

Đặt chân đến bản Táng Ngá, hình ảnh gây ấn tượng với chúng tôi là màu xanh ngút ngàn của những cánh rừng phủ khắp các sườn đồi, ngọn núi quanh bản. Khi tiết trời của bao vùng quê khác oi bức thì không khí nơi đây vẫn trong lành, mát mẻ. Đó là thành quả của cách làm sáng tạo, khoa học, gắn trách nhiệm cũng như quyền lợi của mỗi người dân trong bản với công tác bảo vệ, gìn giữ màu xanh của những cánh rừng nơi đây.
Người dân bản Táng Ngá (xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn) tuần tra, bảo vệ rừng.
Ông Lò Văn Na - Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Táng Ngá cho biết: “Là bản có diện tích rừng lớn của xã. Nhiều năm qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng luôn được bản quan tâm và có cách làm chặt chẽ nên giữ được rừng xanh tốt”.
Các tổ chức đoàn thể của địa phương đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, phổ biến pháp luật của Nhà nước liên quan tới công tác quản lý, bảo vệ rừng, góp phần nâng cao nhận thức của người dân. Đối với diện tích rừng được giao quản lý, bản đã xây dựng được hương ước về công tác quản lý, khai thác, bảo vệ rừng, tổ chức ký cam kết về bảo vệ rừng gắn với phòng cháy, chữa cháy rừng tới từng hộ dân; chủ động chuẩn bị các phương tiện hỗ trợ công tác bảo vệ rừng.
Tuần tra, kiểm soát rừng được giao quản lý luôn được bản chú trọng thực hiện; nhất là vào thời điểm mùa khô tại các khu vực rừng có nguy cơ xảy ra cháy cao. Tổ chức lực lượng, trang bị các phương tiện, như: loa cầm tay, đèn pin, can đựng nước, dao quắm... sẵn sàng cho công tác phòng cháy chữa cháy. Bản còn xây dựng bảng biểu phân công cụ thể thời gian, tuyên truyền trên loa truyền thanh; huy động người dân xây dựng chòi canh gác tại các khu vực có nguy cơ cháy rừng cao, cử các đội canh gác trong tổ chuyên trách bảo vệ rừng của bản trực 24/24 giờ. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm hương ước của bản liên quan tới công tác bảo vệ rừng. Các gia đình trong bản cố tình thực hiện các hành vi gây ảnh hưởng đến rừng sẽ bị xử phạt hành chính hoặc trừ vào tiền dịch vụ môi trường rừng được hưởng hàng năm vào quỹ bản để xây dựng các công trình công cộng. Do đó, ý thức chấp hành của các hộ dân về công tác bảo vệ rừng rất cao.
Tìm hiểu về kinh nghiệm bảo vệ rừng của bản Táng Ngá, chúng tôi nhận thấy yếu tố quyết định ở việc hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tác động tích cực đến ý thức, vai trò trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Năm 2018, từ 3.892,4ha rừng phòng hộ do bản quản lý mỗi gia đình được hưởng hơn 40 triệu đồng từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đây là nguồn thu nhập không nhỏ đối với những người dân ở một bản còn nhiều khó khăn như Táng Ngá. Qua đó, nhận thức việc chăm sóc, bảo vệ rừng của người dân nâng lên rõ rệt.
Cùng với việc thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng; việc trồng mới và mở rộng diện tích rừng ở bản Táng Ngá luôn nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của người dân. Bản tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ dân chuyển đổi diện tích canh tác lâu năm, bạc màu sang trồng rừng kinh tế; trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc. Đến nay, bản trồng mới được 21ha cây mắc-ca và hơn 31ha cây quế. Từ những vùng đất trống, đồi núi trọc nay đã được phủ xanh; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Anh Chảo San Sênh - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Chà cho biết: “Với cách làm hiệu quả trong công tác bảo vệ và phát triển rừng ở bản Táng Ngá đã đem lại nguồn lợi rất lớn cho người dân nơi đây; góp phần không nhỏ trong việc nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái ở địa phương”.
Đoàn công tác của tỉnh thăm, tặng quà gia đình chính sách

Hướng dẫn điều kiện nhập quốc tịch, trở lại quốc tịch Việt Nam
Hội nghị Ban Chấp hành Đoàn xã Bum Tở lần thứ nhất

Họp báo cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí quý II

Năng lực tự chủ - Hướng đi căn bản trong đổi mới giáo dục hiện đại

60 bệnh nhân được phẫu thuật đục thủy tinh thể miễn phí

Chia sẻ, lan tỏa yêu thương

Kiểm tra tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát







