Thứ bảy, 14/12/2024, 20:18 [GMT+7]

Lưu giữ văn hóa truyền thống dân tộc Thái

Thứ hai, 21/10/2024 - 13:04'
Xã Chăn Nưa (huyện Sìn Hồ) là nơi sinh sống chủ yếu của dân tộc Thái với nhiều nét văn hóa đặc trưng thể hiện qua đời sống hằng ngày. Cấp uỷ, chính quyền xã đã quan tâm, vào cuộc triển khai nhiều giải pháp cùng các bản có dân tộc Thái sinh sống giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.

Chúng tôi đến bản Chiềng Chăn 3 đúng dịp đội văn nghệ đang tập luyện chuẩn bị cho sự kiện quan trọng của bản, xã. Các chị em diện trang phục váy, áo cóm truyền thống cẩn thận hướng dẫn nhau từng câu hát dân ca, điệu múa quạt, múa nón. Khi thành thạo thì khớp lại thành bài hoàn chỉnh, với giọng ca mượt mà, uyển chuyển trong từng động tác hòa trong tiếng đàn tính khiến chúng tôi không muốn dời chân.
Chị Lò Thị Sương ở bản Chiềng Chăn 3 chia sẻ: Dân tộc Thái có nhiều nét văn hóa được lưu truyền đến ngày nay, nhất là cây đàn tính tẩu, quả má lẹ, nghề may, đan lát, hộ dân nào cũng giữ gìn qua các thế hệ. Vui nhất là dịp lễ, tết, tiếng trống chiêng vang khắp bản, bà con cùng múa hát, chơi trò chơi dân gian, chúc nhau sức khỏe, làm ăn ngày càng tốt hơn. Tôi tham gia đội văn nghệ của bản đã nhiều năm, thường xuyên luyện tập và hướng dẫn cho thế hệ trẻ để văn hóa dân tộc luôn được gìn giữ, lan tỏa.
Dân tộc Thái ở Chăn Nưa đã hình thành văn hóa vật chất cổ truyền lâu đời, đó là “Ăn cơm nếp/uống rượu cần/mặc xửa cỏm/ở nhà sàn”. Trong đó, nhà sàn là văn hóa lâu đời được lưu giữ đến ngày nay. Trước đây, dân tộc Thái sống gắn với sông, suối, trồng lúa nước, nhà ở tạm bợ. Do thú rừng thường đến phá bản nên bà con nghĩ ra cách làm nhà sàn, đến tối ngủ thì rút cầu thang lên, đó là kiến trúc độc đáo dưới bàn tay của những “kiến trúc sư bản”. Và rồi, qua bao thế hệ vẫn luôn lưu giữ mô hình nhà sàn, tuy nhiên giờ đây một bộ phận người dân cách tân ngôi nhà (cột bằng xi-măng thay cho gỗ; mái lợp tôn thay cho mái ngói…) nhưng đảm bảo không làm mất đi nét văn hóa truyền thống.
Không chỉ nhà sàn, còn rất nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp được gìn giữ. Nhất là vào ngày 30 tết, có phong tục cúng lợn thắp hương tổ tiên. Vào sáng sớm, mỗi nhà bắt một con lợn để mổ; lấy phần đầu, phần xương sống, 4 chân và đuôi mang luộc chín, đến gần giao thừa thì thắp hương cùng với đó là một con gà trống cũng được luộc chín. Khi thắp hương, lợn để trước, gà để sau ở bên phải bàn thờ, cùng với 5 nén hương. Lúc thắp hương, con cháu trong nhà phải có mặt để cúng bái tổ tiên cũng như báo công những việc làm trong 1 năm. Không chỉ cúng bái gia tiên bên nội, từ ngày mùng 2 tết đến 15/1 (âm lịch), các gia đình dựng ngôi nhà nhỏ ở sân mời tổ tiên bên ngoại về ăn tết với con cháu. Trong những ngày tết, tại các nhà văn hoá, sân vận động xã luôn tập trung rất nhiều người dân tham gia trò chơi tó má lẹ, ném còn, đẩy gậy, đá cầu lông gà… Song song với đó là múa xòe, nhảy sạp, giao lưu văn nghệ.
Được biết, nhờ quyết tâm trao truyền văn hóa truyền thống, hiện 6/6 bản của xã đã thành lập và duy trì đội văn nghệ, đặc biệt là độ tuổi của các thành viên ngày càng được trẻ hóa. Bên cạnh đó, thế hệ người lớn tuổi trong bản còn động viên con cháu, hướng dẫn chơi nhạc cụ, thêu dệt trang phục truyền thống, đan quả còn, quả má lẹ hoặc chế tác bàn, ghế bằng tre nứa.

Đội văn nghệ bản Chiềng Chăn 3 (xã Chăn Nưa) luyện tập.

Văn hóa truyền thống còn thể hiện rõ qua ẩm thực, các món ăn như: cơm nếp, cơm lam, canh bon, pa pỉnh tộp, gà mọ, rêu đá, nộm rau sắn luôn đậm đà hương vị khi hòa quyện với gia vị từ thiên nhiên. Nhất là thịt trâu sấy, lợn gác bếp, lạp sườn là những món ăn không thể thiếu trong mâm cơm ngày tết hoặc tiếp đãi khách quý của gia chủ. Ở các bản của xã, không chỉ người già mà thanh niên cũng đã và đang chung sức quảng bá nét đặc trưng trong ẩm thực của dân tộc Thái xã Chăn Nưa trên các trang mạng xã hội; làm homestay nhằm phát triển du lịch cộng đồng. Các đơn vị nhà trường xây dựng không gian văn hóa các dân tộc; lồng ghép tuyên truyền, giáo dục qua các giờ học, sinh hoạt ngoại khóa để học sinh trân quý hơn giá trị văn hóa truyền thống.
Với nhiều cách làm, dân tộc Thái ở xã Chăn Nưa đã và đang thiết thực cụ thể hóa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cũng như thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 22/12/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về về xoá bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu giai đoạn 2024-2030. Minh chứng là đến thời điểm này, toàn xã có 6/6 bản, 658/739 hộ gia đình đạt danh hiệu văn hóa.
Anh Lò Văn Phong - Chủ tịch UBND xã Chăn Nưa khẳng định: Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân trong xã nói chung, dân tộc Thái nói riêng, văn hóa truyền thống vẫn được bảo tồn và phát huy. Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm phục dựng, duy trì, tổ chức nhiều hoạt động, lễ hội, phát huy vai trò của đội văn nghệ, quảng bá hình ảnh về nét đẹp văn hóa dân tộc Thái trên địa bàn.

Thái Hà

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Cần thực hiện nghiêm túc hơn
Dù hầu hết các đơn vị kinh doanh xăng, dầu đã chấp hành quy định về hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế; nhưng thực tế, trên địa bàn tỉnh còn số lượng...
Anh nông dân vùng biên giới làm giàu từ trông sâm Lai Châu
Thay vì trồng trọt, chăn nuôi theo cách truyền thống, nhiều năm nay, anh Tẩn Sài Sông dân tộc Dao ở bản Lả Nhì Thàng (xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ) mạnh dạn đổi mới tư duy làm kinh tế. Với việc...