

Người dân thành phố Lai Châu tự hào với thành phố trẻ xanh - sạch - đẹp mà “điểm nhấn” là kiến trúc khu hợp khối hiện đại, 2 hồ Thượng - Hạ lưu và Quảng trường Nhân dân rộng rãi với những thảm cỏ xanh mát. Khu Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Lai Châu gồm 2 khối phù điêu được tạc trên các phiến đá khối, toạ lạc trên quả đồi cạnh Trung tâm Hội nghị - Văn hóa tỉnh càng khiến không gian, cảnh vật thêm hoàng tráng. Đây cũng là khu vực thu hút đông đảo du khách thăm quan, người dân trong và ngoài tỉnh đến vui chơi, thăm thú vì cảnh quan tươi đẹp, thoáng đãng nơi đây.
Tại Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Lai Châu diễn ra cảnh trẻ em, người lớn leo trèo lên để chụp ảnh.
Dịp lễ, tết cũng như những ngày cuối tuần, trong tuần, chúng tôi thường đi dạo ở khu Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Lai Châu để thưởng ngoạn không khí, ngắm cảnh quê hương. Trong sắc xanh của màu trời biên giới với những cụm mây bông, Tượng đài hiện lên sừng sững với hình ảnh Bác Hồ cùng đại diện lực lượng vũ trang và đồng bào các dân tộc: Dao, Mông, Thái, Hà Nhì cùng các cháu thiếu nhi. Tượng đài được khắc hoạ sống động đã thể hiện được tình cảm yêu thương của Bác đối với bà con miền địa đầu Tổ quốc. Đến thăm nơi đây, bất cứ ai cũng tranh thủ ghi lại những hình ảnh để lưu niệm hoặc quảng bá với bạn bè gần xa về mảnh đất Lai Châu.
Tuy nhiên, cũng trong những lần đến thăm Tượng đài, không ít lần chúng tôi bắt gặp hình ảnh “xấu xí” khi cả người lớn, trẻ em đều “leo” lên Tượng đài để tìm góc độ đẹp chụp ảnh. Nếu như với trẻ em là do nghịch ngợm, thích leo trèo thì người lớn lại là vấn đề ý thức. Một số phụ huynh thấy con mình hành động như vậy, không những không nhắc nhở con mà còn hùa theo, không nghĩ đến việc gìn giữ cảnh quan. Cảnh tượng này tái diễn hàng tuần, số lượng người leo trèo lên Tượng đài chụp ảnh tăng thêm khi Quảng trường Nhân dân tỉnh diễn ra các hoạt động ngày Tết Trung thu, các chương trình văn nghệ… Không chỉ gây ra hình ảnh mất mỹ quan mà còn khiến công trình xuống cấp. Thế nhưng những hình ảnh này vẫn diễn ra mà không có sự kiểm soát của cơ quan quản lý, bảo vệ.
Được biết, Tượng đài Bác Hồ được làm từ chất liệu đá xanh Thanh Hóa. được khắc tạc kỳ công với tổng kinh phí đầu tư 41,5 tỷ đồng. Tượng đài có ý nghĩa lớn về tư tưởng, chính trị và là niềm tự hào của các thế hệ Lai Châu. Là cảnh quan nhắc nhớ lại sự kiện năm 1959, nhiều cán bộ lão thành cách mạng, dân tộc thiểu số tỉnh đã vinh dự gặp Bác Hồ tại khu tự trị Thái Mèo (tỉnh Sơn La). Đến thăm Tượng đài, trong tâm hồn mỗi người con Lai Châu thầm hứa sẽ thực hiện những lời căn dặn trong thư của Người gửi cho đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu năm 1953: Đoàn kết, thân ái, giúp đỡ lẫn nhau, ra sức tăng gia sản xuất để mọi người được ấm no… Ấy thế mà vì ý thức của một bộ phận người dân đã tạo nên hình ảnh khiếm nhã như những gì chúng tôi chứng kiến.
Thiết nghĩ với một nơi cần sự trang nghiêm, thành kính thì công tác bảo vệ cần được chú trọng, đặt lên hàng đầu. Và hơn cả là ý thức từ sâu trong tâm khảm mỗi người dân cảm thấy đây là nơi linh thiêng, trang trọng và phải nhắc nhở nhau hãy có cách hành xử đúng mực khi đến thăm quan, chụp ảnh.
Tin đọc nhiều

Hướng tới sự hài lòng của người dân

Đoàn kiểm tra số 2 - Ban Chỉ đạo triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát tỉnh làm việc với các huyện: Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về dược, an toàn thực phẩm

Điển hình tiên tiến trong công tác xây dựng đô thị văn minh

Tri ân người có công
Hội nghị đánh giá triển khai hồ sơ bệnh án điện tử

Doanh thu từ du lịch đạt 54,5 tỷ đồng trong 5 ngày nghỉ lễ

Công an xã Sùng Phài tặng quà cho bà cụ hơn 100 tuổi










