

Trước đây, tù lu cũng như bao trò chơi dân gian khác (bắn nỏ, ném pao, đi cà kheo) của dân tộc Mông thường được tổ chức mỗi dịp tết, lễ hội. Chơi tù lu là dịp để các chàng trai dân tộc Mông thể hiện sức mạnh, sự khéo léo, phán đoán tốt của mình trước người thân, bạn bè; thể hiện tình yêu, bản lĩnh, chinh phục người thương… Ngay từ khi còn là đứa trẻ, con trai người Mông đã biết đánh tù lu. Tù lu được truyền từ người này sang người khác và lưu giữ nguyên vẹn đến hôm nay.
Hai anh em: Giàng A Súa và Giàng A Lâu nhận nhiều Huy chương Vàng nội dung đồng đội tại các giải đấu.
Ngày nay, tù lu đã trở thành môn thể thao truyền thống được nhiều người yêu thích và đưa vào thi đấu tại Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc, Ngày hội Văn hóa - thể thao các dân tộc… Điển hình trong số 4 Huy chương Vàng của Đoàn vận động viên Lai Châu tham gia Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc tại Hòa Bình tháng 9 vừa qua, môn tù lu đã chiếm tới một nửa số huy chương. Sướng tên trên bảng vàng thành tích của môn tù lu tỉnh ta khi tham gia các giải đấu khu vực, toàn quốc phải kể đến 2 anh em họ Giàng ở bản Nà Kế (xã Hồng Thu, huyện Sìn Hồ) là Giàng A Súa (SN 1979) và Giàng A Lâu (SN 1982).
Những “miếng” đánh tù lu điêu luyện, độ chính xác cao của 2 vận động viên cùng nhà này khiến đối thủ cũng như khán giả khâm phục. Không chỉ thống trị huy chương, cặp đôi còn mang về vinh quang cho tỉnh nhà tại các giải đấu lớn.
Nói về môn tù lu, anh Súa say sưa kể, khi còn bé tôi thấy các anh, các chú trong bản chơi và làm tù lu. Rồi những lần theo bố mẹ đi dự lễ hội của bản được xem người lớn trổ tài. Tiếng hò gieo cổ vũ của khán giải, vòng trong xoay tít của tù lu khiến tôi thấy yêu thích. Chơi tù lu cần có các yếu tố về kỹ thuật, sự khéo léo, cảm giác tốt, kinh nghiệm…
Hiện nay, đội tuyển tù lu của tỉnh có thêm gương mặt trẻ là Giàng A Làng cũng đến từ huyện Sìn Hồ. Ở độ tuổi ngoài đôi mươi, Làng nổi bật trong từng miếng đánh, đường quay. Trong năm 2017, Làng đã mang về có Đoàn vận động viên tỉnh nhà 2 Huy chương Vàng ở nội dung cá nhân tại các giải đấu khu vực, toàn quốc.
Để có đươc con quay tốt ngoài kỹ thuật gọt, đẽo của người làm cần phải có nguyên liệu là những loại gỗ cứng (đinh, nghiến) có đường kính chừng 10cm. Trước ngày lễ, hội, các chàng trai vào rừng tìm gỗ về quây quần tại bãi đất trống đầu bản cùng nhau đẽo tù lu. Vật dụng để làm tù lu chỉ là dao nhọn, một miếng gỗ nhỏ làm giá đỡ. Vừa đẽo, người làm vừa thử quay để căn độ chuẩn và những người bạn cùng nhau ngắm, cho ý kiến để con quay hoàn thiện hơn.
Dân tộc Thái, Kinh cũng có con quay (cù) với đặc điểm một bên đầu nhọn có đóng đinh, còn con quay của người Mông thì không đóng đinh và ở phần dây cuốn con quay có cán cầm. Dây quấn quanh con quay cho đến sát cán cầm, một tay cầm con quay, một tay cầm cán (tay thuận dùng cầm cán), dùng lực mạnh từ cánh tay cầm cán đồng thời buông tay cầm con quay, con quay theo lực vung của cánh tay lao đến con quay được quay sẵn tại các vòng tròn cố định.
Anh Lưu Tân Trường - huấn luyện viên môn tù lu của Trung tâm Huấn luyện năng khiếu thể dục thể thao (Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch) cho biết: “Môn tù lu được người dân chơi tại các dịp lễ, hội có vòng tròn, kích thước khác nhau tùy vào diện tích của nơi tổ chức, còn trong thi đấu các vận động viên phải tuân thủ luật được Ban Tổ chức quy định. Trước mỗi kỳ hội thao, ngày hội chúng tôi tập trung các vận động viên phổ biến luật thi đấu, tổ chức luyện tập và tạo tinh thần thoải mái cho vận động viên. Ngoài kinh nghiệm, các vận động viên muốn đạt thành tích cao ở môn tù lu cần có kỹ thuật, sức khỏe, cảm giác, đường ngắm chuẩn xác. Có người dùng kỹ thuật đánh trực tiếp vào con quay của người phụ, còn có người đánh vào 1 vị trí bên cạnh để con quay bật lên chạm vào con quay phụ…”.
Ngoài yếu tố giải trí, tù lu còn là môn chơi giúp người chơi rèn luyện sức khỏe, độ khéo léo, tinh nhanh. Chính vì vậy, từ một trò chơi dân gian, tù lu đã khẳng định được giá trị nét đẹp văn hóa truyền thống sẽ được phát huy, lưu truyền mãi về sau.
Tin đọc nhiều

Hành trình chinh phục những đỉnh cao

Giải bóng bàn các câu lạc bộ tỉnh Lai Châu lần thứ V năm 2025

196 vận động viên tham gia tranh tài giải bóng đá truyền thống thanh niên
Giải Thể thao công nhân viên chức lao động thành phố Lai Châu lần thứ III

Khai mạc Giải Cầu lông công nhân, viên chức, lao động huyện Nậm Nhùn năm 2025

Giải Cầu lông câu lạc bộ các tỉnh, thành, ngành toàn quốc năm 2025 - khu vực phía Bắc, tranh cúp Li-ning
Sôi nổi thi đấu các môn thể thao truyền thống trong Lễ hội Then Kin Pang năm 2025

Phát triển thể thao, rèn luyện sức khỏe








