, 2, bé làm quen tiếng Anh đối với trẻ mẫu giáo 5 tuổi), tăng cường phối hợp với các Trung tâm trong tổ chức hoạt động dạy và học.
Đặc biệt, nhằm nâng cao kết quả các kỳ thi học sinh giỏi, kết quả chuyển cấp THCS lên THPT, ngành GD - ĐT thành phố sẽ chỉ đạo xây dựng kế hoạch lựa chọn đội tuyển, giáo viên và tổ chức bồi dưỡng học sinh giỏi ngay từ đầu năm học. Chú trọng công tác phối hợp với Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, các đơn vị giáo dục trong vùng (Lào Cai, Sơn La) để trao đổi, học tập kinh nghiệm. Tăng cường Hội thảo về phương pháp bồi dưỡng học sinh giỏi. Tham mưu đẩy mạnh Quỹ khuyến học để tăng mức khen hoặc hình thức khen thưởng phù hợp cho đội ngũ giáo viên, học sinh đạt thành tích cao; tổ chức biểu dương khen thưởng kịp thời nhằm tạo động lực mạnh mẽ hơn. Tổ chức tuyên truyền, khảo sát nhu cầu, nguyện vọng của học sinh tham gia dự tuyển vào trường THPT, trường chuyên để xây dựng kế hoạch tổ chức ôn chuyên sâu theo từng nhóm môn, thực hiện sớm ngay từ đầu kỳ hai. Xây dựng, cụ thể hóa Kế hoạch đổi mới giáo dục của năm học, tập trung các nội dung: Đổi mới quản lý, phương pháp, hình thức dạy học, kiểm tra đánh giá, xác định rõ các phần việc cho mỗi nội dung như: đối tượng thực hiện, đổi mới nội dung gì, đổi mới như thế nào, điều kiện để thực hiện việc đổi mới đó…
Cùng với đó, chỉ đạo các trường nâng cao trách nhiệm của hiệu trưởng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch bồi dưỡng đối với giáo viên; đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chuyên môn, kế hoạch tự bồi dưỡng của giáo viên. Thực hiện nghiêm túc công tác đánh giá, xếp loại cán bộ quản lý, giáo viên trên cơ sở gắn với hiệu quả, chất lượng, phong trào giáo dục…
Với những giải pháp cụ thể trên, tin rằng chất lượng GD - ĐT của thành phố sẽ ngày càng được nâng cao, diện mạo của ngành sẽ từng bước đổi thay tích cực, đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục - đào tạo.

Chuyển đổi số trong các trường mầm non
Ngày thi thứ hai Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 diễn ra an toàn, nghiêm túc

Miễn, hỗ trợ học phí với trẻ mầm non, học sinh phổ thông từ năm học 2025-2026

Lai Châu sẵn sàng tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025

100% học viên đạt loại khá, giỏi
Tổng kết hai đề án: “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số” và “Phát triển giáo dục mầm non”

Công bố dự kiến điểm chuẩn tuyển sinh (đợt 1) vào lớp 10 năm học 2025 – 2026

Sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp





