

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đơn vị. Đối với 8 điểm cầu huyện, thành phố trong tỉnh có đại diện UBND, lãnh đạo một số phòng, ban, đơn vị, trường học các huyện, thành phố dự.
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19, năm học 2019 - 2020, Bộ GD&ĐT thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19. Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Y tế kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện nhiệm vụ năm học với phương châm “sức khỏe, an toàn của học sinh, sinh viên, giáo viên là trên hết” và “tạm dừng đến trường, không dừng học”.
Bộ GD&ĐT điều chỉnh khung kế hoạch, thời gian năm học; hướng dẫn tinh giản nội dung dạy học chương trình học kỳ 2 năm học 2019 - 2020 đảm bảo những nội dung cốt lõi, nền tảng. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục dạy học toàn quốc thông qua internet và truyền hình. Các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm thực hiện việc dạy học trực tuyến, đào tạo từ xa trong thời gian học sinh, sinh viên nghỉ học ở trường để phòng, chống dịch Covid-19.
Theo thống kê, trong hơn 4 tháng triển khai dạy học từ xa, có gần 50% trường đại học tổ chức dạy học trực tuyến; tỷ lệ học sinh phổ thông được học qua internet đạt tỷ lệ 79,7%. Ở những vùng khó khăn, nhiều thầy cô tổ chức xây dựng video clip các bài giảng gửi lên Youtube, Zalo, Facebook và các ứng dụng khác nhằm tạo cơ hội học tập cho học sinh. Bên cạnh đó, ở trường vùng sâu, vùng xa, các thầy cô khắc phục khó khăn bằng cách soạn bài, photo và đến từng nhà gửi bài tập cho học sinh.
Đại biểu dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Lai Châu.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT toàn quốc được tổ chức thành công, đáp ứng được mục tiêu kép: vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, vừa đáp ứng yêu cầu tổ chức kỳ thi gọn nhẹ, hiệu quả, khách quan, công bằng. Nội dung, đề thi bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình cấp THPT, bảo đảm “vừa sức”, không đánh đố thí sinh, có độ phân hóa hợp lý, đáp ứng được mục đích xét và xét tuyển đại học, cao đẳng.
Đây là năm học lần đầu tiên Bộ GD&ĐT thực hiện đối sánh kết quả thi với điểm học bạ, kết quả đối sánh được công bố ngay sau khi có kết quả thi đợt 1 cho thấy điểm thi và điểm học bạ của các địa phương cơ bản “tuyến tính” với nhau (kết quả thi cơ bản phản ánh đúng chất lượng giáo dục của các địa phương). Thành công của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đông đảo các tầng lớp Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Qua đó, khẳng định thành quả của quá trình đổi mới tổ chức kỳ thi cũng như nỗ lực, cố gắng của ngành Giáo dục trong thời gian qua.
Giai đoạn 2016 - 2020, cả nước hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi (năm 2015 mới chỉ có 32/63 tỉnh, thành phố). Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,98%. Hiện nay có 63/63 tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1, 19/63 tỉnh, thành phố đạt mức độ 2, mức độ 3. Tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở tiểu học là 99,35%; ở trung học cơ sở là 92,27%. Nhiều địa phương đạt tỷ lệ 100% học sinh học 2 buổi/ngày, tạo tiền đề thuận lợi để chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Nhiệm vụ năm học 2020 - 2021 và những năm tiếp theo, ngành Giáo dục tập trung thực hiện Kết luận 51 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Trong đó, đối với giáo dục phổ thông, triển khai thành công chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội. Đối với giáo dục đại học, đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục, các văn bản quy định chi tiết Luật Giáo dục năm 2019. Rà soát các văn bản hiện hành để sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế nhằm bảo đảm phù hợp với các nội dung của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục năm 2019…
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của ngành Giáo dục đạt được những năm học qua, đặc biệt là trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, thời gian tới, ngành Giáo dục tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo yêu cầu Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương; xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và địa phương trong quản lý, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên; tăng cường an ninh, an toàn trường học và các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường. Thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong GD&ĐT, tập trung hoàn thiện chính sách phát triển, phương thức đào tạo trực tuyến, quản lý giáo dục trên môi trường mạng.
Trước đó, tại điểm cầu Trung ương, Bộ GD&ĐT phát động tới toàn thể cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục ủng hộ đồng bào miền Trung về tiền, sách vở và dụng cụ học tập để sau lũ các em có thêm điều kiện học tập tốt hơn.

Hướng dẫn điều kiện nhập quốc tịch, trở lại quốc tịch Việt Nam
Hội nghị Ban Chấp hành Đoàn xã Bum Tở lần thứ nhất

Họp báo cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí quý II

Năng lực tự chủ - Hướng đi căn bản trong đổi mới giáo dục hiện đại

60 bệnh nhân được phẫu thuật đục thủy tinh thể miễn phí

Chia sẻ, lan tỏa yêu thương

Kiểm tra tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát
Giải ngân gần 1 tỷ đồng cho người dân xã Mường Than








