

Tại điểm thi THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội), hàng trăm phụ huynh đứng ngồi thấp thỏm. 30 phút trước khi hết giờ nhưng vẫn chưa thấy thí sinh nào ra. Nhiều người đoán già đoán non "do đề khó nên không em nào làm xong sớm". Chuông vừa báo hết giờ, cổng trường được mở, ai nấy đứng dậy hướng mắt tìm con.
Bước khỏi phòng thi với nụ cười tươi rói, thí sinh Trần Thùy Vân (THPT Đống Đa) cho biết, đề thi tốt nghiệp môn Văn năm nay rất hay. "Câu 1 không theo mô tuýp cũ là viết về một tác gia hay tác phẩm. Câu 2 là đề mở, nghị luận xã hội nói về hướng đi trong tương lai, phù hợp với tâm trạng của chúng em đang ở thời điểm bước ngoặt của cuộc đời. Câu 3 phân tích đoạn thơ (hoặc nhân vật) cũng rất thú vị", Vân nói.
Sĩ tử bàn luận sau buổi thi môn Văn tại điểm thi THCS Thái Thịnh.
Là học sinh ban C nên đề thi này đối với Thùy Vân không có gì khó khăn. Dù làm bài xong khi thời gian vẫn còn 20 phút nhưng Vân vẫn ở lại, kiểm tra bài làm để chắc chắn không mắc sai sót. Theo Vân, câu 1 đòi hỏi thí sinh phải đọc tác phẩm xuyên suốt từ đầu đến cuối, nắm chắc nội dung thì mới làm được. Câu hai là câu hỏi mở nên thí sinh có thể viết theo cách nghĩ của mình. Còn câu ba thì phải học mới biết cách phân tích.
Cười vui vẻ vì đã thi xong một môn "hóc búa", Chử Đức Thành (THPT Phan Huy Chú) cho biết, do học khối A nên Văn và Địa là hai môn cậu lo nhất. Tuy nhiên, theo đánh giá của Thành, đề Văn tương đối mở nên "dân khối A" cũng làm không mấy khó khăn.
"Đề bài thuộc chương trình ở lớp 12. Em thấy câu 1 dễ, câu 2 em viết tốt, còn câu 3 không được như ý vì em chưa học kỹ phần này. Chắc em không được điểm cao nhưng ít nhất cũng 5 điểm", Thành tự tin.
Cũng là dân ban A, Tô Xuân Tuấn (THPT Hồ Tùng Mậu) hơi tiếc vì chưa học kỹ tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" của Nguyễn Minh Châu nên câu một làm không tốt. Câu hỏi mở Tuấn viết được, và đoạn thơ trong bài Tây Tiến của Quang Dũng thì cậu cũng đã đọc qua nên làm tương đối.
Tại điểm thi THPT Cầu Giấy, Nguyễn Thế Luận (THPT Quan Hoa) cho biết, đề thi không khó, chủ yếu là học thuộc lòng nhiều. Các câu hỏi nằm trong chương trình học nên cậu làm được hết. "Với đề thi này, chỉ cần ôn bài đầy đủ thì học sinh trung bình cũng có thể làm được. Em học khối tự nhiên nhưng vẫn làm được khoảng 7 điểm", Luận nói.
Các thí sinh chuẩn bị làm bài.
Tại TP HCM, hơn 10h các sĩ tử mới bắt đầu bước ra khỏi cổng trường. Đề Văn được các thí sinh đánh giá là vừa sức. Thúy Hằng học sinh trường Lê Thị Hồng Gấm tự tin cho biết không khó để lấy điểm 7. Một số học sinh không chuyên văn cũng hài lòng với đề thi.
Ở câu hỏi số 2, trong phần nghị luận xã hội, thí sinh phải nêu suy nghĩ của mình về ý kiến "Trước nhiều ngả đường đi đến tương lai, chỉ có chính bạn mới lựa chọn được con đường đúng cho mình". Một nhóm nữ sinh trường Nguyễn Bỉnh Khiêm chia sẻ câu hỏi này hơi "kỳ kỳ". "Em cũng hiểu đại ý của câu hỏi nhưng không biết diễn đạt như thế nào", nữ sinh nói.
Tuy nhiên Phương Hảo, học sinh trường THPT Marie Curie, lại cho rằng câu hỏi này rất hay và sát với lứa tuổi của mình. "Thực tế hiện nay có nhiều bạn chưa định hướng được nghề nghiệp cũng như cuộc sống. Em nghĩ câu hỏi này nhấn mạnh vào những người đó, đồng thời muốn các bạn hiểu được cần thiết phải vạch ra mục tiêu phấn đấu cho bản thân trong tương lai", Hảo bày tỏ quan điểm.
Hầu hết thí sinh tỏ ra hài lòng với các câu hỏi trong phần tự chọn gồm phân tích đoạn thơ trong bài Tây tiến và nhân vật Tràng trong tác phẩm Vợ nhặt vì đều nằm trong chương trình đã được ôn tập. Một số thí sinh không chuyên Văn thì lúng túng hơn với phần đề liên quan đến tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu.
Lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2011:
Buổi sáng, thí sinh bắt đầu làm bài từ 7h 30 phút, buổi chiều từ 14h 30 phút. |
Tin đọc nhiều

Miễn học phí, sự tiến bộ của chế độ ta

Quyết sách nhân văn, hợp lòng dân
Đại hội cháu ngoan Bác Hồ thành phố Lai Châu lần thứ IV, năm 2025

Lai Châu: Gần 6.000 học sinh vào lớp 10 công lập năm học 2025-2026

Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng điểm Trường Mầm non bản Lồng Ngài

Đồng hành cùng con trong sử dụng internet
Nậm Nhùn: Nhiều giải pháp vận động học sinh ra lớp sau tết

Lớp học xóa mù chữ ở xã vùng cao








