

Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Hải - Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố cho biết: Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 9 điểm du lịch trọng điểm và 2 làng nghề truyền thống gồm: nấu rượu ở bản Sùng Chô (xã Nậm Loỏng), làm bánh truyền thống của người Giáy ở bản San Thàng 1 (xã San Thàng) được UBND tỉnh công nhận vào năm 2014. Ngoài ra, còn có nghề làm đệm bông gạo của người Thái ở phường Đoàn Kết; thêu dệt thổ cẩm của người Mông, người Thái trên địa bàn thành phố; làm đồ vo đãi, ngâm gạo, chõ đồ xôi... Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có, từng bước đưa thành phố trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài tỉnh, thành phố xây dựng Đề án, trong đó đề ra 5 mục tiêu cụ thể để thực hiện, tập trung khôi phục, bảo tồn và phát huy các nghề thủ công truyền thống, ẩm thực truyền thống, đội văn nghệ mang bản sắc các dân tộc Mông, Thái, Giáy. Thực hiện Đề án, thành phố đang khôi phục nghề thêu dệt thổ cẩm của người Mông ở xã Nậm Loỏng, mở các lớp truyền dạy thêu thu hút người dân tham gia. Tiến hành cuộc khảo sát ở phường Đoàn Kết, kết quả có 39 hộ gia đình làm được đệm bông gạo của người Thái và có thể truyền dạy lại.
Cùng với đó, các ban, ngành, đoàn thể thành phố phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc; giữ gìn và phát huy nghề thủ công truyền thống trong chủ trương xây dựng 2 bản văn hóa: San Thàng 1 và Gia Khâu 1 thành điểm du lịch trọng điểm của thành phố. Tăng cường công tác thông tin quảng bá, xúc tiến du lịch; xây dựng chiến lược quảng bá du lịch thành phố trên các phương tiện thông tin đại chúng; giới thiệu các sản phẩm nghề thủ công truyền thống tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, có chính sách hỗ trợ các sản phẩm nghề truyền thống.
Bà Lương Thị Thoóng ở tổ 4, phường Đoàn Kết (thành phố Lai Châu) nhồi bông làm đệm - nghề truyền thống của dân tộc Thái.
Hiện nay, riêng nghề làm bánh bỏng, bánh khảo của người Giáy ở bản San Thàng 1, thành phố hỗ trợ 100 triệu đồng cho Nhân dân làm bao bì, nhãn mác sản phẩm; đầu tư xây dựng chợ San Thàng làm đầu mối giúp người dân tiêu thụ sản phẩm khi du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan tại mỗi buổi chợ phiên vào thứ 5 và chủ nhật hàng tuần. Đối với nghề thêu dệt thổ cẩm của người Mông, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nậm Loỏng thành lập Hợp tác xã dệt may thổ cẩm tại bản văn hóa Gia Khâu 1 vừa tạo việc làm cho hội viên lúc nông nhàn vừa khôi phục và phát triển nghề truyền thống của dân tộc; tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch đến tham quan danh lam thắng cảnh, trải nghiệm bản sắc văn hóa dân tộc thông qua các sản phẩm vải thổ cẩm, váy, áo,… Đối với nghề làm đệm bông gạo của người Thái, các ban, ngành, đoàn thể thành phố, phường Đoàn Kết khuyến khích các hộ dân tiếp tục làm đệm bông gạo vừa tăng thu nhập cho gia đình, góp phần gìn giữ nghề truyền thống của dân tộc.
Chúng tôi đến thăm gia đình bà Lương Thị Thoóng ở tổ 4, phường Đoàn Kết, một trong những hộ nổi tiếng với nghề làm đệm bông gạo của người Thái. Trong căn phòng rộng khoảng 10m2 sau nhà, người phụ nữ Thái dù đã 70 tuổi vẫn cặm cụi đánh bông làm đệm. Thao tác đôi tay thoăn thoắt, bà Thoóng nhanh chóng nhồi hết quả bông này đến quả bông khác. Theo lời bà, làm một chiếc đệm có diện tích từ 2,5m2 đến gần 4m2 mất từ 4-6 ngày. Tuy nhìn chiếc đệm đơn giản nhưng thành phẩm phải làm rất cầu kỳ và nhiều công đoạn.
Bà Thoóng tâm sự: “Từ tấm vải đệm mua ở chợ về, tôi cắt vải theo kích thước khách đặt, sau đó kẻ các đường dọc, ngang như chơi bàn cờ rồi khâu theo từng ô, để khoảng cách giữa hai mặt vải đệm để nhồi quả bông. Cuối cùng là công đoạn nhồi bông, trước khi nhồi phải đánh tơi bông tránh vón cục và xô lại khi nằm; từng quả bông trên đệm phải thật chắc, đều nhau, với độ dày từ 10-15cm tùy theo sở thích của khách hàng. Làm đệm vất vả lắm! Một chiếc đệm bán chỉ lãi 200-300 nghìn đồng. Một năm tôi bán cho khách hàng ở trong và ngoài tỉnh khoảng hơn 50 chiếc”.
Sao bà không nghỉ ngơi để tận hưởng thú vui của tuổi già?, đáp lời câu hỏi của chúng tôi, bà Thoóng bảo: “Làm cho vui thôi, tôi đã gắn bó với nghề làm đệm được 40 năm. Không làm cứ thấy buồn tay, vậy nên làm túc tắc thôi. Giờ tôi trăn trở một điều, sau này không thể làm đệm nữa sẽ không ai nối nghiệp vì các con đều lập nghiệp ở quá xa". Nghe vậy, chúng tôi thêm hiểu hơn về tâm huyết, tình yêu của bà dành cho nghề truyền thống dân tộc Thái.
Hy vọng, thời gian tới, thành phố Lai Châu sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả hơn góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc: từ nghề truyền thống đến ẩm thực, âm nhạc, trò chơi dân gian, trang phục,… Khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển dịch vụ du lịch, đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra trong Đề án.

Báo Lai Châu - “Người kể chuyện” văn hoá trong thời kỳ mới

Nậm Hàng xây dựng đời sống văn hóa
Giữ gìn nét đẹp văn hoá từ những điều giản dị

Kỳ 3: Đoàn kết giữ gìn “hồn cốt” văn hóa, chắp cánh du lịch Lai Châu bay cao

Du lịch nâng tầm, nông nghiệp nâng chất

Thúc đẩy tăng trưởng du lịch hai con số

Hội thi hái chè, sao chè tại xã Phúc Khoa

Biển Cửa Lò – Quyến rũ mùa du lịch







