Hỗ trợ, kết nối, tiêu thụ nông sản
Nhìn nhận đúng thực tế
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: lúa, ngô, cao su, chè, cá nước lạnh; sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa: trồng cây ăn quả ôn đới, chuối hay gạo tẻ râu Phong Thổ, gạo séng cù Than Uyên, gạo khẩu ký và nếp tan Co Giàng Tân Uyên, chè Tam Đường và chè Tân Uyên. Một số mặt hàng nông sản được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng như: gạo, ổi, cá lồng, miến dong, mắc-ca, chè… Toàn tỉnh hiện có 3.859ha lúa hàng hóa, 6.603ha mắc-ca, 9.466ha chè, 8.456ha cây ăn quả, 12.944ha cây cao su; 151 cơ sở chăn nuôi đại gia súc tập trung; diện tích ao nuôi thủy sản đạt 1.000ha.
Tuy nhiên, phần lớn cơ sở chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu có quy mô nhỏ, công nghệ chế biến thủ công, hệ thống máy móc chưa đồng bộ. Các sản phẩm nông sản tuy đa dạng về chủng loại nhưng mới có sản phẩm chè có khối lượng lớn, được chế biến sâu và đã được đăng ký nhãn hiệu, còn lại đa số chưa có vùng nguyên liệu tập trung, sản lượng ít, nhãn mác hàng hóa chưa đầy đủ thông tin. Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa quan tâm đến việc đăng ký nhãn hiệu, thiết kế mẫu mã sản phẩm và các hoạt động quảng bá, kết nối, tìm kiếm thị trường.
Cùng vào cuộc mạnh mẽ
Để đồng hành, hỗ trợ các cơ sở sản xuất nông sản nâng cao chất lượng sản phẩm và kết nối, tìm kiếm thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản, theo chia sẻ của ông Lê Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở Công Thương: Thời gian qua, sở triển khai công tác khuyến công, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh nông sản ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. Giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản tại thị trường trong nước, xuất khẩu và trên các sàn thương mại điện tử. Cập nhật thông tin về thị trường, chính sách thuế quan, rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, quy định an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu kịp thời thông tin đến tổ chức, cá nhân có hướng sản xuất kinh doanh phù hợp với yêu cầu thị trường.
Công nhân Nhà máy chè Tusan Tuyền Phương (xã Mường Kim, huyện Than Uyên) thực hiện các công đoạn sản xuất chè phơi.
Ngoài ra, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các huyện, thành phố tuyên truyền, phổ biến đến cơ sở chế biến nông sản về xuất xứ hàng hóa; chất lượng an toàn thực phẩm; nhãn mác, bao bì sản phẩm. Hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất hàng hóa nông sản thực hiện đăng ký chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa; chuyển giao khoa học công nghệ, nhất là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm hàng hóa. Tăng cường hỗ trợ xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư và thu hút các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến, kho bảo quản nông sản trên địa bàn tỉnh để nâng cao chất lượng, giá trị hàng hóa nông sản của tỉnh, đáp ứng các điều kiện của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ông Đỗ Quang Tuyến - Giám đốc Nhà máy chè Tusan Tuyền Phương (trụ sở tại xã Mường Kim, huyện Than Uyên) chia sẻ: “Sau khi được cấp phép đầu tư, năm 2022, công ty bắt tay xây dựng nhà máy và hoàn thiện việc lắp đặt thiết bị với công suất 50 tấn chè tươi/ngày. Tuy nhiên, vùng nguyên liệu mới chỉ đáp ứng được 3-4 tấn chè tươi/ngày, đơn vị hiện tập trung làm sản phẩm chè phơi; sắp tới đủ nguyên liệu sẽ làm 2 sản phẩm chè xanh viên và chè xanh duỗi. Khi nhà máy đi vào hoạt động đảm bảo thu mua ổn định giá thành cho bà con”.
Hỗ trợ kết nối thị trường
Từ năm 2021-2023, các cơ quan chuyên môn của tỉnh hỗ trợ 10 doanh nghiệp, hợp tác xã với trên 40 sản phẩm nông sản tham gia tuần hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản tại Hà Nội. Hỗ trợ 37 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với trên 250 lượt sản phẩm nông sản trưng bày giới thiệu tại nhiều hội chợ do các tỉnh, thành phố tổ chức. Hỗ trợ 10 doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến nông sản xây dựng, vận hành ổn định website bán hàng và đưa 20 sản phẩm nông sản lên hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc các sản phẩm hàng hóa của tỉnh. Tổ chức tập huấn kỹ năng bán hàng trên mạng xã hội cho 160 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Phối hợp tổ chức Hội thảo xúc tiến sản phẩm chè của tỉnh Lai Châu để quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm chè của tỉnh đến doanh nghiệp các nước khu vực Trung Đông, Bắc Phi, Nam Á.
Việc hỗ trợ, kết nối, tiêu thụ nông sản đã và đang được tỉnh tăng cường thực hiện đã thực sự trở thành cầu nối thúc đẩy, tìm kiếm đối tác hợp tác đầu tư, mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, liên doanh, liên kết, phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ cho các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn, đặc biệt là từng bước tiếp cận được thị trường quốc tế.
Phương Ly
Bình luận