

Xã Phúc Khoa có 6 bản với hơn 1.120 hộ dân. Năm nay, thời tiết thuận lợi hơn, vì thế trên khắp đồi chè các bản: Ngọc Lại, Phúc Khoa, Nậm Bon, Hô Bon… những tháng cuối năm, búp chè vẫn tươi non mơn mởn. Bà con có thêm một năm thắng lợi từ chè. Đặc biệt, trong năm giá thu mua chè ổn định từ 5.000 -7.000 đồng/1kg chè búp tươi, trong khi đó giá phân bón và thuốc bảo vệ thực vật không tăng cao nên người trồng chè có thu nhập cao hơn so với năm trước. Với người dân nơi đây, bên cạnh duy trì cấy lúa, trồng ngô đảm bảo lương thực hằng ngày, cây chè hiện nay là nguồn thu nhập chính và ổn định nhất của gia đình.
Được biết, toàn xã Phúc Khoa hiện có vùng chè kinh doanh rộng hơn 500ha. Để đảm bảo được năng suất, chất lượng đầu ra cho chè búp tươi, xã tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân đầu tư, bón phân, làm cỏ chè theo đúng định kỳ để chè sinh trưởng, phát triển tốt. Tích cực cử cán bộ, công chức chuyên môn đồng hành, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại có thể xảy ra trên cây chè. Nhờ đó, sản lượng chè búp tươi năm 2023 của xã đạt trên 7.400 tấn.
Người dân xã Phúc Khoa thu hoạch chè.
Từ nguồn nguyên liệu chè lớn, xã khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ dân, HTX, doanh nghiệp vào liên kết, bao tiêu sản phẩm chè cho người dân, đầu tư xây dựng nhà máy, xưởng chế biến chè chuyên sâu, góp phần tạo ra sản phẩm trà chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường; khẳng định thương hiệu chè Phúc Khoa, Tân Uyên. Hiện nay xã Phúc Khoa có 5 doanh nghiệp, HTX thực hiện thu mua, sản xuất, chế biến chè và một số hộ dân nhận sao thuê chè cho bà con.
Điển hình như gia đình anh Nguyễn Văn Chính ở bản Ngọc Lại, năm 2017 đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, mua máy móc sao chè để chế biến chè. Hiện gia đình anh có 3ha chè: Kim Tuyên, Tuyết Shan và Phúc Vân tiên. Mỗi năm bình quân gia đình anh thu từ 35-40 tấn chè búp tươi, anh bán cho nhà máy một nửa, còn một nửa tự chế biến làm thành phẩm trà. Ngoài ra, anh còn liên kết với một số hộ trong bản nhận sao chè thuê. Trung bình một năm gia đình anh thu hơn 250 triệu đồng từ chè, bán gần 3 tấn trà khô.
Nhằm tạo điều kiện cho việc chăm sóc, thu hái chè của người dân được thuận lợi, hướng đến phát triển du lịch đồi chè, xã quan tâm lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư xây dựng đường giao thông vùng chè. Xã hội hoá nguồn lực của bà con, làm sân khấu, các điểm view ngắm cảnh trên đồi chè, phục vụ nhân dân và du khách về tham quan, thưởng lãm đồi chè. Trong 2 năm qua, xã đã tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc gắn với du lịch vùng chè nhân dịp lễ Quốc khánh 2/9 với nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn, trong đó có phần thi hái chè truyền thống. Qua đây, quảng bá vùng chè, sản phẩm chè của xã với Nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh.
Đồi chè xã Phúc Khoa tuyệt đẹp với tiềm năng phát triển du lịch lớn.
Nhờ vào tập trung phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm chè búp tươi cũng như sản phẩm trà khô sau chế biến, đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân xã Phúc Khoa, giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương. Đến hết năm 2023, thu nhập bình quân của xã đạt 47 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo giảm còn 55 hộ.
Tin đọc nhiều
Khách hàng là trung tâm của sự phát triển bền vững

Nhân rộng diện tích trồng sâm Lai Châu

“Mở đường” cho nông sản vùng thấp Sìn Hồ
UBND huyện Nậm Nhùn tổ chức Phiên họp thường kỳ tháng 5

Lai Châu chuẩn bị tổ chức sự kiện “Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử”

Huyện Tam Đường: Vào vụ trồng chanh leo

Bước chuyển mình đáng tự hào

Trồng chè theo hướng hữu cơ









