Triển khai công tác tư pháp toàn quốc năm 2024
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu Bộ Tư pháp kết nối đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành trong cả nước. Dự hội nghị tại điểm cầu Bộ Tư pháp có đồng chí Lê Thành Long - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và các đồng chí Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương.
Tại điểm cầu tỉnh, đồng chí Lê Văn Lương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh dự.
Báo cáo kết quả công tác tư pháp năm 2023 nêu rõ: năm 2023, bộ, ngành Tư pháp đã bám sát sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong các lĩnh vực quản lý của bộ, ngành Tư pháp, đồng thời, bám sát mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 tại các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và của từng địa phương. Việc triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, các nghị quyết, chương trình hành động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được thực hiện chủ động, khẩn trương.
Các địa phương đã ban hành 3.763 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) cấp tỉnh, 2.523 VBQPPL cấp huyện và 1.750 VBQPPL cấp xã. Đã có 54/63 tỉnh, thành phố đang triển khai thực hiện số hóa Sổ hộ tịch theo quy định tại Nghị định số 87/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành sát sao, kịp thời, quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của chính quyền các địa phương, sự nỗ lực, quyết tâm của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, bộ, ngành Tư pháp đã triển khai toàn diện, đồng bộ các mặt công tác, bám sát phương châm hành động nhiệm kỳ, từng năm của Chính phủ, chính quyền các địa phương, công tác tư pháp tiếp tục đóng vai trò then chốt, có vị trí quan trọng góp phần thiết thực vào thành tựu chung của đất nước và của từng địa phương về phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, tăng cường vị thế đối ngoại của đất nước, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, người dân.
Năm 2024 toàn ngành Tư pháp tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: kịp thời quán triệt, tham mưu thể chế hóa kịp thời, đầy đủ và triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các lĩnh vực công tác của bộ, ngành Tư pháp, nhất là tiếp tục tham mưu và tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới; Kế hoạch số 11-KH/TW ngày 28/11/2022 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW; Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 12/5/2023 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW…
Thảo luận tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung vào các giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả nhiệm vụ công tác năm 2024 và nhiệm vụ công tác đến hết nhiệm kỳ (2021-2026).
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trần Lưu Quang - Phó Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá cao sự nỗ lực của bộ, ngành Tư pháp trong năm 2023 và sau nửa nhiệm kỳ qua. Đồng chí đề nghị bộ, ngành Tư pháp tiếp tục đổi mới, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, xây dựng thể chế, đảm bảo kịp thời, có chất lượng, hiệu quả; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; kịp thời tham mưu sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản; nâng cao chất lượng công tác thi hành pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống; tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực thi pháp luật...
Hoài Thương
Bình luận