

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quang Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Địa hình chia cắt, nhiều khe suối, giao thông khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện chủ yếu sinh sống trên các sườn núi treo leo, qua quá trình biến đổi khí hậu, lũ quét, sạt trượt đất thường xuyên xảy ra, đặt nhiều điểm bản, nhóm dân cư vào tình thế không an toàn. Hàng năm, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát các hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm, từ đó xây dựng phương án di dời. Tuy nhiên, việc bố trí và sắp xếp dân cư gặp không ít khó khăn bởi địa hình chủ yếu là đồi núi dốc, lưu vực sông suối nhiều, việc tạo mặt bằng xây dựng các khu tái định cư (TĐC) là bài toán khó. Cùng với đó, việc cung cấp nước sinh hoạt, xây dựng đường giao thông, điện thắp sáng phục vụ đời sống cho bà con cũng khiến cấp ủy, chính quyền trăn trở.
Trước những bất cập đó, trong quá trình lựa chọn điểm TĐC mới, huyện tổ chức họp, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Trên cơ sở đó, cử cán bộ đi kiểm tra thực tế, rà soát, tham mưu huyện lựa chọn những địa điểm thuận lợi về mọi mặt, đảm bảo cuộc sống người dân nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ.
Hiện nay, trên địa bàn huyện đang có 3 điểm thuộc 2 bản của xã Nậm Pì nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cần di dời gấp. Bởi, toàn bộ các điểm đều xuất hiện vết nứt, cung trượt kéo dài, nguy cơ sạt trượt đất rất cao. Đối với điểm Huổi Va ở bản Pá Bon có 16 hộ dân, 79 nhân khẩu đang sinh sống đã được Ban Quản lý dự án Thủy điện Nậm Cuổi hỗ trợ san gạt mặt bằng, cấp nước, điện và xã đang phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện, đơn vị thi công cố gắng đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng để sớm di chuyển người dân vào tháng 10 tới đây. Điểm Huổi Chạt cũng ở bản Pá Bon, xã Nậm Pì có 21 hộ gia đình, 98 nhân khẩu cũng tương tự. Do cả 2 điểm này đều nằm ở cách xa trung tâm xã, chủ trương của xã đưa Nhân dân về TĐC ở khu vực trung tâm để thuận lợi cho phát triển giáo dục, y tế.
Riêng điểm thứ 3 ở bản Ma Sang có 84 hộ dân, 464 nhân khẩu. Bản chia thành 3 nhóm dân cư, trong đó khu trung tâm có nguy cơ sạt lở cao nhất với 51 hộ gia đình, 277 nhân khẩu. Bản nằm dưới chân núi với triền dốc dài 700m, do tác động của thiên tai, năm 2018, phía đỉnh núi phát sinh cung trượt khiến 8 nhà dân có nguy cơ bị vùi lấp. Huyện và xã đã kịp thời hỗ trợ di chuyển các hộ đến nơi an toàn. Đồng thời, huyện đã khảo sát đánh giá hiện trạng, nguy cơ và đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn năm 2020 - 2025 trình các sở, ngành và UBND tỉnh phê duyệt thực hiện.
Cung đường đi vào bản Ma Sang, xã Nậm Pì xuất hiện nhiều điểm đứt gãy, sụt lún.
Anh Lầu A Chứ ở bản Ma Sang chia sẻ: Gia đình tôi cũng như các hộ dân ở đây rất lo lắng khi các vết nứt xuất hiện ngày càng nhiều. Rất mong các cấp chính quyền quan tâm sớm bố trí, thực hiện TĐC để bà con yên tâm sinh sống, lao động sản xuất.
Thực hiện chủ trương di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm của huyện cùng với sự vào cuộc tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, các hộ dân ở điểm Huổi Va đồng thuận di chuyển. Riêng điểm Huổi Chạt và bản Ma Sang, xã đã rà soát và báo cáo huyện, hiện chờ kinh phí được phân bổ sớm di chuyển người dân đến nơi ở mới. Năm 2019, xã Nậm Pì đã di chuyển được 2 bản Nậm Sập và Pá Sập với 75 hộ gia đình và 410 nhân khẩu. Đến nay, đời sống của bà con dần ổn định, cơ sở vật chất được xây dựng khang trang.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, giai đoạn 2013 - 2019, huyện Nậm Nhùn có 14 điểm với 770 hộ dân, 3.915 nhân khẩu nằm trong dự án, phương án đầu tư bố trí, sắp xếp ổn định dân cư. Trong đó, có 10 điểm với 151 hộ gia đình đã được phê duyệt. Nhờ nguồn vốn từ Trung ương, tỉnh và nguồn lực xã hội hóa do huyện huy động, đến nay, huyện đã thực hiện di chuyển, bố trí cho 460 hộ dân với mức vốn đầu tư trên 82.700 triệu đồng. Giai đoạn 2020 – 2025, huyện Nậm Nhùn còn 500 hộ dần cần được bố trí, sắp xếp ổn định dân cư.
“Trước những khó khăn, vướng mắc hiện nay, huyện Nậm Nhùn cũng như người dân rất mong tỉnh và Trung ương quan tâm, xem xét, bổ sung kinh phí sớm đưa người dân trong vùng nguy hiểm đến nơi ở mới. Song song với đó, quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông, hệ thống nước sinh hoạt và điện lưới quốc gia, để bà con ổn định cuộc sống" - ông Nguyễn Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện bộc bạch.
Đoàn công tác của tỉnh thăm, tặng quà gia đình chính sách

Hướng dẫn điều kiện nhập quốc tịch, trở lại quốc tịch Việt Nam
Hội nghị Ban Chấp hành Đoàn xã Bum Tở lần thứ nhất

Họp báo cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí quý II

Năng lực tự chủ - Hướng đi căn bản trong đổi mới giáo dục hiện đại

60 bệnh nhân được phẫu thuật đục thủy tinh thể miễn phí

Chia sẻ, lan tỏa yêu thương

Kiểm tra tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát







