

Muôn vàn khó
So với mặt bằng chung của các xã trên địa bàn huyện thì xã Hố Mít, Tà Mít hiện vẫn đang là 2 địa bàn khó khăn nhất trong việc huy động người dân tham gia thẻ BHYT sau khi bị cắt chế độ do Quyết định số 861/QĐ-TTg về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 có hiệu lực từ tháng 6/2021 (QĐ 861).
Khó khăn này được anh Phạm Văn Nghĩa - Chủ tịch UBND xã Hố Mít phân tích: Từ chỗ được hỗ trợ 100% mua thẻ BHYT đến chỗ bị cắt đứt hoàn toàn, bà con thực sự chưa quen với việc tự túc kinh phí khi bỏ ra hàng triệu đồng để mua thẻ cho các thành viên trong gia đình.
Đối với xã Hố Mít, dù đã được công nhận hoàn thành nông thôn mới với mức thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 37 triệu đồng/năm, song đời sống bà con vẫn còn nhiều gian nan, nhất là ở những bản xa xôi. Khi chế độ BHYT bị cắt đột ngột, lượng tiền mặt đóng cao trong khi tiền nhàn rỗi trong dân rất hiếm hoi. Do đó, chỉ có những người thường xuyên ốm đau, có bệnh tiền sử hoặc sức khỏe không tốt thì mới có nhu cầu mua thẻ BHYT để phòng thân.
Bà con Nhân dân xã Hố Mít nghe tuyên truyền về chính sách bảo hiểm y tế.
Theo thống kê từ UBND xã Hố Mít, trong 6 tháng đầu năm, số thẻ BHYT do người dân tự đóng chỉ đạt đến con số 39, tương đương với 1,05%. Tính tổng các thẻ BHYT của các đối tượng như: dân tộc thiểu số, hộ nghèo, trẻ em… xã mới chỉ đạt 43% kế hoạch giao.
Về chính quyền các xã, việc thực hiện tuyên truyền riêng về chính sách bảo hiểm cũng không dễ dàng gì bởi còn rất nhiều nội dung phải thực hiện. Việc tuyên truyền về chính sách bảo hiểm nói chung, BHYT nói riêng phải thực hiện lồng ghép với các nội dung khác chứ không thể ưu tiên vì xét cho cùng thì đây cũng chỉ là hình thức tham gia tự nguyện. Người dân có nhu cầu thì tham gia, không có điều kiện thì không ai có thể bắt buộc. Song mục đích tốt đẹp đó là đảm bảo an sinh xã hội và tạo ra nhiều cơ hội giảm kinh phí khi ốm đau bệnh tật.
Nếu nói sự thay đổi chính sách nhanh hơn sự thay đổi trong nhận thức của người dân cũng rất có lý. Đối với đối tượng cận nghèo, nhà nước hỗ trợ 70% kinh phí đóng BHYT, người dân chỉ cần bỏ ra 30% để tham gia. Như vậy, tính đầu người chỉ mất 20.000 đồng/tháng, 1 năm chỉ với 240.000 đồng/người, người dân vẫn không mặn mà tham gia.
Giải pháp nào là khả quan?
Trên hành trình đầy gian nan mở rộng đối tượng tham gia BHYT, có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chủ quản là BHXH huyện với các tổ chức đoàn thể như: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện; UBND, trạm y tế các xã, thị trấn và các cơ quan, đoàn thể thông qua việc ký kết quy chế phối hợp thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT trên địa bàn huyện.
Theo đó đã phối hợp tuyên truyền các chính sách về bảo hiểm; tổ chức lễ ra quân tuyên truyền trực tiếp và gián tiếp. Mở hội nghị tuyên truyền Luật BHXH, BHYT và tuyên truyền mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm tại các xã và thị trấn. Phối hợp với bưu điện rà soát, tuyên truyền, phát triển đối tượng đảm bảo đạt kế hoạch giao của quý và cả năm. Tập trung khai thác, phát triển người tham gia tiềm năng như thân nhân của giáo viên, cán bộ xã, nhân viên y tế…
Với mọi giải pháp đã được huy động, 6 tháng đầu năm số người tham gia BHYT trên địa bàn huyện đã có 28.410/29.051 người, chiếm 97% số tạm giao/năm. Số liệu này đạt được là cao so với kế hoạch năm song từ nay đến cuối năm còn có sự điều chỉnh.
