

Ngày tảo mộ là ngày các gia đình dân tộc Dao ở xã Phăng Sô Lin (huyện Sìn Hồ) tỏ lòng nhớ ơn tiên tổ.
Sắp đến ngày tảo mộ cũng là lúc mỗi gia đình dân tộc Dao ở các xã: Phăng Sô Lin, Tả Phìn (huyện Sìn Hồ) chuẩn bị đồ đi tảo mộ. Con, cháu đi làm, đi học ở xa đều được thông báo về tham gia đầy đủ. Phụ nữ trong mỗi gia đình được cắt cử đi chợ phiên mua giấy màu ngũ sắc: trắng, tím, hồng, vàng, xanh… làm cờ phướn (loại cờ riêng để cắm trên mộ dịp thanh minh của dân tộc Dao). Tiền âm cũng được những người phụ nữ tự cắt từ giấy bản màu trắng. Chị Phùng Thị Phấy (ở bản Hoàng Hồ, xã Phăng Sô Lin) xúc động: “Mỗi dịp tháng 3 mình lại cùng các chị em trong nhà làm cờ phướn và tiền âm phủ đi thăm mộ bố mẹ, ông bà nội, ngoại. Đặc điểm riêng của dân tộc mình là tất cả các loại vàng mã trong ngày tết thanh minh nhà nào nhà nấy tự làm chứ không mua để tỏ lòng hiếu kính của con cháu khi nhớ về những người đã khuất”.
Lễ vật dâng cúng trong ngày tảo mộ của dân tộc Dao gồm: Phần cúng ở nhà trên bàn thờ gia tiên (thường cúng lợn hoặc gà và xôi, cơm) và phần cúng tại mộ. Đồ cúng tùy thuộc vào hoàn cảnh của con, cháu và chủ yếu làm bằng tấm lòng dâng lên tiên tổ. Quan trọng nhất là tất cả mọi con, cháu đều có mặt đầy đủ và thường đi cùng nhau, tạo không khí mật thiết, đoàn kết, thân ái giữa anh em, gia đình, họ hàng.
Chúng tôi có dịp cùng với gia đình anh Chẻo A Mìn (xã Phăng Sô Lin) đi thanh minh. Con đường đá đi qua bản dẫn chúng tôi đi qua những ngôi nhà trình tường đã hàng chục năm và có cây, rêu mốc. Trong khung cảnh ấy, từng tốp người cũng đang đi thăm mộ. Mộ của dân tộc Dao thường nằm trên những quả đồi cao. Cũng như những dân tộc khác, con cháu thường dọn sạch, phát quang lau lách, cỏ dại và sắp xếp lễ vật. Sau đó những người đàn ông đi chặt các cành cây nhỏ để phụ nữ gắn cờ phướn lên. Tùy theo số lượng con, cháu tham gia tảo mộ mà làm đủ số lượng cờ phướn để mỗi người con, cháu đều được tự tay cắm cờ lên mộ. Khi thắp hương, người con cả của dòng họ sẽ nhắc về công ơn của người đã khuất để con, cháu hiểu và luôn nhớ về tiên tổ. Mỗi con, cháu thắp hương tưởng nhớ và thầm hứa sẽ cố gắng làm việc, phát triển trên mọi lĩnh vực, gìn giữ văn hóa dân tộc, nuôi dạy con cái ăn học thành người. Anh Mìn không quên nhắc các con, cháu khi thắp hương phải canh giữ cẩn thận vì đây là mùa khô, nếu để cháy sẽ lan nhanh ảnh hưởng đến các khu rừng xung quanh.
Trong các ngày tết của dân tộc Dao thì thanh minh được xem là ngày tết lớn, là ngày anh em, họ hàng có dịp quây quần và họp mặt. Cũng vì thế mà bữa cơm tết thanh minh (thường được tổ chức tại nhà người con cả) được chuẩn bị chu đáo với đầy đủ các món ăn đặc trưng của dân tộc Dao như: canh gà nấu gừng, đậu phụ nhồi thịt băm, bánh dày, canh óc đậu…
Trong dịp này, đi qua các bản làng dân tộc Dao, trên những mỏm núi, sườn đồi đã thấy phất phơ trước gió những lá phướn ngũ sắc tung bay. Trong những tốp người đi tảo mộ, có cả cụ già đã còng lưng phải chống gậy cùng với trẻ em nhỏ tuổi chạy tung tăng cho thấy đây là phong tục đẹp, là sự kế tiếp thuần phong mỹ tục và sẽ được gìn giữ mãi đến muôn đời sau.
Tin đọc nhiều

Lễ hội Trà huyện Tân Uyên lần thứ II năm 2025 sẽ diễn ra trong 2 ngày (24 - 25/5)

Bảo tồn văn hóa qua các tác phẩm nghệ thuật

Chống mê tín dị đoan: Đừng đợi đến lúc không còn cơ hội

Kỳ 2: “Ánh sáng” từ một nghị quyết
Sâu lắng vở kịch “Con đò của mẹ”

“Phá rào” hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh

Làm giàu từ nghề thêu, dệt truyền thống

Vẻ đẹp mê hoặc của những đồi chè









