"Ngọt hương" phở Giáy San Thàng
Mỗi lần đến chợ phiên San Thàng vào sáng thứ 5 và chủ nhật hàng tuần, đi qua các hàng bán bánh phở, chúng tôi đều thích thú với âm thanh tanh tách của chiếc kéo cắt phở cùng đôi tay thoăn thoắt của các cô, các chị. Những sợi bánh phở trắng óng ánh, nhỏ dài mềm mịn cứ hết rồi lại đầy cho đến khi xấp bánh tròn to ở mâm chỉ còn lại tấm vải hoa.
Trong trang phục dân tộc Giáy rực rỡ, chị Hà Thị Sen - người dân bản San Thàng phấn khởi: tôi cắt bánh phở bằng kéo được hơn 13 năm rồi. Lúc đầu thì thấy đau tay một chút, sau làm nhiều thành quen. Bánh phở cắt bằng kéo thì tạo được sợi phở dài, nhỏ vừa, nhìn đẹp mắt mà ăn cảm giác sẽ ngon hơn so với thái bằng máy. Mỗi dịp chợ phiên, tôi cắt 20kg bánh để bán cho người dân và du khách.
Dịp chợ phiên, người dân ở các nơi đổ về như trẩy hội. Hàng quán ngày một tấp nập, đông vui hơn. Xen lẫn giữa những hàng bánh bò, bánh giày, bánh bỏng là khu bán bánh phở, tiếng cắt bánh rộn ràng người mua, người bán. Những túi bánh phở to, nhỏ trắng ngần theo tay người bán về với chủ mới trong niềm vui hân hoan. Quan sát kỹ, cả khu chợ San Thàng có hơn 10 cô, chị, em ngồi bán.
“Thỉnh thoảng dịp chợ phiên chủ nhật, vợ chồng tôi lên đây đi chợ mua đồ ăn. Lần nào cũng mua phở cắt sợi này về cho gia đình thưởng thức. Sợi phở ở đây mềm, ngon, có vị ngậy hơn so với bánh phở khác. Chị Tẩn Vân - xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường tươi cười chia sẻ.
“Đi chợ phiên ăn phở dân” được coi là nét đẹp văn hoá truyền thống ở Lai Châu nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung. Vì lẽ đó, hầu như ai đến chợ phiên, từ người già đến người trẻ; các bà, các em nhỏ người dân tộc Mông, Dao đến những du khách xa gần đều tìm cho mình một quán ăn để thưởng thức vị phở ngon được làm từ chính người dân tộc Giáy ở bản San Thàng. Không gian bán phở luôn chật kín người.
Đối với đồng bào dân tộc Giáy bản San Thàng, bánh phở có từ bao giờ không ai biết. Trong tiềm thức của mỗi người dân, từ khi còn nhỏ, họ thấy các bà, các mẹ ngồi bên bếp để xay gạo, tráng bánh. Vì thế, bánh phở trở thành nghề truyền thống của dân tộc, được truyền từ đời này sang đời khác. Trong bản San Thàng hiện nay có hơn 10 hộ dân chuyên làm bánh phở để bán tại chợ đêm, chợ phiên và phục vụ quán ăn của gia đình.
Để có những bát phở thơm ngon, mang lại những hương vị đặc biệt cho Nhân dân và du khách, bà con người Giáy bản San Thàng đã không ngừng nỗ lực, cố gắng gìn giữ nghề thủ công truyền thống. Qua đó, tạo dựng thương hiệu “phở ngon” của dân tộc mình tại địa phương, góp phần bảo tồn bản sắc văn hoá và tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho gia đình.
Theo đó, gạo sau khi ngâm 2-3 tiếng đem xay nhỏ thành bột gạo nước. Lấy 1 lượng bột gạo sống pha nước sôi để tạo bột gạo chín; rồi hoà chung bột gạo chín đã nguội với bột gạo sống theo tỷ lệ nhất định nhằm tạo cho bánh phở được dai mềm, ngon hơn. Đây được coi là bí kíp làm bánh của người dân tộc Giáy nơi đây “nói không với chất bảo quản và chất hoá học”. Nước gạo sánh mịn được các mẹ, các chị cho vào khuôn tròn rồi mang hấp. Bánh chín để thật nguội ở khuôn rồi mới cho lên sào phơi. Làm như vậy, bánh phở vừa trắng, vừa mềm dẻo khô, khi xếp bánh lên nhau không sợ bị ướt, vỡ bánh.
Hiện nay, bên cạnh làm bánh phở bán ở các ngày chợ phiên, chợ đêm San Thàng, các hộ trong bản San Thàng còn tráng bánh bán buôn cho các quán phở trong tỉnh và gửi đi các tỉnh khác như: Hà Nội, Lào Cai, Nam Định… Qua đó, đưa thương hiệu phở của người dân tộc Giáy ở Lai Châu đến với Nhân dân miền xuôi. Nhờ vậy, cuộc sống của các gia đình trong bản ngày càng khá giả hơn.
Tin rằng, bà con dân tộc Giáy bản San Thàng sẽ tiếp tục niềm đam mê, yêu thích với nghề làm bánh phở truyền thống và truyền dạy lại cho thế hệ trẻ. Góp sức cùng cấp uỷ, chính quyền địa phương bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, tạo đà thúc đẩy du lịch phát triển mạnh mẽ hơn. Xây dựng bản trở thành bản văn hoá du lịch cộng đồng tiêu biểu của tỉnh.
Đinh Đông - Ngọc Duy
Bình luận