Cán bộ Bảo hiểm Xã hội huyện tuyên truyền đến hộ kinh doanh tại chợ.
Tỷ lệ đạt thấp được cơ quan BHXH huyện phân tích: Do những tháng đầu năm dịch bùng phát mạnh, các đối tượng BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tiềm năng, người đang tham gia không có thu nhập nên ảnh hưởng đến việc phát triển mới. Công tác tổ chức hội nghị khách hàng tuyên truyền, vận động người dân đạt hiệu quả thấp, tỷ lệ người dân đăng ký tham gia hội nghị không cao, hoặc đăng ký tham gia theo hiệu ứng số đông, phong trào... nên việc duy trì mua thẻ BHYT khó bền vững. Cũng trong thời điểm đầu năm do rét đậm, rét hại, sản xuất kinh doanh không hiệu quả, cây trồng, vật nuôi sản xuất ra không lưu thông được người dân chủ yếu dựa vào tự cung tự cấp, không có thu nhập.
Mặc dù cho đến nay, huyện Tân Uyên vẫn chưa được công nhận hoàn thành nông thôn mới, song cách đây tròn 1 năm, các xã trên địa bàn bị tác động bởi Quyết định số 861/QĐ-TTg đã bị giảm đi trên 32.000 thẻ BHYT. Trả lời phỏng vấn Báo Lai Châu, ông Nguyễn Thanh Văn - Chủ tịch UBND huyện thừa nhận: Huyện không còn xã khu vực III, số bản đặc biệt khó khăn giảm, đồng nghĩa với việc nhiều chế độ chính sách của Nhà nước đầu tư vào vùng đặc biệt khó khăn như: các chương trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, ưu đãi tín dụng, chính sách hỗ trợ học sinh các trường phổ thông dân tộc bán trú, BHYT, chính sách thu hút cán bộ, công chức, viên chức công tác tại địa bàn đặc biệt khó khăn... bị cắt giảm. Trong khi đó, huyện vẫn còn nhiều xã, bản cách xa trung tâm huyện, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, một số bản chưa được đầu tư đường giao thông, công trình thủy lợi…
Bảo hiểm Xã hội huyện ra quân truyền thông vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế.
Đại diện lãnh đạo BHXH huyện Tân Uyên thì cho rằng những đối tượng tiềm năng đã được khai thác và tuyên truyền gần hết, do đó, bước đường tiếp theo là dừng lại hay đi tiếp giống như câu hỏi còn bỏ ngỏ. Còn với Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên - ông Nguyễn Thanh Văn vẫn kiên trì, bền bỉ: Về lâu dài cần trọng tâm vào phát triển kinh tế - xã hội của huyện, để cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao họ mới có khả năng tham gia BHYT.
Muốn vậy, huyện phải xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu cụ thể cho các xã, thị trấn tiếp tục tập trung tuyên truyền; phân công cán bộ bám sát từng thôn, bản, rà soát đối tượng với phương châm “đến tận ngõ, gõ tận nhà”. Mặt khác, huyện tập trung phát triển BHYT hộ gia đình và duy trì bền vững các nhóm đối tượng đang có thẻ. Đồng thời, tham mưu cho tỉnh và các ban, ngành liên quan xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các trường bán trú trên địa bàn. Xa hơn, việc xã hội hóa cũng cần được bàn tới để Nhân dân, phụ huynh cùng chung tay thực hiện chế độ tham gia BHYT cho con em mình.
Tin đọc nhiều

Chung sức thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua

Chung sức đồng lòng xây dựng nếp sống văn minh

Dấu ấn của sức trẻ

Sơn Bình: 1 người tử vong và 1 người hôn mê sâu do ăn nấm độc
Thỏa giấc mơ an cư

Lễ phát động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ tư năm 2025

Hiện thực hóa ước mơ an cư cho người nghèo

Công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai








