

... VỀ THỊ TRẤN ÔN THI
Trường THPT Dân tộc nội trú Ka Lăng nằm trên địa bàn xã biên giới Ka Lăng và là một trong những ngôi trường THPT trẻ nhất của tỉnh nên mọi thứ còn rất khó khăn. Đã cuối tháng 5, ngày thi tốt nghiệp THPT cũng đã cận kề song tại đây chúng tôi không tìm thấy một lớp ôn thi nào của học sinh cuối cấp. Hỏi ra thì được các thầy, cô giáo cho biết, khoảng 1 tháng trước đó, một số thầy, cô giáo trong trường đã dẫn các em học sinh lớp 12 về thị trấn Mường Tè để những giáo viên có nhiều kinh nghiệm của Trường THPT Mường Tè hướng dẫn ôn thi.
Học sinh Trường THPT Dân tộc Nội trú Ka Lăng (huyện Mường Tè) ôn bài sau giờ học trên lớp.
Cô Lục Thị Thúy Vân – Phó Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: “Sở dĩ chúng tôi đưa các em về thị trấn ôn thi là muốn trang bị cho các em tất cả những gì tốt nhất trước khi bước vào kỳ thi. Năm nay là năm đầu tiên nhà trường có học sinh thi tốt nghiệp THPT, tuy nhiên do cơ sở vật chất còn thiếu thốn, học sinh ít (33 em) không đủ để thành lập một hội đồng thi riêng nên các em sẽ phải thi cùng học sinh của Trường THPT Mường Tè. Trong khi đó, tất cả 33 học sinh của trường đều là người dân tộc Hà Nhì sống ở các xã biên giới như: Ka Lăng, Thu Lũm, Mù Cả. Ngoài việc ít được tiếp xúc, cọ sát với môi trường thi cử thì mặt bằng nhận thức cũng như học lực của các em cơ bản còn yếu. Vì vậy, việc đưa các em xuống ôn thi ngoài việc có được những kiến thức bị thiếu hụt thì các em còn được tiếp xúc, làm quen với môi trường, tạo tâm lý tốt và giúp các em mạnh dạn hơn khi bước vào kỳ thi”.
Theo đánh giá của đợt thi thử tốt nghiệp vừa qua cho thấy, chỉ có khoảng 50% số học sinh đạt được mức trên 20 điểm… Vì vậy, Ban Giám hiệu nhà trường đã phải bàn tính để tìm cách khắc phục những mặt hạn chế cho các em. Và phương pháp được lựa chọn ở đây là “xuống núi”. Vậy là đầu tháng 5, sau khi 33 học sinh lớp 12 hoàn thành việc học tập và ôn tập tại trường, Ban Giám hiệu Trường THPT Dân tộc Nội trú Ka Lăng đã cắt cử 4 cán bộ, giáo viên đưa các em về thị trấn để ôn thi và đợi cho đến khi thi xong.
Do phải ở lại thị trấn hơn 1 tháng nên việc chuẩn bị nơi ăn, chốn nghỉ đảm bảo môi trường học tập tốt nhất cho các em ôn tập là việc đầu tiên được tính đến. Ngoài việc mượn được phòng ở nội trú của Trường THPT Mường Tè và nhờ được những giáo viên có nhiều kinh nghiệm hướng dẫn các em ôn thi, còn lại mọi vấn đề khác các thầy, cô giáo trong trường tự bảo nhau vun vén. Từ xoong nồi, bát đũa, đến quần áo, sách vở… phục vụ việc ăn ở học tập của học sinh đều được các thầy, cô mang từ trường xuống.
Theo như cô Vân thì hàng ngày công việc của 33 học sinh trên chỉ có lên lớp và ôn tập bài, còn lại việc nấu ăn có cán bộ cấp dưỡng của trường và các thầy, cô giáo lo… Nhờ vậy mà sau 1 tháng ôn tập, 33 học sinh của trường Ka Lăng đã cơ bản bù đắp được những phần kiến thức thiếu hụt và đã có thể tự tin để bước vào kỳ thi.
Nhân viên cấp dưỡng chuẩn bị bữa ăn cho các em.
MONG VƯỢT QUA "ẢI KHÓ"
Do mặt bằng về lực học, nhận thức của các em cơ bản thấp hơn học sinh của trường thị trấn nên việc ôn tập dưới sự hướng dẫn của giáo viên phải kéo dài đến sát ngày thi.
Căng thẳng, lo lắng là những gì chúng tôi nghi nhận được trên nét mặt của mỗi học sinh và của cả các thầy, cô giáo. Thầy Lý Khờ Xá – Phó hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc Nội trú Ka Lăng - người trực tiếp phụ trách đưa và quản lý 33 học sinh cho biết: “Trong thời gian ôn thi ở đây, ngoài việc học trên lớp, hàng ngày chúng tôi còn cắt cử cán bộ, giáo viên theo dõi, nhắc nhở các em ôn tập tại phòng. Tuy các em nhận thức chậm nhưng đổi lại rất chịu khó. Nhiều hôm học sinh của tôi ôn bài đến gần 3 giờ sáng. Các em sợ nếu không thi được thì sẽ không được đi học tiếp. Chúng tôi lo, học trò cũng lo, lo vì nếu không vượt qua được kỳ thi này thì việc bước tiếp vào cánh cửa tương lai của các em đã khó lại càng thêm khó”.
Dù rất chăm chú đọc sách nhưng Chu Hà Pa vẫn không giấu nổi vẻ căng thẳng trên nét mặt, em bảo: “Đợt thi thử em chỉ được 18 điểm/6 môn, được các thầy, cô đưa về đây ôn tập, học tốt hơn nhưng em vẫn rất lo. Nếu không đỗ được tốt nghiệp chắc em sẽ không có cơ hội để đi học nữa”.
Là học sinh duy nhất đạt danh hiệu học sinh tiên tiến nhưng Chu Hà Dù cũng không vì thế mà tỏ ra lơ là học tập. Dù chia sẻ: “Hàng ngày, ngoài giờ ăn, ngủ, em dành hết thời gian để ôn bài. Em chỉ mong mình có thể vượt qua được đợt thi này. Khó không sợ, khổ không sợ, em chỉ sợ không có đủ thời gian để ôn tập thôi”.
Thầy giáo Nguyễn Duy Nội – Quyền Hiệu trưởng Trường THPT Mường Tè cho biết: “Đến thời điểm hiện tại toàn bộ việc trang bị, bù đắp những phần kiến thức thiếu hụt cho các em đã xong. Việc tiếp thu kiến thức thì phải tùy vào nhận thức của mỗi em”. Tuy nhiên theo nhận định và bằng kinh nghiệm của mình, thầy Nội cho rằng: “Với những gì đã trang bị cho các em và những gì chúng tôi ghi nhận được từ sự cố gắng của học sinh trong suốt 1 tháng qua, chắc chắn trong kỳ thi tốt nghiệp tới đa phần số học sinh trên đều có thể vượt qua, còn vượt qua thế nào, kết quả cao hay thấp thì lại phụ thuộc vào sự cố gắng nỗ lực của mỗi em”.
Tin đọc nhiều

Chung tay xây dựng xã hội học tập

Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ huyện Mường Tè lần thứ V

Ngành Giáo dục huyện Mường Tè đẩy mạnh chuyển đổi số
Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ huyện Nậm Nhùn lần thứ III, năm 2025

Miễn học phí, sự tiến bộ của chế độ ta

Quyết sách nhân văn, hợp lòng dân
Đại hội cháu ngoan Bác Hồ thành phố Lai Châu lần thứ IV, năm 2025

Lai Châu: Gần 6.000 học sinh vào lớp 10 công lập năm học 2025-2026








