

Các đồng chí: Trần Tiến Dũng - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Tống Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Giàng A Tính - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì tọa đàm. Đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; các huyện, thành phố và một số doanh nghiệp trên địa bàn dự.
Năm 2019, Bộ tiêu chí xác định chỉ số cải cách hành chính (CCHC) PAR INDEX cấp tỉnh được cấu trúc thành 8 lĩnh vực đánh giá, 43 tiêu chí, 95 tiêu chí thành phần. Chỉ số CCHC năm 2019, tỉnh Lai Châu đạt 79,51 điểm, xếp hạng 51/63 tỉnh, thành phố (tăng 7 hạng so với năm 2018). 4/8 chỉ số thành phần tăng điểm, tăng hạng gồm: công tác chỉ đạo điều hành về CCHC; xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật tại tỉnh; cải cách tài chính công; hiện đại hóa hành chính. Mức tăng hạng cao nhất là chỉ số thành phần cải cách tài chính công (do Sở Tài chính chủ trì theo dõi) tăng 28 hạng. Chỉ số thành phần xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật tại tỉnh (do Sở Tư pháp chủ trì theo dõi) tăng 26 hạng - so với năm 2018.
Quang cảnh buổi tọa đàm.
Nhóm các chỉ số thành phần giảm về thứ tự xếp hạng gồm: chỉ số thành phần cải cách bộ máy hành chính (do Sở Nội vụ chủ trì theo dõi) giảm 11 hạng; chỉ số thành phần xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (do Sở Nội vụ chủ trì theo dõi) giảm 2 hạng; chỉ số thành phần cải cách thủ tục hành chính (do Văn phòng UBND tỉnh chủ trì theo dõi) giảm 10 hạng - so với năm 2018.
Chỉ số PCI tỉnh Lai Châu năm 2019 đạt 59,95 điểm, xếp hạng 63/63 tỉnh, tăng 1,62 điểm và giảm 1 hạng so với năm 2018. Có 4/10 chỉ số thành phần năm 2019 có thứ tự xếp hạng khá tốt so với cả nước gồm: gia nhập thị trường (xếp hạng 18/63); cạnh tranh bình đẳng (xếp hạng 16/63); tính năng động (xếp hạng 16/63); thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (xếp hạng 19/63). Có 6/10 chỉ số thành phần có thứ tự xếp hạng trung bình và thấp so với cả nước gồm: chỉ số tiếp cận đất đai; chỉ số tính minh bạch; chỉ số chi phí thời gian; chỉ số chi phí không chính thức; chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; chỉ số đào tạo lao động.
Trung tâm Phục vụ hành chính công đi vào hoạt động đã thực hiện mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), tất cả quá trình giải quyết TTHC được thực hiện trên môi trường điện tử. Thông qua hoạt động tiếp nhận và giải quyết TTHC tại Trung tâm đã góp phần khắc phục được tình trạng chậm trễ, giảm được phiền hà, tiêu cực trong quá trình giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp. Tỷ lệ trả trước và đúng hạn số lượng hồ sơ TTHC được thực hiện tại Trung tâm chiếm tỷ lệ cao (đạt 99,3%), số hồ sơ quá hạn chiếm tỷ lệ rất thấp (chiếm 0,7%). Tỷ lệ hài lòng của các tổ chức, cá nhân khi đến thực hiện yêu cầu TTHC tại Trung tâm chiếm tỷ lệ cao, trong đó rất hài lòng chiếm tỷ lệ 96,3%. Việc tiếp nhận hồ sơ đến quá trình giải quyết, thu phí, lệ phí và trả kết quả giải quyết TTHC cho tổ chức và cá nhân minh bạch. Tuy nhiên trong quá trình giải quyết TTHC, một số cơ quan, đơn vị, việc yêu cầu cá nhân, tổ chức bổ sung thông tin, tài liệu khi gần đến hạn trả kết quả không đảm bảo theo quy định, chưa thực hiện đồng thời việc giải quyết TTHC theo quy trình nội bộ và quy trình điện tử dẫn đến việc có nhiều hồ sơ thực tế đã trả kết quả cho tổ chức, cá nhân nhưng trên quy trình điện tử vẫn chưa kết thúc quá trình giải quyết.
Tại buổi tọa đàm, đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề trọng tâm: Giải pháp khắc phục hạn chế giải quyết hồ sơ TTHC lĩnh vực tài nguyên - môi trường, cải thiện, nâng cao tiêu chí về tiếp cận đất đai; giải pháp trong việc phối hợp, nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC của các cơ quan và hướng dẫn công dân thực hiện giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công; đề xuất chính sách thuế để doanh nghiệp phục hồi sau dịch Covid-19; rút ngắn thời gian giải quyết các TTHC cho doanh nghiệp…
Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, đồng chí Trần Tiến Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, tồn tại để tìm ra giải pháp khắc phục. Để nâng cao các chỉ số PAR INDEX, PCI tỉnh cần phải xác định đích đến để hoạch định mục tiêu phấn đấu. Đồng thời, đồng chí đề nghị Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu hoàn thiện báo cáo, văn bản chi tiết giao việc cho đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp, UBND các huyện có thời gian cụ thể; hàng tháng phải tiến hành kiểm đếm, định kỳ đôn đốc thực hiện. Lãnh đạo UBND các huyện, sở, ngành cần sớm mời doanh nghiệp để lắng nghe những khó khăn, kiến nghị trong đầu tháng 6. Hiệp hội các doanh nghiệp cần mở rộng thành viên, mạnh mẽ hơn để bao trùm các doanh nghiệp, phát huy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo để xây dựng, thành lập, phát triển được nhiều doanh nghiệp hơn nữa.

Lai Châu công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai trên quốc lộ 4D

Thăm hỏi, động viên 2 hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở đất

Thầm lặng nghề hái chè

Thắp sáng đường quê - Phong trào nhỏ, ý nghĩa lớn

Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh: Phòng chống tác hại thuốc lá

Giúp học sinh vùng cao tiếp cận môi trường học tập an toàn

Tập huấn việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp

Tăng cường truyền thông bình đẳng giới – Lan tỏa thông điệp nhân văn trên địa bàn tỉnh







