

<> "Tiếp lửa" vùng biên - Bài 2: Nậm Ban - Khi lính biên phòng về làm cán bộ xã
“Kiến tạo” từ xuất phát điểm của một xã tỷ lệ hộ nghèo chiếm 62% (cuối năm 2015 theo tiêu chí nghèo đa chiều lên tới 72%), mặt bằng dân trí thấp. Trên địa bàn xã có 2 dân tộc chính là Mông và Mảng, nhận thức pháp luật còn nhiều hạn chế, dễ bị các phần tử xấu kích động, xúi giục vi phạm pháp luật; dân tộc Mảng nằm trong nhóm dân số dưới 10.000 người cần được bảo tồn theo Quyết định số 1672/QĐ-TTg, ngày 26/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Bởi, đây là dân tộc có số dân ít, sinh sống chủ yếu ở vùng núi cao, về điều kiện, hoàn cảnh kinh tế - xã hội hết sức khó khăn, có nguy cơ tụt hậu trong quá trình phát triển. Đáng quan tâm nhất vẫn là những phong tục xưa cũ (tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống), thói quen lạm dụng rượu, sử dụng thuốc phiện và tự tử bằng lá ngón cùng những khó khăn về vật chất trong cuộc sống qua nhiều thập kỷ...
Xác định việc chia tách, thành lập dù khó khăn nhưng cũng là cơ hội giúp xã Trung Chải có điều kiện bứt phá, vươn lên. Chấp hành quyết định điều động của Ban Tổ chức Huyện ủy, đồng chí Phạm Anh Tuấn - cán bộ Phòng Công thương huyện về nhận nhiệm vụ tại xã với cương vị Bí thư Đảng ủy.
Nhớ lại những ngày đầu “trứng nước”, Chủ tịch HĐND xã Trung Chải - Lò A Tư nói: Để dân tin, Đảng ủy giao Thường trực HĐND và UBND xã nghiên cứu đề ra phương án phát triển kinh tế - xã hội nhanh nhất, hiệu quả nhất. Với tiềm năng phát triển nông, lâm nghiệp và chăn nuôi gia súc theo nhóm hộ tập trung, một nghị quyết chuyên đề được ban hành về đẩy mạnh phát triển nông, lâm nghiệp trên cơ sở nguồn vốn của các chương trình, dự án từ Trung ương và tỉnh. Chưa đầy 3 năm sau, đàn gia súc (trâu, bò, dê, lợn...) của xã tăng lên đáng kể và những diện tích thảo quả trồng dưới tán rừng cho thu vụ đầu tiên. Bãi chăn thả được quy hoạch, đàn gia súc tăng nhanh về số lượng, con nào cũng béo núng nính, mắn đẻ, chỉ ngắm đã mãn nhãn. Chăn nuôi gia trại dần hình thành, thậm chí có gia đình nuôi tới 50 - 60 con trâu, bò. Đây cũng là mô hình đã và đang được Trung Chải khuyến khích mở rộng, đầu tư phát triển.
Hàng năm, xã triển khai quyết liệt công tác khai hoang phục hóa, hỗ trợ kinh phí để Nhân dân mở rộng diện tích trồng lúa nước. Chuyển đổi cơ cấu giống, đầu tư chăm sóc theo quy trình kỹ thuật, thêm vào đó Nhà nước hỗ trợ thiết thực để giảm chi phí sản xuất như giá giống, cho vay phân bón trả chậm và nông cụ sản xuất nên năng suất lúa nước cao hơn lúa nương. Không những giúp bồ thóc của các gia đình đầy hơn mà nạn phá rừng cũng hạn chế thấp nhất.
Giờ thì chúng tôi hiểu niềm vui xen lẫn tự hào ẩn chứa trong những chia sẻ của Bí thư Đảng ủy xã Trung Chải - Nguyễn Mạnh Hà: “Thời gian như một sự thử thách, đến Trung Chải hôm nay chắc không nhiều người hình dung ra khó khăn của gần 7 năm trước. Tại các bản, thế chỗ cho những căn nhà dột nát, xiêu vẹo là ngôi nhà có thể chưa thật bề thế như ở thành phố các bạn nhưng đã đủ bền đẹp, chắc chắn và nhất là không còn cảnh mưa dột nắng xiên. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các bản được chính quyền xã triển khai theo chủ trương quy hoạch nông thôn mới. Khi mặt trời khuất núi, màn đêm buông xuống thì điện lưới quốc gia bừng sáng trong từng ngôi nhà nhỏ, làm gần hơn con đường đưa miền núi tiến kịp miền xuôi...”.
Thiếu tá Trần Văn Nam - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Trung Chải hướng dẫn đảng viên Lò Me Thơ - Bí thư Chi bộ bản Nậm Sảo 1 hoàn thiện biên bản sinh hoạt chi bộ.
Theo anh Hà, những năm trước, trong Đảng bộ còn nhiều chi bộ sinh hoạt ghép, thiếu cái gì đó cho sự bền vững và phát triển, nhất là chi bộ bản của đồng bào Mảng. Nắm bắt tình hình, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh đề ra chủ trương tầm chiến lược - đưa cán bộ biên phòng có trình độ tổ chức và năng lực tập hợp quần chúng từ các đồn biên phòng về công tác tại xã thuộc địa bàn đồn quản lý. Vậy nên Thiếu tá Trần Văn Nam (Đồn Biên phòng Hua Bum) bén duyên với xã theo cách đó.
Đảm nhiệm chức danh Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Trung Chải, quả đúng tác phong người lính, Thiếu tá Nam cuốc bộ về tận bản xa nhất, khó khăn nhất của xã chỉ để có thể cùng dự sinh hoạt với các đảng viên trong chi bộ. Anh tỷ mẩn hướng dẫn từ việc bàn bạc để xây dựng, ban hành đến triển khai nghị quyết cho đến ghi chép sổ nghị quyết; cụ thể hóa và triển khai linh hoạt các nghị quyết của cấp trên vào thực tế đời sống trên cơ sở những thuận lợi và cả khó khăn. Nhờ đó, chất lượng hoạt động của các chi bộ dần nâng lên, thể hiện ở chủ trương, chính sách triển khai kịp thời, hiệu quả, tăng cường khối đoàn kết giữa đảng viên với đảng viên, giữa chi bộ với chính quyền trong mối quan hệ tổng hòa do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ.
Chủ tịch UBND xã Trung Chải - Lý A Nhè cho biết: Thật vui khi chỉ mấy năm sau ngày chia tách, thành lập, đến nay Trung Chải có trên 50% cán bộ là người dân tộc Mảng có trình độ chuyên môn đại học, cao đẳng và trung cấp. Nhiều người được kết nạp Đảng và được tổ chức giao đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong bộ máy chính quyền cũng như các đoàn thể của xã. Có những bản từ chỗ hàng chục năm liền “trắng” đảng viên, “trắng” chi bộ nay đã thành lập được chi bộ độc lập. Thậm chí có chi bộ 100% đảng viên là người dân tộc Mảng nhưng hoạt động nhịp nhàng và khá hiệu quả.
Già làng Lý A Hương (83 tuổi), bản Nậm Sảo 2 hồ hởi: “Đảng viên người Mảng đều là tấm gương trong nỗ lực phát triển kinh tế, tích cực tuyên truyền quần chúng không di cư tự do, không buôn bán, sử dụng ma túy, không săn bắn thú quý và nhất là không vi phạm quy chế biên giới. Những năm qua, nhiều gia đình người Mảng không ngừng vươn lên, xây dựng cuộc sống mới, xóa bỏ đói nghèo, lạc hậu...
Còn với bà Lò Thị Chướng (nguyên Bí thư Đảng ủy xã Trung Chải đã về hưu, nay là người có uy tín của bản Nậm Sảo 2) thì cứ tấm tắc: Thế hệ cán bộ, đảng viên của xã ngày càng trẻ hóa thành ra có nhiếu ý tưởng, mạnh dạn thay đổi phương thức lãnh, chỉ đạo. Được đào tạo cơ bản về trình độ chuyên môn đến lý luận chính trị nên cả cách nhìn nhận vấn đề rồi ra quyết sách lãnh, chỉ đạo đều đúng, trúng. Thêm nữa, cán bộ biên phòng về tăng cường làm cán bộ xã tạo bước đột phá trên tất cả các lĩnh vực để Trung Chải hôm nay thực sự vươn mình.
Thông qua sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, chính quyền địa phương, Nhân dân xã Trung Chải mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập. Trong ảnh: Nhân dân thu hoạch củ dong riềng.
Dù chỉ là phút trải lòng ngắn ngủi của những người “đầu tầu” nhưng chúng tôi nhận thấy rõ với sự tâm huyết, trách nhiệm với vùng khó ấy đã lí giải không phải ngẫu nhiên mà người dân từng chỉ trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước đã biết tận dụng lợi thế thổ nhưỡng và sử dụng hiệu quả các nguồn để phát triển các mô hình chăn nuôi đại gia súc, trồng cây công nghiệp hiệu quả. Để rồi “mùa quả ngọt” đã về với Trung Trải: tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3 - 4%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 14,7 triệu đồng/năm 2018 (tăng 5,7 triệu đồng so với năm 2015); 230/270 hộ gia đình (trên 85%), 5/6 bản (83,3%) và 5/5 cơ quan được công nhận danh hiệu văn hóa.
(Còn nữa)
Bộ Tổng Tham mưu kiểm tra công tác phòng không bảo vệ các công trình trọng điểm tại tỉnh Lai Châu

Công bố quyết định thành lập các Đảng bộ, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Ban Chỉ huy phòng thủ khu vực

Cái giá đắt cho vợ chồng “hờ” bán “hải sản tươi”

Hạnh phúc khi được gắn bó với biển, đảo
Lễ Công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an và Giám đốc Công an tỉnh

Ra mắt mô hình “Thư viện cà phê sách”

Quốc hội thống nhất bỏ chức danh Chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh
Thông tuyến, khôi phục lối mở Sì Choang (Việt Nam) - Dền Suối Thàng (Trung Quốc)







