

Sản phẩm thủ công có thể được cung cấp ra thị trường, tạo nguồn thu chính đáng hay phục vụ nhu cầu sinh hoạt của Nhân dân nhưng quan trọng hơn, những vật dụng được tạo ra bởi các nghệ nhân dân gian đã góp phần lưu truyền nét đẹp văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc. Bà Lò Thị Vương - Phó Ban Dân tộc tỉnh chia sẻ: “Lai Châu là địa bàn cư trú của 20 dân tộc, đồ gia dụng thủ công được sản xuất tại hầu khắp các thôn, bản không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, góp phần tô thắm sự phong phú và đa dạng các sắc màu dân tộc. Nhiều vật dụng thủ công có độ bền, tinh xảo được người tiêu dùng ưa chuộng và tìm được chỗ đứng trên thị trường như: hàng may mặc thổ cẩm của người Thái; đồ đan lát gia dụng của người Khơ Mú; ga đệm, một số nhạc cụ của người Lào, người Lự hay các loại bánh dân tộc của người Giáy. Bên cạnh đó, người Dao, Hà Nhì, Mông, Mảng, Cống, La Hủ, Si La… đều có những nông cụ sản xuất thủ công phù hợp địa bàn cư trú, tập quán canh tác.
Phụ nữ bản San Thàng 1 (xã San Thàng, Thành phố Lai Châu) làm bánh tráng truyền thống theo phương pháp thủ công.
Để hiểu rõ hơn, chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá của mình tại chợ phiên San Thàng - không chỉ là nét duyên của thành phố trẻ Lai Châu còn là nơi hội tụ nhiều sắc màu văn hóa các dân tộc. Đảo một vòng quanh chợ, chúng tôi thấy hầu hết các sản vật của bà con đều được bày bán tại đây: từ miến dong Bình Lư (xã Bình Lư, huyện Tam Đường), rượu ngô Sùng Phài (xã Sùng Phài, huyện Tam Đường), các loại bánh dân tộc Giáy được làm thủ công tại bản San Thàng 1 (xã San Thàng, thành phố Lai Châu). Qua tìm hiểu thực tế, đây là những sản phẩm được sản xuất tại các thôn bản đã được công nhận làng nghề, được thị trường nội tỉnh và các địa phương lân cận đón nhận. Ngoài ra, còn nhiều sản phẩm thủ công truyền thống được bà con mang tới để trao đổi và mua bán. Mỗi sản phẩm thủ công ấy không chỉ hội tụ sự tài hoa, khéo léo của nghệ nhân còn mang những huyền tích, sự tích đầy tính nhân văn và thấm đẫm sắc màu văn hóa miền Tây Bắc.
Mấy bạn đồng nghiệp của chúng tôi khá tò mò trước những vật dụng: ép khẩu (hộp cơm), giỏ đựng, mâm được đan bằng mây, tre. Hỏi ra mới biết đây là những sản phẩm thủ công được người Khơ Mú bản Bó Đun (xã Pắc Ta, huyện Tân Uyên) làm tranh thủ trong lúc nông nhàn. Những lóng đan kỹ thuật, đồ dùng đáp ứng yêu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng vì thế sản phẩm mây tre đan thủ công luôn được giá cao, tạo thu nhập cho bà con. Thực tế cho thấy, các đồ vật làm thủ công bằng tre rất đỗi gần gũi với đời sống của người dân tộc Khơ Mú. Trong ngôi nhà sàn của họ từ sàn tới vách ngăn rồi các vật dụng: giỏ, mâm, mũ, quạt, chiếu… đều được đan thủ công từ tre. Cảm phục sự tài hoa của những nghệ nhân dân gian, chúng tôi hẹn một dịp gần đây có dịp quay lại Bó Đun để tìm hiểu hỹ hơn về nghề đan lát thủ công. Được biết ở Lai Châu, nghề đan lát thủ công còn được lưu giữ trong cộng đồng người Thái, Lự và Lào sinh sống dọc theo các sông, suối lớn của huyện Than Uyên, Tân Uyên, Phong Thổ, Mường Tè, Nậm Nhùn, Tam Đường và Sìn Hồ như một nét đẹp truyền thống trong đời sống người dân bản xa.
Tìm hiểu về nghề rèn thủ công của người Mông, rời chợ phiên, chúng tôi tới bản Dền Sang (xã Dào San, huyện Phong Thổ) tìm gặp ông Hàng A Sử có tay nghề cao vùng Dào San. Có lẽ ông Sử là một trong những người hiếm hoi vẫn tôi thép bằng thân cây chuối rừng và khi rèn lưỡi cày, chỉ cần gõ và nghe tiếng kêu là biết lưỡi cày đã đủ lửa hay chưa. Nặng lòng với nghề là thế nên ông không khỏi bùi ngùi nhớ lại thời hoàng kim của nghề rèn khi có nhiều người dân các huyện Sìn Hồ, Tam Đường… chẳng quản đường xa lặn lội tới tận nơi để được chính tay ông Sử rèn cho cái liềm, lưỡi búa. Giờ thì lượng khách đã vãn, bễ lò nhà ông đôi khi lại đỏ lửa giúp ông Sử vơi nỗi nhớ nghề…
Người vùng cao là thế, không chỉ đồng bào Mông mà trong cộng đồng các dân tộc khác: Dao, Thái, Hà Nhì… đàn ông thường ai cũng biết nghề rèn; phụ nữ giỏi thêu thùa, may vá và trong mỗi bộ trang phục của họ cũng chất chứa bao triết lý về cuộc sống, thậm chí là cả những kỷ niệm và nhiều điều thú vị. Đặc biệt, với phụ nữ Mông, từ khi còn bé đã được mẹ dạy cho se lanh, dệt vải để may trang phụ cho mình, khi đến tuổi “cập kê” sẽ tự tay làm áo, váy cho gia đình người mình yêu. Lúc về nhà chồng thì làm áo váy cho mẹ đẻ, chị em ruột để báo đáp ơn nghĩa sinh thành, nghĩa tình chị em. Vì thế trong mỗi bộ trang phục phụ nữ Mông không chỉ thể hiện sự tinh tế, khéo léo của người phụ nữ mà chất chứa trong đó nhiều ý nghĩa nhân văn.
Cũng được mệnh danh là những người phụ nữ giỏi nghề thủ công nhất vùng Tây Bắc, với sự năng động, kịp thời nắm bắt thị hiếu của thị trường, chị em đồng bào dân tộc Thái một số thôn bản của các xã: Mường So (huyện Phong Thổ), Nà Cang (huyện Than Uyên) mở Hợp tác xã sản xuất vải khổ nhỏ bán ra thị trường, xuất khẩu ra nước ngoài theo đường tiểu ngạch. Trao đổi với chị Đèo Thị Hạnh - Chủ nhiệm Hợp tác xã sản xuất vải khổ nhỏ Trường Sinh (xã Mường So), chúng tôi được biết, trung bình mỗi năm, Hợp tác xã xuất khẩu hơn 10 nghìn tấm vải, chủ yếu qua đường tiểu ngạch, nhờ đó nâng cao giá trị của sản phẩm, tăng thu nhập cho hội viên. Phát huy nghề truyền thống, vẻ đẹp của phụ nữ Thái được ví như cánh ban ở nơi ven trời Tây Bắc thêm sắc hương.
Tuy nhiên, trước sự giao thương mạnh mẽ và tác động của mặt trái kinh tế thị trường, nghề truyền thống dần mất đi ưu thế cạnh tranh với những mặt hàng được sản xuất công nghiệp, bán đại trà trên thị trường. Để nghề thủ công truyền thống của mỗi dân tộc phát huy được ưu thế, các cấp, các ngành cần có những tác động tích cực “đánh thức” và định hướng hình thành các làng nghề, để nét đẹp văn hóa người dân vùng cao được lưu truyền, không trở thành nỗi buồn bản sắc.
Tin đọc nhiều

“Phá rào” hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh

Làm giàu từ nghề thêu, dệt truyền thống

Vẻ đẹp mê hoặc của những đồi chè

Gần 600 học viên được tập huấn, hướng dẫn triển khai ký kết xóa bỏ hủ tục

Hiện thực hóa khát vọng trở thành trung tâm du lịch của vùng Tây Bắc

Mạch nguồn nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc

Doanh thu từ du lịch đạt 54,5 tỷ đồng trong 5 ngày nghỉ lễ

Chương trình nghệ thuật chào mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam









