

“Cháy hết mình” là cụm từ chuẩn xác khi nhắc đến các trận kéo co tại bất kỳ cuộc thi lớn, nhỏ nào diễn ra trong tỉnh. Chỉ cần một sợi dây thừng dai, chắc và vạch sân, chia dây làm hai phe kéo (có thể là đội hình nam hay nữ hoặc một nửa đội là nam, nửa đội là nữ) đã có thể tạo ra “sân chơi” rộn ràng tiếng nói cười. Ở sân thi đấu kéo co, tinh thần của cả người tham gia thi đấu lẫn các cổ động viên dâng cao theo từng thời khắc diễn ra trận đấu. Có dịp tham gia cổ vũ cho các đội kéo co nội dung nam và nữ của các tổ dân phố, bản tại Đại hội Thể dục thể thao phường Tân Phong (thành phố Lai Châu) lần thứ III năm 2017, tôi chứng kiến cảnh từng đội thi bước vào thi đấu với tâm thế thoải mái. Dù trời mưa tầm tã song không vì thế mà giảm nhiệt huyết của cổ động viên cổ vũ cho đội nhà. Từ người cao tuổi đến lứa tuổi học sinh, tất cả mọi người tập trung về đoạn đường ở cổng UBND phường cổ vũ tinh thần cho đội thi đấu của tổ mình. Không phụ công người hâm mộ, 8 vận động viên của đội kéo co nam và nữ đem đến những trận kéo đấu hấp dẫn.
Trận thi đấu kéo co nội dung đồng đội nữ tại Đại hội Thể dục thể thao phường Tân Phong lần thứ III.
Anh Vừ A Dơ (vận động viên tham gia đội kéo co của tổ dân phố 19) cho biết: “Đội kéo co mạnh thì thể lực mỗi cá nhân phải khỏe, có sự phối hợp ăn ý, kéo đúng kỹ thuật. Ngay từ khi luyện tập, đội chúng tôi hướng dẫn các vận động viên lựa chọn giày có độ ma sát để tăng độ bám, tư thế ban đầu chân mở rộng bằng vai, đứng cách nhau vừa phải, cách dồn lực, độ nghiêng khi kéo sao cho nội lực tăng lên. Lựa chọn vận động viên đứng đầu dây có sức khỏe tốt, dẻo dai, người đứng cuối hàng phải ghìm dây thật chắc chắn”.
Một trong những yếu tố khiến trận thi đấu kéo co thêm phần hấp dẫn phải kể đến sự cổ vũ sôi nổi của đội cổ vũ. Chính tiếng hô “một hai”, “cố lên”, “hò zô” theo đúng nhịp sẽ giúp các vận động viên hợp sức cùng thời điểm, cộng lực tốt, dẫn đến thành công của cả đội.
Môn thể thao kéo co không chỉ đơn thuần phô diễn sức mạnh cơ bắp mà còn là sự hợp sức của tập thể với số lượng người chơi, người cổ vũ đông đảo. Chính không gian rộn rã do kéo co tạo ra là điểm đặc biệt nhất của trò chơi này. Không gian đó tạo ra văn hóa giữa người với người, những tiếng cười râm ran, niềm hưng phấn, hân hoan khiến kéo co trở nên đặc biệt so với tất cả các trò chơi khác. Xuất hiện từ lâu đời, lưu truyền trong cộng đồng và tạo ra sức lan tỏa lớn, sau khi Liên đoàn kéo co nước Anh, Liên đoàn kéo co Quốc tế ra đời, kéo co đã trở thành môn thể thao hiện đại có mặt ở các đấu trường Olympic quốc tế, Giải vô địch kéo co thế giới… Tự hào hơn khi năm 2015, nghi lễ và trò chơi kéo co truyền thống tại 4 quốc gia: Việt Nam, Cam Pu Chia, Philippins, Hàn Quốc được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia đại diện của nhân loại. Từ đây, ý nghĩa của môn kéo co được nhìn nhận dưới góc độ văn hóa và chính không khí trong các buổi kéo co cùng tinh thần của người tham gia chơi đã mở ra không gian văn hóa này.
Ở tỉnh ta, trong các lễ hội mừng xuân mới, trò chơi dân gian kéo co thường được lựa chọn là môn thể thao đồng đội. Mùa lễ hội văn hóa các dân tộc đã và đang diễn ra ở các huyện lần lượt từ Tam Đường đến Tân Uyên, Than Uyên, môn thể thao này cũng đang góp phần khiến không gian trở nên sôi nổi, vui tươi. Đây cũng là môn thể thao được lựa chọn trong mùa tựu trường vùng cao bởi “sân chơi” do kéo co tạo nên giúp học sinh nhanh chóng hòa đồng với tập thể và tạo tâm lý hứng khởi bước vào một năm học mới.
Tin đọc nhiều
Giải thể thao chào mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam

Hơn 200 vận động viên tham dự giải pickleball, bóng chuyền hơi mở rộng

Than Uyên: Giải thể thao chào mừng Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Phát triển đa dạng dịch vụ môn thể thao Pickleball

Giải cầu lông công nhân viên chức tỉnh thu hút 158 vận động viên tham gia

Hành trình chinh phục những đỉnh cao

Giải bóng bàn các câu lạc bộ tỉnh Lai Châu lần thứ V năm 2025

196 vận động viên tham gia tranh tài giải bóng đá truyền thống thanh niên








