

Trang sức bạc được người vùng cao chạm khắc, sử dụng từ lâu đời, khi chúng tôi hỏi đến, các già làng, trưởng bản cũng không còn nhớ rõ, chỉ biết từ thời các cụ bà, mẹ, con, cháu… các trang sức đã trở thành điểm nhấn trên trang phục. Cùng được chế tác từ chất liệu bạc nhưng mỗi dân tộc lại có trang sức đặc trưng riêng. Theo bà Đèo Thị Mới, tổ 8, phường Đoàn Kết (thành phố Lai Châu) thì chiếc áo cóm của các cô gái Thái nổi bật hàng cúc bướm bằng bạc. Khi họ uyển chuyển bước đi, bộ xà tích bằng bạc buông lơi bên hông làm mỗi bước đi càng thêm duyên dáng. Những cô gái còn thanh xuân thì sử dụng trâm cài bạc để cuộn mớ tóc dài ra sau gáy cho gọn gàng, người đàn bà có gia đình dùng trâm bạc “tằng cẩu” như lời nhắc nhở khéo với những người trai bản lúc xuống chợ phiên...
Không chỉ cô gái dân tộc Mông mà các chàng trai cũng ưa chuộng chiếc vòng cổ bằng bạc to bản. Gương mặt tròn phúc hậu, gò má ửng hồng của các cô gái Mông càng hợp hơn khi phối với đôi hoa tai tròn có họa tiết biểu tượng thiên nhiên: Cây, hoa, lá, mặt trăng, trời, đất… Còn với dân tộc Dao, số lượng những đồng bạc gắn chỉ đỏ tua rua sau lưng như là quy ước về số tuổi của người phụ nữ: Từ khi là con gái, thiếu nữ cho đến lúc trưởng thành. Nếu như trang phục của cô gái dân tộc SiLa kết các đồng bạc nhỏ phần trước thân áo màu chàm thì trang phục cô gái Hà Nhì lại kết hợp màu trắng của bạc với màu đỏ của vải, chỉ thêu để thêm phần bắt mắt.
Xưa kia, tục thách cưới bằng bạc trắng khiến những chàng trai nghèo không lấy được vợ. Hủ tục ấy nay đã được xóa bỏ và đám cưới tổ chức theo nếp sống mới nhưng ngày cưới vẫn là ngày cô dâu trở nên lộng lẫy hơn trong những bộ trang sức bằng bạc và trang phục được điểm bạc tỉ mẩn, cầu kỳ.
Đối với người vùng cao nói chung, bạc là kim loại quý, là vật thiết yếu, gần gũi trong đời sống sinh hoạt hằng ngày: Những chiếc mũ trẻ em được sử dụng bạc chế tác những quả chuông nhỏ. Bạc cũng được chế tác thành các đồng xu để thêu lên thân áo, ống tay, eo. Đồ trang sức thì có vòng cổ, vòng tay, khuyên tai, nhẫn, trâm cài đầu, xà tích đeo bên hông. Trang sức bạc còn là “vật bất ly thân”, giúp chống đỡ những cơn gió mùa đông bắc để mọi người không bị nhiễm lạnh cảm lạnh do thời tiết bất thường xứ núi.
Trang phục của cô gái dân tộc Hà Nhì sử dụng bạc và các dải vải, chỉ thêu màu khiến thân áo thêm bắt mắt.
Trong màu vải chàm và những đường chỉ thêu thổ cẩm sặc sỡ, màu bạc trắng khiến bộ trang phục thêm hoàn chỉnh, không thể thay thế bằng bất cứ loại kim loại nào khác. Ở vùng cao, có những bộ trang sức bạc được bà truyền cho mẹ, mẹ truyền cho con, con truyền cho cháu. Hình ảnh cô gái vùng cao được tôn lên bởi trang sức bạc là biểu tượng vẻ đẹp khỏe khoắn, mộc mạc, chinh phục ánh mắt nhìn của bất cứ du khách nào một lần đến Tây Bắc.
Nghề chạm bạc và những người thợ thủ công của các làng, bản giờ đây chẳng còn mấy ai song những trang sức vẫn ra đời theo đúng mẫu mã, hình thức từ xưa đến nay của các thế hệ bởi bàn tay các thợ chạm bạc “chuyên nghiệp” ở các quán vàng, bạc. Anh Nguyễn Văn Cường – chủ quán vàng bạc tại chợ phiên thị trấn Sìn Hồ, huyện Sìn Hồ cho biết: Nhớ lại ngày đầu mới đến làm ở chợ phiên, tôi đã giới thiệu cho bà con những mẫu vòng tay, hoa tai kiểu cách mới nhưng bà con chỉ thích tự mang bạc ra và chạm đúng theo kiểu của dân tộc mình. Hơn 15 năm làm nghề chạm bạc ở vùng cao, tôi hiểu thêm thị hiếu và cách sử dụng trang sức của mỗi dân tộc. Một nét đặc biệt nữa là trang sức bạc của bà con là bạc nguyên chất 100% chứ không phải loại bạc sáng bóng 95% thường dùng chế tác trang sức thời nay.
Các thiếu nữ dân tộc Dao xã Tả Phìn, huyện Sìn Hồ sử dụng nhiều vòng cổ bằng bạc trắng và hàng cúc bạc hình chữ nhật để nổi bật hơn khi đi đám cưới, lễ hội.
“Giữ gìn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, nhất là tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội truyền thống...” là một trong những nhiệm vụ Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 9/6/2014. Các dân tộc tỉnh tôi đã gìn giữ trang phục truyền thống với điểm nhấn là trang sức bạc từ bao đời, và phục sức này sẽ còn được tiếp nối đến mai sau…
Đêm Tân Uyên Trà và Thơ

Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)

15 hội viên tham gia trại sáng tác tại huyện Tân Uyên

Ngày hội “Hương sắc bản Mông” năm 2025

Phát triển du lịch xanh, bền vững

Nét độc đáo trong các lễ hội truyền thống ở Phong Thổ

Chảng Phàng điểm du lịch tiềm năng

Các đơn vị của Vùng 3 hưởng ứng Ngày sách và Văn hoá đọc Việt Nam năm 2025










