

Thí sinh TPHCM vào phòng thi môn đầu tiên.
Các môn thi đối với hệ THPT năm nay gồm có Văn, Vật lý, Địa Lý, Sinh học, Toán, Ngoại ngữ hoặc môn thay thế Ngoại ngữ là Địa lý, trong đó 3 môn Vật lý, Sinh học, Ngoại ngữ thi bằng hình thức trắc nghiệm khách quan. Đối với giáo dục thường xuyên sẽ thi 6 môn: Ngữ văn, Toán, Vật lí, Sinh học, Lịch sử, Địa lí. Trong đó, các môn: Vật lí, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm.
Với sự chuẩn bị chu đáo, kì thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ diễn ra an toàn và nghiêm túc.
Theo thống kê của Ban chỉ đạo thì phổ thông năm nay toàn quốc tổ chức thành 1.292 cụm trường với 2.432 hội đồng coi thi và 44.449 phòng thi. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 1.053.081, tăng 2.814 thí sinh so với cùng kỳ 2010; trong đó, có 918.282 thí sinh giáo dục THPT, tăng 5.755 thí sinh so với năm 2010, có 134.799 thí sinh giáo dục thường xuyên, giảm 3.041 thí sinh so với năm 2010; số thí sinh tự do đăng ký dự thi ở giáo dục THPT là 27.652 chiếm 3,01% tổng số thí sinh đăng ký dự thi, ở giáo dục thường xuyên là 42.126 chiếm 31,25% tổng số thí sinh đăng ký dự thi.
Trong những ngày qua, các đoàn Thanh tra của Bộ GD- ĐT đã đi khảo sát tình hình tổ chức kì thi của nhiều tỉnh thành trong cả nước và ngay từ ngày 31/5 tức là 2 ngày trước khi kỳ thi diễn ra, hơn 600 thanh tra uỷ quyền đã bắt đầu nhận nhiệm vụ tại hơn 2.000 hội đồng thi trên cả nước.
Ở kì thi tốt nghiệp THPT năm nay, nhiều địa phương đã triển khai các giải pháp tích cực để hỗ trợ cho thí sinh. Như tỉnh Hội Chữ thập đỏ Thừa Thiên - Huế phối hợp với Sở GD-ĐT huy động đóng góp được khoảng 1.000 suất ăn trưa dành cho học sinh 2 huyện miền núi Nam Đông, A Lưới và học sinh một số trường vùng sâu, xa đến dự thi tại TP Huế trong các ngày thi.
Ban chỉ đạo thi tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các ban ngành phối hợp với Sở GD-ĐT đưa toàn bộ số thí sinh ở đảo Phú Quý (305 em) về Phan Thiết an toàn và bố trí các điều kiện hỗ trợ để các em dự thi tốt nghiệp; UBND tỉnh Lạng Sơn quyết định hỗ trợ một phần kinh phí cho các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn dự thi…
Để đảm bảo cho kì thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội nghị triển khai thi công tác thi tốt nghiệp THPT năm 2011 tại TP Buôn Ma Thuột (Đắc Lắk), với sự tham gia của giám đốc các Sở GD-ĐT, đại diện của các vụ, cục liên quan của Bộ GD-ĐT. Một số giải pháp cụ thể trong tổ chức thi đã được thảo luận và thống nhất tại hội nghị.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã lên kế hoạch riêng để phục vụ cho kì thi. Chẳng hạn như, UBND tỉnh Nghệ An ra chỉ thị không tổ chức hội nghị cấp tỉnh trong các ngày thi để huy động các lực lượng hỗ trợ cho công tác tổ chức thi.
UBND TPHCM huy động lực lượng thanh niên xung phong hỗ trợ đảm bảo an toàn cho vận chuyển đề thi đến các HĐCT và bài thi từ các HĐCT về Sở GD-ĐT trong các ngày thi, đồng thời chỉ đạo cảnh sát giao thông phối hợp với lực lượng thanh niên tình nguyện xây dựng phương án trực chốt tại các nút giao thông để đảm bảo an toàn, thông suốt trong các ngày thi.
Tổng Công ty Điện lực Hà Nội quyết định không cắt điện cao, trung, hạ thế toàn TP trong thời gian tổ chức thi ở các địa điểm in sao đề thi, chấm thi, phúc khảo, đảm bảo điện phục vụ tổ chức thi an toàn…
Với công tác tổ chức ôn thi cho thí sinh ngay từ đầu năm học nhiều địa phương đã bày tỏ quyết tâm sẽ đưa tỷ lệ đỗ tốt nghiệp tăng hơn so với năm 2010. Đáng chú ý là Điện Biên, Bắc Kạn, Bến Tre…Đây là các địa phương có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm trước thấp nhất cả nước.
Ôn tập kỹ lưỡng cùng yếu tố tự tin sẽ giúp thí sinh hoàn thành tốt kì thi.
Theo giám đốc Sở GD-ĐT Điện Biên thì mặc dù đặt mục tiêu là tỷ lệ đỗ tốt nghiệp tăng nhưng sẽ không chạy theo “bệnh thành tích” và cương quyết tổ chức một kì thi thật để đánh giá đúng chất lượng giáo dục của địa phương.
