

Giờ học hoạt động góc của lớp mẫu giáo nhỡ A1 - Trường Mầm non Đoàn Kết (thành phố Lai Châu).
Bám sát chủ trương Nghị quyết của HĐND, UBND thành phố ban hành Đề án xây dựng trường chất lượng cao trên địa bàn trong năm học 2014 - 2015 và đến năm 2020. Ngay sau đó, công tác quán triệt, tuyên truyền, chỉ đạo được UBND thành phố triển khai thực hiện. Bởi lần đầu tiên đưa các lớp chất lượng cao vào giảng dạy nên không tránh khỏi lúng túng khi chưa có hướng dẫn, quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình đăng ký, kiểm tra công nhận trường chất lượng cao. Cũng chưa đủ cơ sở, điều kiện và thẩm quyền để ban hành thực hiện chính sách, chế độ đãi ngộ riêng đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường thí điểm đề án. Trong khi đó, quy mô lớp, học sinh các cấp học tăng nhanh; do đó, việc thực hiện đề án thí điểm theo khối lớp (không đủ điều kiện thí điểm toàn phần 1 trường) nên quá trình triển khai luôn chủ động dự báo và đặt ra những vấn đề cần giải quyết như: phương thức khảo sát đối tượng học sinh, quy mô biên chế lớp, học sinh và đảm bảo công bằng cho tất cả học sinh…
Trên cơ sở bám sát mục tiêu của Nghị quyết, UBND thành phố ban hành quyết định về thực hiện đề án, xác định mục tiêu chung, cụ thể và lộ trình rõ ràng. Theo đó, Đề án trường chất lượng cao được xây dựng tại 3 đơn vị trường: Mầm non Đoàn Kết (3 lớp mẫu giáo bé, 75 trẻ), THCS Đoàn Kết (3 lớp 6, 90 học sinh) và Tiểu học số 2 (3 lớp 1, 90 học sinh). Giai đoạn 2015 - 2020, từng bước triển khai nhân rộng quy mô toàn trường (mỗi năm mở rộng 3 lớp/trường). Thực hiện công tác quản lý trực tiếp, hàng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố chỉ đạo các đơn vị trường xây dựng nội dung, kế hoạch giảng dạy, lựa chọn, phân công giáo viên có năng lực phù hợp vừa đảm bảo nhiệm vụ đối với các lớp chất lượng cao, vừa đảm bảo mục tiêu nhiệm vụ ở các lớp đại trà.
Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án trường chất lượng cao, quy mô số lớp học và học sinh các lớp chất lượng cao liên tục tăng: năm học 2014 - 2015 mới dừng lại ở 8 lớp với 217 học sinh, đến năm học 2018 - 2019 đã tăng lên 37 lớp với 1.337 học sinh. Con số này không những đạt mà còn vượt mục tiêu đề án đề ra. Đến nay, 4/4 mục tiêu chung đã đạt theo nghị quyết. Trong đó, tập trung được nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục như nguồn kinh phí, cơ sở vật chất và sự hỗ trợ, tham gia tổ chức các hoạt động giáo dục của cha mẹ học sinh. Việc xây dựng các lớp học chất lượng cao thu hút sự quan tâm đặc biệt từ các lực lượng xã hội. Chất lượng giáo dục ở các trường này đều vượt trội so với các trường học trên địa bàn thành phố, tỉnh. Minh chứng cho điều đó là hàng năm, số lượng học sinh thi đỗ vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn với tỷ lệ cao. Và hơn hết, tạo dựng được môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, năng động và sáng tạo. 3 đơn vị trường thực hiện thí điểm đề án luôn dẫn đầu về chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn, học sinh được phát triển toàn diện cả về nhận thức, kỹ năng và năng khiếu, đáp ứng cơ bản nhu cầu của cha mẹ học sinh và nhu cầu học tập của con em trên địa bàn thành phố, tạo dựng được thương hiệu giáo dục tại các nhà trường.
Đối với Trường THCS Đoàn Kết, thực hiện Đề án xây dựng trường chất lượng cao, Ban Giám hiệu trường tổ chức biên soạn nội dung, kế hoạch giảng dạy nâng cao đối với 8 môn cơ bản, chương trình dạy học chuyên sâu kết hợp với bồi dưỡng học sinh giỏi đối với 5 môn: ngữ văn, toán, vật lý, hóa học, tiếng Anh. Giáo dục kỹ năng sống, phát triển năng khiếu thông qua các câu lạc bộ (bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, cờ vua, mỹ thuật, âm nhạc), các môn còn lại bám sát yêu cầu phân phối chương trình, sách nâng cao và chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi. Nhà trường phối hợp với Trung tâm Anh ngữ trên địa bàn tổ chức dạy học tiếng Anh với người nước ngoài. Phối hợp với cha mẹ học sinh tổ chức hoạt động tham quan dã ngoại, dạy học trải nghiệm, sáng tạo, giúp các em bước đầu làm quen và hình thành một số kỹ năng cơ bản. Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Bùi Thị Kim Ngân - Hiệu phó Trường THCS Đoàn Kết cho biết: Nhà trường ưu tiên bố trí đội ngũ thầy cô có chuyên môn tốt (đạt giáo viên giỏi cấp thành phố trở lên) tham gia giảng dạy. Nhờ học sinh có chất lượng đồng đều nên giáo viên dễ dàng hơn trong quá trình truyền thụ kiến thức cũng như linh hoạt, sáng tạo hơn trong giảng dạy.
Thành công của việc xây dựng trường chất lượng cao tại 3 đơn vị trường học trên địa bàn thành phố khẳng định sự năng động, sáng tạo của các cấp quản lý cũng như thể hiện sự tích cực, sáng tạo trong đổi mới phương pháp giảng dạy, quản lý chặt chẽ chất lượng dạy và học. Đó cũng là hướng đi đúng trong thời kỳ hội nhập để ngành GD và ĐT thành phố Lai Châu xứng đáng dẫn đầu toàn tỉnh về chất lượng giáo dục.

Hướng dẫn điều kiện nhập quốc tịch, trở lại quốc tịch Việt Nam
Hội nghị Ban Chấp hành Đoàn xã Bum Tở lần thứ nhất

Họp báo cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí quý II

Năng lực tự chủ - Hướng đi căn bản trong đổi mới giáo dục hiện đại

60 bệnh nhân được phẫu thuật đục thủy tinh thể miễn phí

Chia sẻ, lan tỏa yêu thương

Kiểm tra tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát
Giải ngân gần 1 tỷ đồng cho người dân xã Mường Than








