

Còn đó hình ảnh các mẹ, các chị thêu tấm áo, chiếc khăn của dân tộc mình. Ảnh:VIỆT HOÀNG
Vẫn còn vẹn nguyên màu thổ cẩm trên trang phục em gái Hà Nhì, chiếc váy xúng xính theo nhịp bước của cô gái Mông ngày xuống chợ. Vẫn còn đó hình ảnh những mẹ, những chị dạy con, cháu thêu tấm áo, chiếc khăn – chất chứa hồn dân tộc. Vẫn nghe đâu đây điệu kèn pí kẻo của dân tộc Pú Nả trong dịp lễ, tết. Vẫn tiếng khèn lá dịu dàng, trầm bổng vượt núi băng đèo, làm xuyến xao lòng chàng trai Mông múa khèn dưới góc chợ. Và những ngày hội: mừng cơm mới, Then Kin Pang, Kin Lẩu Khẩu Mẩu, lễ Cấp sắc… của các dân tộc: Dao, Thái, Giáy… cứ đến tháng, đến năm lại diễn ra trong tiếng sáo, tiếng trống rộn rã thúc giục người bản xa, bản gần đến chung vui.
Và cho dù tết năm này, năm kia, trên bàn thờ cúng tổ tiên đã có thêm bánh mứt kẹo đặc sản mua được từ dưới chợ, khắp các nhà vẫn vang lên tiếng giã bánh dày, lọc tro làm bánh chưng đen, rồi nhào bột làm bánh nếp, bánh mật, bánh khảo…
Ở thời buổi người ta nhắn tin những lời lẽ yêu thương cho nhau qua điện thoại, E- mail, thì nơi này, bên những dòng suối vẫn vọng vang tiếng hát đối đáp của đôi bạn tình, lời ca dịu dàng của cô gái vọng vào vách đá rồi tha thiết trở về trong tiếng hát trầm khàn của chàng trai, hát rằng:
“Em ơi… anh mơ được hạt thóc giống đẹp như em đi gieo trồng trên ruộng
Nếu anh có em, đến chỗ thấp anh sẽ dắt tay, lên núi cao anh sẽ bước chờ
Em ơi… anh muốn đưa em về đến cầu thang nhà anh”.
Đối với những đôi trẻ, lời hát là lời giao duyên, là ước hẹn ngàn đời của mây núi xứ này. Còn đối với dân tộc, lời hát là dư âm còn vang vọng mãi, bởi trong lời hát, có sự tích tụ văn hóa từ xưa xa của cha ông để lại. Bởi thế, đến những bản xa tít tắp như ở xã Ka Lăng, Thu Lũm (huyện Mường Tè), hay xã Tả Phìn, Nậm Ban (huyện Sìn Hồ), đêm đông, ông bà, cháu chắt ngồi quây quần bên bếp lửa hồng, những cụ ông, cụ bà móm mém vẫn kể cho con, cháu nghe truyện cổ tích của dân tộc mình. Từ chuyện về những vật dụng trong nhà: con dao, cái cuốc… đến chuyện các anh hùng của làng bản xưa kia chống tạo, phìa (quan gian ác). Những câu chuyện truyền miệng tuy không được ghi chép lại, song trong trí nhớ mỗi người thì câu chuyện sống mãi và trở thành vốn văn hóa chung của cả cộng đồng…
Đặc sắc văn hóa dân tộc đâu chỉ thể hiện trong những dịp lễ hội, câu ca, điệu khắp mà còn hiểu hiện ngay trong nét ứng xử của bà con trong bản, trong xã, giữa những người trong gia đình với nhau. Văn hóa thể hiện từ lời nói, cách sống đến sự chăm chỉ, cần cù lao động trên nương, ngoài rẫy. Văn hóa không chỉ nằm trong những việc làm cụ thể. Văn hóa còn tồn tại ở không gian phi vật thể. Ấy là không gian có những mái nhà sàn, rặng tre nằm bên dòng Nậm So (huyện Phong Thổ) huyền thoại. Ấy là không gian với những mái nhà trình tường và dòng Hoàng Hồ (huyện Sìn Hồ) thơ mộng. Là không gian ngai ngái mùi lúa chín, mùi ruộng đất, mùi khói bếp lan khắp đồng... là không gian miền rừng thơ mộng với những loài hoa, loài cây xứ núi bốn mùa cho hoa thơm quả ngọt.
Nền văn hóa bản địa ấy được truyền tụng đến ngàn sau. Và gắn với những cái tên thân thuộc, những con người bình dị vùng cao, yêu đất, yêu người, yêu nền văn hóa đa sắc và gắng hết sức mình để giữ gìn, lưu truyền những gì mình biết. Đó là ông Nông Văn Nhay – nghệ nhân đàn tính ở huyện Phong Thổ đêm ngày sưu tập thêm những bài đàn từ những người cao tuổi để làm phong phú, đa dạng tiếng đàn của dân tộc mình hơn. Là ông Tẩn Kim Phu (xã Tả Phìn, huyện Sìn Hồ) người ghi chép lại từng câu chuyện cổ tích của dân tộc Dao, chữ viết riêng của dân tộc (chữ Nôm Dao) để con cháu đừng quên cội nguồn, gốc gác dân tộc. Là ông Lò Văn Chiến (xã San Thàng – thị xã Lai Châu) với những cuốn sách dày dặn viết về các tục lệ, bài hát dân ca trong đám cưới, đám tang người Pú Nả (một nhánh của dân tộc Giáy)…
Đối với Lai Châu, nét đặc sắc văn hóa được cả cộng đồng: từ già, trẻ, gái, trai yêu mến và gìn giữ ngay trong mọi hoạt động thường ngày của mình. Hình ảnh những bàn tay đoàn kết chụm lại, cùng gìn giữ, bảo tồn văn hóa miền sơn cước tạo cho chúng ta niềm tin, rằng: dù kinh tế có phát triển đến đâu, văn hóa cũng luôn là nền tảng vững chắc, cùng phát triển song song để tỉnh ta luôn mãi là “chiếc nôi” văn hóa của 20 dân tộc anh em. Nơi có những dấu ấn văn hóa khác biệt với mọi vùng miền khác, rất riêng, rất Lai Châu...

Công bố Quyết định công nhận danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2025

UNESCO ghi danh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn-Kiếp Bạc vào danh mục Di sản thế giới

Phát huy giá trị khoa học và văn hóa của di sản bãi cọc Bạch Đằng
Trại sáng tác văn học nghệ thuật năm 2025

Báo Lai Châu - “Người kể chuyện” văn hoá trong thời kỳ mới

Nậm Hàng xây dựng đời sống văn hóa
Giữ gìn nét đẹp văn hoá từ những điều giản dị

Kỳ 3: Đoàn kết giữ gìn “hồn cốt” văn hóa, chắp cánh du lịch Lai Châu bay cao









