Thứ bảy, 14/12/2024, 19:17 [GMT+7]

Hiệu quả từ thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở xã, phường, thị trấn 

Thứ tư, 24/01/2024 - 10:37'
(BLC) - Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp, việc triển khai và tổ chức thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Qua đó, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Chúng tôi về San Thàng, thành phố Lai Châu những ngày cuối năm, đi trên những con đường trải bê tông phong quang sạch đẹp, đồng chí Hoàng Văn Sinh - Chủ tịch UBND xã phấn khởi nói, xã San Thàng có 9  bản, 6 dân tộc, trên 1.300 hộ sinh sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp. Những năm qua, thực hiện tốt QCDC, xã đã phát huy được tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân tham gia có hiệu quả vào xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, giao thông nội đồng… trên tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. 

Cấp ủy, chính quyền phối hợp với các đoàn thể cùng vào cuộc tuyên truyền để nhân dân nhận thức được vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới. Từ chỗ hiểu rõ được vai trò, trách nhiệm của mình, người dân đã tham gia một cách tích cực. Từ năm 2011 đến nay, nhân dân đã đóng góp tiền, vật liệu, công lao động, hiến đất tổng trị giá 36 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới, năm 2015, San Thàng trở thành xã đầu tiên của tỉnh cán đích xây dựng nông thôn mới. Hiện xã có trên 19,5km đường giao thông nội đồng mở mới do nhân dân hiến đất; 100% đường nội bản được cứng hóa bê tông do nhà nước và nhân dân cùng làm; 95% hệ thống kênh mương thủy lợi kiên cố. 100% các trục đường chính tại các bản được đầu tư lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng. Năm 2010 thu nhập của người dân đạt 9,5 triệu đồng/năm đã tăng lên 55 triệu đồng/năm vào cuối năm 2023. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm còn 1,8%. Nhờ thực hiện tốt QCDC, xã đã phát sức mạnh đoàn kết trong nhân dân, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị - kinh tế, văn hoá - xã hội của địa phương.

b

Nhân dân tham gia ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri xã San Thàng với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh.

Xác định việc thực hiện QCDC ở cơ sở là một nhiệm vụ quan trọng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên, nhân dân về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở. Các địa phương tổ chức tuyên truyền, quán triệt, tập huấn về công tác dân vận, thực hiện QCDC ở cơ sở. 

Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trong tỉnh gắn việc phát huy dân chủ với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Phối hợp giám sát quy ước, hương ước; kết hợp hài hòa việc triển khai thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”... qua đó, đã xuất hiện nhiều điển hình trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hoạt động từ thiện; xây dựng khu dân cư văn hóa…

Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nhân dân được bàn và quyết định những nội dung có liên quan đến người dân, đảm bảo dân chủ, đúng pháp luật, tạo đồng thuận trong nhân dân như: Việc xây dựng và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng, chủ trương đóng góp ngày công để xây dựng nông thôn mới…  Trong năm, nhân dân đã tham gia đóng góp 6.328 ngày công, 1.452,975 triệu đồng, hiến 32.366m2 đất để xây dựng, sửa chữa trường học, đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, chỉnh trang đô thị, lát vỉa hè, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố. 

Tổ chức hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng được quan tâm củng cố, kiện toàn và hoạt động hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có 106 ban thanh tra nhân dân/106 xã, phường, thị trấn, 960 thành viên; 94 ban giám sát đầu tư của cộng đồng/106 xã, phường, thị trấn, 661 thành viên. Các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng có nguồn vốn do nhân dân đóng góp hoặc nhà nước và nhân dân cùng làm đã được ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng tham gia giám sát thường xuyên. Công tác hòa giải ở cơ sở được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các xã, phường, thị trấn quan tâm chỉ đạo; góp phần giải quyết các mâu thuẫn tại cộng đồng khu dân cư, giữ gìn đoàn kết nội bộ nhân dân, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Hiện nay 957/957 các thôn, bản, khu phố đã xây dựng được quy ước, 956/957 quy ước đều được UBND các huyện, thành phố phê duyệt (trong đó 1 quy ước của xã Làng Mô, huyện Sìn Hồ đang chờ phê duyệt). 

Đồng chí Sùng A Hồ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, trong thời gian qua, việc thực hiện QCDC ở cơ sở đã được Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thể hiện rõ nét trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng, quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch. Qua đó đã khắc phục biểu hiện cửa quyền, xa rời nhân dân; phát huy được vai trò, quyền làm chủ của nhân dân, góp phần thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Bình Minh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Cần thực hiện nghiêm túc hơn
Dù hầu hết các đơn vị kinh doanh xăng, dầu đã chấp hành quy định về hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế; nhưng thực tế, trên địa bàn tỉnh còn số lượng...
Anh nông dân vùng biên giới làm giàu từ trông sâm Lai Châu
Thay vì trồng trọt, chăn nuôi theo cách truyền thống, nhiều năm nay, anh Tẩn Sài Sông dân tộc Dao ở bản Lả Nhì Thàng (xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ) mạnh dạn đổi mới tư duy làm kinh tế. Với việc...