Lãnh đạo Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết, đề thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ có những câu hỏi không chỉ kiểm tra kiến thức thuộc lòng mà đòi hỏi thí sinh phải biết liên kết, chọn lọc các phần kiến thức đã học để trả lời câu hỏi. Đề thi cũng sẽ có những câu hỏi mang tính phân hóa mà thường những học sinh có lực học khá, giỏi mới làm được. Tuy nhiên tỉ lệ câu hỏi này sẽ không nhiều, trong một câu hỏi khó cũng có những câu hỏi phụ vừa sức với học sinh trung bình. Để đạt kết quả tốt thi trong khi làm bài thi, thí sinh cần bình tĩnh đọc kỹ đề, biểu điểm từng câu hỏi để nhận định đúng yêu cầu của đề thi, tránh lạc đề, phân bố thời gian hợp lý.
Đề thi gồm phần bắt buộc và phần tự chọn (trừ môn Ngoại ngữ). Thí sinh chỉ được làm một trong 2 phần tự chọn của đề thi, thí sinh làm cả 2 phần tự chọn thì bị coi là phạm quy và không được chấm điểm bài làm phần tự chọn của đề thi.
Đối với các môn thi, thí sinh không được mang bất kỳ tài liệu nào kèm theo ngoài bút viết, thước kẻ, bút chì đen, tẩy chì, compa, êke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình, các vật dụng này không được gắn linh kiện điện, điện tử; máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ...
Tại TPHCM, học sinh ở những khu vực ngoại thành như Nhà Bè, Củ Chi, Cần Giờ… phải vượt những chặng đường xa để đến trường thi. Cụm Cần Giờ chỉ thành lập 1 hội đồng thi (HĐT) tại trường THPT Bình Khánh cho học sinh của 3 trường THPT An Nghĩa, THPT Bình Khánh, THPT Cần Thạnh.
Tạo điều kiện tốt nhất cho con mình có được tấm bằng tốt nghiệp của 12 năm học tập, nhiều phụ huynh tạm gác chuyện mưu sinh hàng ngày, đưa con đến trường thi sớm 1-2 ngày để các sĩ tử dưỡng sức cho kỳ thi trọng đại.
Với mong muốn giảm bớt những khó khăn cho học sinh vùng xa, Sở GD-ĐT TPHCM chỉ đạo các trường THPT có thí sinh dự thi thành lập đoàn có giáo viên đi theo. Riêng những thí sinh ở xa sẽ được ăn, nghỉ miễn phí tại ký túc xá của trường THPT Bình Khánh.
Củ Chi có 4 HĐT tại trường THPT Củ Chi, Trung Phú, Quang Trung và Tân Thông Hội. Nhiều học sinh từ xã Thái Mỹ phải thi tận hội đồng thi THPT Trung Phú phải vượt hơn 23km. Để giám bớt khó khăn cho thí sinh dự thi, trường THPT Quang Trung và các trường tại Củ Chi có hỗ trợ xe buýt đưa đón những thí sinh dự thi xa để giảm bớt những sự cố trên đường đi. Học sinh được tập trung tại trường từ 5 giờ sáng, điểm danh và được đưa đến hội đồng thi đúng giờ.
Học sinh ở nội thành có ưu thế nhà gần điểm thi hơn nhưng cũng không chủ quan. Tại HĐT Lý Tự Trọng (Q. Gò Vấp) và THPT Gia Định (Q. Bình Thạnh), đại đa số thí sinh có mặt từ sớm, 5 giờ 30 phút đã có em đến nơi. Nhiều khuôn mặt thí sinh không giấu nét căng thẳng của ngày thi đầu. Mãi đến 6h30, khi các trường phổ biến quy chế thi, các em vẫn tranh thủ xem lại bài vở.
Chú Trần Văn Thanh, nhà ở Q. Phú Nhuận thức dậy từ 5 giờ sáng và quyết định nghỉ nghỉ làm 3 ngày để đưa con đi thi. Theo chú, bên cạnh việc bồi bổ thể chất thì sự cổ vũ tinh thần cho con quan trọng không kém. Thành tích học tập của con chú thuộc hàng top của trường tư thục Trần Hưng Đạo nhưng chú cũng hồi hộp như chính mình đi thi.
Thí sinh Nguyễn Thị Kim Hoàn, học sinh trường Phan Đăng Lưu, tươi cười cho biết mặc dù chuẩn bị khá ổn nhưng học vô lúc nào thì tranh thủ lúc đó: "Lúc đầu em cũng hơi lo, nhiều đề cương ôn tập em cứ lo học không kịp. Môn văn chưa phải là nỗi lo lắng lớn nhất của em, em sợ nhất là Anh văn. Bình thường em học ở lớp ở mức trung bình nhưng chắc kỳ thi này em sẽ vượt qua được. còn điểm cao thì chắc khó".
Tương tự, thí sinh Nguyễn Văn Hùng, học sinh trường Thanh Đa cũng rất lo lắng với môn Anh văn, còn môn Văn thì yên tâm phần nào.
Tin đọc nhiều

Chung tay xây dựng xã hội học tập

Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ huyện Mường Tè lần thứ V

Ngành Giáo dục huyện Mường Tè đẩy mạnh chuyển đổi số
Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ huyện Nậm Nhùn lần thứ III, năm 2025

Miễn học phí, sự tiến bộ của chế độ ta

Quyết sách nhân văn, hợp lòng dân
Đại hội cháu ngoan Bác Hồ thành phố Lai Châu lần thứ IV, năm 2025

Lai Châu: Gần 6.000 học sinh vào lớp 10 công lập năm học 2025-2026








