

Có mặt tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú (PTDTBT) Tiểu học Đoàn Kết, xã Ma Li Pho (huyện Phong Thổ) vào ngày đầu tuần của tháng 4, chúng tôi cùng giáo viên, HS nhà trường trải nghiệm buổi học ngoại khóa về đọc sách và tìm hiểu về ngày văn hóa đọc 21/4. Được biết, hoạt động ngoại khóa về đọc sách được trường tổ chức thường xuyên nhằm khơi dậy tình yêu sách và văn hóa đọc cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và HS trong trường học.
Cô giáo Trần Thị Hằng – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Thời gian qua, trường chú trọng triển khai các giải pháp nhằm lan tỏa tinh thần đọc sách trong trường học. Cụ thể, trường quan tâm xây dựng thư viện, ngoài thư viện được đầu tư theo ngân sách Nhà nước đã được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh công nhận thư viện đạt chuẩn năm học 2022-2023. Trường đẩy mạnh xã hội hóa, đến nay đã xây dựng được 1 thư viện ngoài trời, 1 thư viện xanh và 1 không gian xanh. Huy động, kết nối với các đơn vị, lực lượng, phụ huynh HS ủng hộ sách, truyện, tạp chí. Đến nay, trường đã huy động được 62 bộ sách; 1.554 quyển tạp chí, báo, truyện trưng bày tại thư viện trường.
Cùng với đó, trường lồng ghép vào giờ chào cờ, sinh hoạt lớp đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc đọc sách và giới thiệu các cuốn sách mới liên quan đến chủ đề, chủ điểm giáo dục theo từng tháng. Điển hình như, tháng 9/2024, với chủ điểm: “Mái trường” trường giới thiệu các quyển sách về: kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho HS tiểu học; tháng 12/2024 chủ đề “Uống nước nhớ nguồn”, kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, trường tổ chức Hội thi “kể chuyện về anh Bộ đội Cụ Hồ”... Trong tuần mỗi lớp có một tiết dạy tại thư viện; hỗ trợ và khuyến khích HS, cán bộ, giáo viên mượn sách về nhà đọc và lên phòng thư viện đọc trong giờ ra chơi, đọc ở thư viện ngoài trời…
“Đặc biệt, trong các tiết đọc tại thư viện, cán bộ thư viện phối hợp với giáo viên giảng dạy, theo dõi và tổng hợp từng tháng bằng phiếu cá nhân để từ đó nhà trường có cơ sở để khen thưởng HS với các nội dung như: Sao đọc sách; mượn trả tài liệu đúng hạn; HS tích cực hỗ trợ tại thư viện; HS có ý thức trong việc bảo quản, giữ gìn sách và có thành tích đọc vượt trội tại buổi sơ kết học kỳ I và lễ tổng kết năm học. Từng bước tạo cho HS tính tự giác, yêu và ham đọc sách” – Hiệu trưởng Trần Thị Hằng chia sẻ thêm.
Từ sự kết nối, Trường PTDTBT Tiểu học Đoàn Kết, xã Ma Li Pho (huyện Phong Thổ) được lực lượng quân đội, biên phòng tặng sách, đồ dùng học tập.
Còn tại Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Tung Qua Lìn (huyện Phong Thổ) để lan tỏa tình yêu với sách cho HS, hàng tuần các lớp tổ chức ít nhất 1 tiết dạy thư viện tại phòng đọc của nhà trường; hàng ngày HS đến thư viện để đọc, mượn sách, truyện theo lịch đã được phân từ đầu năm học. Nhân viên thư viện thường xuyên tổ chức giới thiệu sách trước cờ, trên bảng giới thiệu sách để thu hút HS, cán bộ, giáo viên tới thư viện.
Cô Lù Thị Hương - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Tung Qua Lìn cho biết: Hiện trường có 1 phòng đọc, 1 thư viện. Thư viện có 5.922 cuốn sách, truyện thiếu nhi với gần 1.000 đầu sách, chủ yếu là nguồn xã hội hóa và sách của nhà tài trợ Room to read. Mỗi năm học trường xây dựng kế hoạch tổ chức các ngày hội, hoạt động nhân ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam như: ngày hội đọc sách gia đình, tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời, ngày sách Việt Nam... Qua đó, tuyên truyền và nâng cao văn hóa đọc trong nhà trường.
Những năm qua, Trường THCS Thị trấn Than Uyên (huyện Than Uyên) luôn chú trọng việc đọc sách và xây dựng văn hóa đọc trong giáo viên, HS. Hiện thư viện của trường có tổng 5.256 truyện, báo, tạp chí và sách như: giáo khoa, kỹ năng sống, tham khảo, tra cứu, pháp luật. Tại thư viện còn trang bị máy tính để các em có thể tra cứu thông tin sách, báo trên mạng.
Thầy giáo Hoàng Quang Hưng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường đang phối hợp với các trường: THCS Mường Than, PTDTBT THCS Tà Mung liên thông thư viện thực hiện 2 lần/năm. Việc liên thông thư viện sẽ giúp tối ưu hóa tài nguyên, tiết kiệm chi phí, giúp các trường học tận dụng tối đa nguồn tài liệu, sách, tài nguyên số mà không cần đầu tư riêng lẻ, tránh lãng phí, tiết kiệm ngân sách mua sắm sách, truyện; mở rộng phạm vi tiếp cận, giáo viên, HS dễ dàng tiếp cận tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau, thay vì chỉ giới hạn trong thư viện của trường mình; có thêm nhiều tài liệu tham khảo giúp giáo viên, HS tiếp cận kiến thức đa chiều, nâng cao chất lượng giảng dạy.
Học sinh Trường THCS Thị trấn Than Uyên đọc sách, tạp chí, truyện tại thư viện thân thiện của nhà trường.
Em Hoàng Uyên Nhi - HS lớp 9A3, Trường THCS Thị trấn Than Uyên chia sẻ: Em thường dành thời gian đọc, tìm hiểu về sách, truyện tại thư viện trường, qua sách, báo, tạp chí và trên internet vừa để giải trí vừa có thêm kiến thức. Qua đọc sách, báo giúp em biết đến nhiều nơi mà em chưa có cơ hội được đi, được gặp gỡ nhiều người bạn thú vị.
Mỗi đơn vị trường có một cách làm khác nhau nhưng mục đích chung là nhằm khơi dậy tình yêu với sách và văn hóa đọc trong trường học. Bởi mỗi cuốn sách đều thể hiện giá trị nhân văn cao cả, dạy cho chúng ta biết sống, biết yêu thương, sẻ chia, là “người bạn” giúp chúng ta có được những phút giây thư giãn và hữu ích. Vì vậy, ngay từ bây giờ, lúc này mỗi chúng ta hãy cùng tạo thói quen đọc sách để không dừng lại ở các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam mà phong trào đọc sách, xây dựng văn hóa đọc sẽ tiếp tục được lan tỏa, thúc đẩy mạnh mẽ trong cộng đồng.
Tin đọc nhiều
Phòng Cảnh sát giao thông: Hỗ trợ người dân xóa nhà tạm, nhà dột nát

Triển khai mô hình “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và xây dựng nếp sống văn minh” năm 2025
Hành trình khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo từ THPT

Lễ phát động hiến máu tình nguyện hưởng ứng Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện
Khởi công xây dựng xoá 4 nhà tạm tại huyện Phong Thổ và Tam Đường
Thỏa giấc mơ an cư

Chủ động tiếp cận chương trình mới

Khởi công xây dựng 4 căn nhà cho hộ nghèo ở xã Bản Lang








