

Người dân bản Ngài Thầu, xã Pa Vây Sử phát dọn thực bì, chăm sóc rừng.
Pa Vây Sử - xã biên giới của huyện Phong Thổ cách trung tâm huyện hơn 60km. Xã có tổng diện tích tự nhiên 4.200,08ha, trong đó, diện tích đất có rừng là 2.934,65ha; diện tích rừng phòng hộ là 2.901,82ha; diện tích rừng sản xuất là 32,83ha. Trước đây, việc bảo vệ rừng đôi lúc chỉ được xem là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, còn người dân sinh sống gần rừng ít quan tâm. Từ khi triển khai chi trả DVMTR đã góp phần nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân, tạo động lực để người dân giữ gìn và phát triển rừng bền vững.
Anh Vàng A Phàng - bản Pờ Xa chia sẻ: Gia đình tôi cùng nhiều gia đình khác nhận bảo vệ diện tích rừng chung của cả bản. Trước đây, thu nhập của gia đình tôi chủ yếu dựa và việc làm nương rẫy, bảo vệ rừng cũng chỉ để lấy chút củi về sử dụng, cuộc sống bấp bênh. Từ khi nhận khoán bảo vệ rừng, gia đình tôi có thêm nguồn thu nhập ổn định với trên 7 triệu đồng/năm. Với số tiền trên tôi mua thêm cây, con giống phục vụ sản xuất, cùng bà con trong bản nâng cao ý thức giữ rừng, không chặt phá, không để xảy ra cháy rừng hay khai thác trái phép. Với tôi, rừng giờ đây không chỉ là tài sản chung mà còn là nguồn sống của gia đình, tôi yên tâm gắn bó và sẽ tiếp tục bảo vệ rừng thật tốt”.
Còn anh Sùng A Lầu – cùng bản Pờ Xa phấn khởi nói: “Tôi rất vui khi tham gia bảo vệ rừng và được nhận tiền chi trả DVMTR. Mỗi năm, gia đình tôi nhận được trên 7 triệu đồng từ dịch vụ này, tuy số tiền không quá lớn nhưng cũng phụ gia đình tôi mua sắm vật dụng thiết yếu cho gia đình. Điều quan trọng hơn là chúng tôi hiểu rằng bảo vệ rừng cũng chính là bảo vệ nguồn sống lâu dài của mình. Nhờ rừng, nguồn nước sạch được giữ gìn, đất đai không bị xói mòn và môi trường sống trong lành hơn. Việc bảo vệ rừng không chỉ mang lại thu nhập mà còn giúp tôi và bà con trong bản gắn bó với nhau hơn, cùng nhau bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Tôi mong chính sách này được duy trì lâu dài để chúng tôi có thể yên tâm bảo vệ rừng, phát triển cuộc sống.
Xã Pa Vây Sử có 6 bản, 485 hộ, 2.297 nhân khẩu, là địa phương có tỷ lệ che phủ rừng cao với 69,87%, việc chi trả DVMTR ở xã Pa Vây Sử không chỉ thúc đẩy người dân gắn bó với rừng mà còn tạo ra nguồn thu nhập ổn định, góp phần giảm nghèo. Thay vì khai thác rừng bừa bãi, bà con dần ý thức hơn về việc bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng bền vững.
Để có được kết quả đó, những năm qua, công tác bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng cũng như chi trả DVMTR đã được các cấp, ngành trong xã đặc biệt quan tâm chú trọng. Ngay từ đầu năm, xã Kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng cháy, chữa cháy rừng xã Pa Vây Sử mùa khô năm 2023 - 2024 để kịp thời chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ. Xây dựng phương án, kế hoạch bảo vệ rừng, chi trả DVMTR và phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô năm 2024-2025. Duy trì 6 tổ chuyên trách bảo vệ rừng, chi trả DVMTR và phòng cháy chữa cháy rừng ở các bản. Các tổ bảo vệ rừng thường xuyên phối hợp với lực lượng Kiểm lâm tuần tra, kiểm soát, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm như chặt phá rừng, săn bắn trái phép. Ban Chỉ huy Phòng cháy, chữa cháy rừng xã cũng phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Lâm nghiệp tới nhân dân, làm cho người dân hiểu và nhận thức sâu sắc về vai trò, lợi ích của rừng mang lại.
Trong năm xã đã tổ chức họp bản, tuyên truyền trực tiếp, tuyên truyền bằng loa phát thanh tại 6/6 bản với 1.926 lượt người tham dự. Nội dung tuyên truyền được xã phối hợp với lực lượng kiểm lâm biên tập ngắn gọn dễ hiểu, dễ nhớ sát với thực tế của địa phương và dựa trên những quy định của pháp luật. Ngoài ra, xã còn tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng và chi trả DVMTR, phòng cháy chữa cháy rừng giữa các hộ gia đình với trưởng bản (tổng số hộ ký cam kết là 469 hộ); giữa 6 trưởng bản với Chủ tịch UBND xã.
Với sự nỗ lực vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương đã tạo chuyển biến rõ rệt về ý thức bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và chi trả DVMTR của người dân, từ đó góp phần giảm thiểu các vụ cháy rừng, phá rừng và các vi phạm khác trên địa bàn. Mùa khô năm 2023-2024, trên địa bàn xã Pa Vây Sử không xảy ra cháy rừng và các vụ việc vi phạm pháp luật về rừng.
Đồng chí Mùa A Hồ - Chủ tịch UBND xã Pa Vây Sử khẳng định: Từ khi có chính sách Chi trả DVMTR tại địa phương đã tạo nguồn lực tài chính mới, ổn định, bền vững phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng, góp phần nâng cao đời sống của những người dân gắn bó với rừng, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Hàng năm các hộ gia đình được nhận khoán bảo vệ rừng đã có thu nhập từ tiền chi trả DVMTR (năm 2023, tổng số tiền DVMTR: 3.001.126.351 đồng, trong đó, UBND xã chia trả 1.339.400.221 đồng, Ban Quản lý rừng phòng hộ chi trả 1.661.726.130 đồng). Đối với một xã biên giới còn nhiều khó khăn như Pa Vây Sử, nguồn thu nhập này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ rừng, nâng cao đời sống của bà con.
Có thể thấy, công tác chi trả DVMTR tại Pa Vây Sử đã và đang trở thành tạo động lực mạnh mẽ để người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Không chỉ cải thiện sinh kế, giúp người dân có thêm nguồn thu nhập ổn định, chi trả DVMTR còn nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc gìn giữ tài nguyên rừng quý giá. Rừng được bảo vệ tốt hơn, môi trường sinh thái được duy trì, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Chi trả quyền lợi bảo hiểm cho thân nhân khách hàng vay vốn tại Agribank Chi nhánh Lai Châu bị tử vong khi làm nhiệm vụ

Chương trình hiến máu khẩn cấp

Đa dạng hình thức truyền thông

Miễn, hỗ trợ học phí: Một chính sách nhân văn, hợp lòng người

Họp trực tuyến toàn quốc về ứng phó với cơn bão số 3 năm 2025

“Mùa hè xanh” năm 2025
Chi đoàn BIDV Chi nhánh tỉnh Lai Châu viếng Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh

Sôi nổi các hoạt động chiến dịch thanh niên tình nguyện hè 2025











