

Trang facebook cá nhân Trần Đức Trung đến nay đã có 13 ngàn người theo dõi. Hành trình đến mỗi mảnh đất, anh đều cập nhật như là cách xác nhận địa điểm mình đã đến tới những người theo dõi mình bằng những kỷ niệm và vô vàn hình ảnh đẹp về thiên nhiên, quê hương, con người. Nhưng nhiều người đâu biết, sau những nụ cười, niềm vui, hạnh phúc, sự ấm áp tình người của dải đất hình chữ S, anh đã bước những bước đi thế nào để có thể hoàn thành được 2/3 quãng đường và đang đầy tự tin với 1/3 chặng đường phía trước.
“Tôi bắt xe khách và không quên mang theo “đồ nghề” đi từ Nghệ An vào tỉnh Cà Mau mặc cho gia đình, cha mẹ can ngăn để hiện thực hóa ước mơ chinh phục 63 tỉnh, thành bằng cách đi bộ. Để có quyết tâm đó, tôi đã mất 6 tháng tìm hiểu về cách thức di chuyển sao cho an toàn, hợp lý. Muốn đi được, phải có hiểu biết xã hội, kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn và phải giữ được hình ảnh đẹp của bản thân ở bất cứ nơi nào mình đến” – Trần Đức Trung thổ lộ lời đầu tiên với tôi bằng một nụ cười ấm áp, hiền lành dưới làn da rám nắng, chắc nịch.
Vậy tại sao anh lại chọn cách “du lịch” đầy gian nan vất vả này mà không phải cách khác? Tôi bắt đầu trò chuyện với Trung bằng câu hỏi giống như hàng trăm câu hỏi khác và được Trung cho biết: “Với niềm đam mê du lịch và thích khám phá những điều độc, lạ, tôi muốn làm những điều chưa ai làm nên từ năm 2016 đã đặt ra mục tiêu phải đi hết các tỉnh, thành trong cả nước (có cả các huyện, thành phố trực thuộc) để biết đất nước hình chữ S dài rộng và tươi đẹp ra sao. Để “thăm dò” tình hình, tôi đã đi bằng xe máy đến 20 tỉnh, thành, sau đó trở về tính toán lịch trình, chế tạo phương tiện, tìm hiểu mọi vấn đề để chuẩn bị cho chuyến đi một cách thấu đáo”.
Hành trình xuyên Việt với chiếc xe tự chế của Trần Đức Trung.
Hành trang của anh là chiếc xe đẩy tự chế, trong đó có đầy đủ những đồ đạc, vật dụng, thực phẩm, nước uống đảm bảo cho khả năng sinh tồn. Anh chọn cách đi bộ bằng đường biển đối với những tỉnh giáp biển. Chặng đầu tiên của cuộc hành trình bắt đầu từ 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên anh gặp khó khăn không ít. Nơi đây nhiều cư dân trú ngụ trên sông nước, không có bãi đất trống rất khó tìm chỗ nghỉ. Anh đặt ra mục tiêu hạn chế tối đa việc nhờ vả, phiền hà người dân trên hành trình di chuyển. Ở miền Nam, những cơn mưa, nắng bất chợt đến, bất chợt đi nhiều khi không kịp “trở tay”, đang nắng đó nhưng chợt mưa rào, rồi chỉ trong giây lát lại thôi, đỏng đảnh, khó hiểu như thiếu nữ mới lớn vậy. Ấy thế, Trung vẫn chưa phải dùng đến viên thuốc nào.
Còn đối với miền Trung nắng rát, gió Lào, dưới lớp đệm của đôi giày bitis song bàn chân anh vẫn bao lần phồng rộp vì không chịu nổi cái nóng khắc nghiệt ngột ngạt bức bối. Đi qua eo biển miền Trung, nơi anh dừng ngủ đêm thường là những bãi cát với rì rào tiếng sóng; những nơi rừng núi vắng người qua lại, và cả khu vực nghĩa địa, vây quanh chỉ là những ngôi mộ vắng lặng đến ghê người… Nhưng tất cả đều qua đi bằng ý chí kiên cường và duy nhất mục tiêu: phải đến được những nơi cần đến!
Tạm biệt đồng bằng, anh Trung lại mải miết vượt những cung đèo hiểm trở đến với Tây Bắc. Những mệt mỏi, nặng nhọc nhanh tan biến khi trước mắt anh là những cánh rừng xanh bạt ngàn và sự kỳ vỹ của thiên nhiên. Anh tranh thủ hít hà bầu không khí trong lành như tận hưởng những gì thanh tao, tuyệt diệu mà tạo hóa đã ban tặng cho vùng đất này để có thêm động lực bước nhanh hơn.
Trần Đức Trung chụp ảnh giao lưu cùng các em học sinh xã Lản Nhì Thàng (huyện Phong Thổ).
Lản Nhì Thàng (huyện Phong Thổ) đón và giữ chân anh ở lại – nơi có những ánh mắt trong veo, ngây thơ của các em học sinh, chứa chan tình thầy cô nơi miền biên viễn. Anh đã có một kỷ niệm khó quên trong cuộc hành trình xuyên Việt khi được giao lưu, được tận mắt chứng kiến cuộc sống của những người giáo viên vùng cao, cũng là ghi dấu tròn 1 năm anh bắt đầu cuộc hành trình “độc”, “lạ” này. Càng hữu duyên hơn nữa khi thời gian ngắn nhưng anh được gặp người đồng hành trên cung đường về thành phố Lai Châu đến tận… 4 lần. Đó là anh Duy ở phường Đoàn Kết, sau đó đã mời anh về gia đình nghỉ ngơi sau chặng đường dài để thưởng thức, hiểu thêm vẻ đẹp của thành phố Lai Châu nhỏ bé, xinh đẹp.
“Lai Châu có điểm gì cuốn hút anh? – tôi hỏi. Trung không đắn đo: Lai Châu là thành phố thân thiện từ con người đến cảnh quan. Nơi đây hoang sơ, yên tĩnh và chưa có nhiều sự can thiệp bởi bàn tay con người. Với một người trầm lắng như tôi, đây quả là một nơi đáng sống! Bởi đáng sống nên Trung đã tận dụng tối đa thời gian sẵn có để đi tham quan từng địa danh, chỉ cần tìm trên google có những địa điểm đáng lưu tâm nào ở Lai Châu, anh đều cố gắng đến bằng được.
... chụp ảnh lưu niệm cạnh những ngôi nhà chất đầy nông sản của đồng bào vùng cao huyện Tam Đường.
Hơn 1 năm với gần 6.000km, hành trang của anh mỗi lúc một nặng hơn. Đi đến miền đất mới lại có thêm những người bạn mới, những món quà gửi anh phòng khi đói, khát dọc đường và cả khối tình cảm không đo đếm được bằng lời mà anh được nhận từ những người xa lạ. Anh thầm cảm ơn cuộc đời đã cho anh một sức khỏe bền bỉ, dẻo dai và cả những ân tình mà anh may mắn được nhận. Trung sẽ cố gắng hoàn thành cuộc hành trình và đặt mục tiêu kết thúc vào mùa hè năm 2024. Nhưng vẫn chưa dừng lại ở đó, anh sẽ tiếp tục lặp lại cuộc hành trình một lần nữa và kết hợp với công tác thiện nguyện, phấn đấu đạt kỷ lục guinness về đi bộ xuyên Việt.
Đến hôm nay hơn 10 ngày Trần Đức Trung có mặt tại Lai Châu, nơi đây đã giữ bước chân anh lại quá lâu trong hành trình này nhưng cũng phải rời đi để đến vùng đất mới. Xin chúc cho anh vạn dặm bình an và đạt mọi ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ; lan tỏa tinh thần sống lạc quan, có ý chí, khát vọng – là biểu tượng của giới trẻ hôm nay.
Tin đọc nhiều

Dư âm vang vọng mãi

Tìm thấy bé gái đi lạc trong rừng ở xã Pa Ủ

Những ngôi nhà xây bằng tình thương và trách nhiệm

Xã Mường Tè: Khẩn trương xoá nhà tạm, nhà dột nát

Xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng

Xã Nậm Chà nhiều cách làm hay trong xóa nhà tạm, nhà dột nát

Thèn Sin nỗ lực xoá nhà tạm, nhà dột nát
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia






