

Những “dấu điểm chỉ đỏ” thay lời muốn nói
“Cán bộ thương đến đồng bào, về đây làm cho cái nhà kiên cố để ở. Đời tôi khổ nhiều rồi, già cả neo đơn chẳng hy vọng làm được ngôi nhà vững chắc. Đời mình làm lụng cũng chỉ mong đủ ăn chứ không nghĩ có được ngôi nhà thế này. Cảm ơn Đảng, Nhà nước! Cảm ơn Thành ủy, chính quyền và Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và cán bộ công an nhiều lắm!” - đó là lời cảm ơn chân thành trong bức thư của bà Thào Thị Đớ (52 tuổi, dân tộc Mông ở bản Cô Lô Hồ, xã Tà Tổng, huyện Mường Tè) nhờ trưởng bản Vàng A Lình chắp bút.
“Tôi có 6 người con, 4 trai, 2 gái nhưng đều làm ăn và sinh sống nơi khác. Chồng mất sớm, gần 40 năm qua, tôi sống một mình trong căn nhà tranh tre đã mục và có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Các con cũng thỉnh thoảng về sửa nhà cho, nhưng chúng nó cũng nghèo lắm nên chắp vá được chỗ nào tốt chỗ đó. Nắng thì mặt trời chiếu vào; mưa đầy chỗ dột. Khi gió to không dám ở trong nhà mà phải trú nhờ hàng xóm. Nay, Đảng, Nhà nước làm cho ngôi nhà mới chắc chắn, sạch sẽ, tôi treo ảnh Bác Hồ và cờ Tổ quốc ngay ở gian chính giữa ngôi nhà để nhắc mình, nhắc con cháu ghi nhớ ơn Đảng, ơn Bác Hồ. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn và hứa sẽ yên tâm lao động sản xuất; chấp hành tốt chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước; không nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu gây mất an ninh trật tự” - đây là bức thư của bà Pờ Phi Bớ (79 tuổi, ở bản Nậm Xả, xã Bum Tở) nhờ Thượng tá Pờ Anh Viễn - Phó trưởng Công an huyện “chuyển thể” từ tiếng Hà Nhì sang tiếng phổ thông khi Đoàn công tác về thăm các gia đình được giao nhà.
Đây chỉ là hai trong số hàng chục lá thư được gửi về Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án 245 tỉnh Lai Châu trong những ngày qua. Tuy nhiên, có một điều đặc biệt, các bức thư gửi về đều có những “dấu điểm chỉ đỏ”. Bà con nghèo vùng sâu, vùng xa trình độ dân trí thấp, đa số không biết chữ, tiếng phổ thông chỉ biết bập bẹ. Bàn tay họ chỉ quen phát rẫy, làm nương. Nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành, họ được hỗ trợ dựng những ngôi nhà mới vững chắc. Bà con đã nhờ trưởng bản, cô giáo, con cháu đang đi học hay những người biết chữ trong bản viết hộ những lá thư nói lên cảm xúc của mình bằng ngôn từ mộc mạc, giản dị và chân thực như chính con người họ.
Những lá thư ân tình của bà con được hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở huyện Mường Tè.
Hy vọng về tương lai tươi sáng
Từng là công an viên, anh Lý Khừ Xá (55 tuổi, bản Nậm Xả, xã Bum Tở) viết: “Năm 2014, trên đường đi làm, tôi bị tai nạn giao thông phải cắt bỏ 2 chân. Từ đó, không thể làm được những việc nặng nhọc nữa, tôi ở nhà thay vá xăm xe, sửa chữa xe đạp, xe máy. Rảnh rỗi, tôi đan mũ nan bán với giá 100 nghìn đồng. 3 ngày hoàn thiện một chiếc, trừ chi phí, tôi còn lời được 50 nghìn đồng phụ giúp vợ nuôi dạy 4 người con. Tiền ăn còn chưa đủ, tôi chẳng dám mơ đến có một ngôi nhà kiên cố. Được hỗ trợ làm nhà theo Đề án 245, niềm hy vọng về tương lai tươi sáng với gia đình tôi lại được thắp lên. Gia đình không biết nói gì hơn chỉ biết cảm ơn Đảng, Nhà nước đã xây cho ngôi nhà mới khang trang, vợ con tôi bớt khổ”.
Trong số những bức thư được gửi về, chúng tôi xúc động nhất là lời tâm sự của Phùng Và Xô, học sinh lớp 8, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học, THCS xã Bum Tở. Trong thư em viết: “Bố cháu là Phùng Lò Giá, mẹ cháu là Ky Na Đô. Bố mẹ sinh 8 anh em, cháu là con trai đầu. Trước khi được Nhà nước làm nhà, gia đình cháu sống trong một ngôi nhà nền đất, vách nứa và lợp tranh lụp xụp. Cả nhà kê gỗ, dải chiếu ngủ ở một góc, còn một góc để đồ đạc và nấu ăn… Bây giờ thì chúng cháu được ở trong ngôi nhà lợp tôn xốp chống nóng, nền bêtông sạch sẽ, có đường điện riêng, có bình chứa nước sạch và bếp cũng đã được dựng ra ngoài. Mỗi lần về thăm nhà, cháu rất vui. Các chú công an bảo cháu hãy cố gắng học tập để trở thành người có ích cho xã hội. Bố mẹ cháu cũng không bắt cháu nghỉ học nữa. Cháu sẽ học thật giỏi để sau này lớn lên giúp đỡ bố mẹ, các em để gia đình đỡ khổ…”.
Những lá thư bà con gửi đến đều thể hiện sự cảm ơn sâu sắc đến sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an. Đằng sau mỗi lá thư là một mảnh đời, một câu chuyện chứa chan ân tình về những ngôi nhà “3 cứng”. Với nguồn vốn 50 tỷ đồng được Bộ Công an huy động từ Thành ủy, chính quyền và Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, 1.062 hộ nghèo khó khăn về nhà ở huyện Mường Tè được hỗ trợ làm, sửa chữa nhà (làm mới 755 nhà, sửa chữa 307 nhà). Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và huyện Mường Tè được giao trực tiếp tham gia hỗ trợ thi công. Tính đến ngày 10/10/2020, các lực lượng đã hoàn thiện và bàn giao cho người dân sử dụng đảm bảo chất lượng.
Biên giới chuẩn bị bước vào những ngày giá lạnh của mùa đông nhưng lòng người sẽ luôn ấm áp khi những hộ nghèo còn khó khăn về nhà ở đã có những ngôi nhà mới khang trang, sạch đẹp, vươn lên xóa đói, giảm nghèo và có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Tin đọc nhiều
Quán triệt, triển khai chỉ đạo của Ban Bí thư về lưu trữ, quản lý tài liệu

An cư cho người dân vùng nguy cơ sạt lở

Người dân có thể tham gia BHXH, BHYT qua Cổng Dịch vụ công và Ứng dụng ngân hàng

Trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Hỗ trợ khi gặp rủi ro trong quá trình làm việc

Chính phủ đề xuất điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp BHXH năm 2026
Hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho gia đình liệt sỹ trước 27/7, gia đình người có công trước 2/9

Huyện Than Uyên: Dông, lốc làm sập 7 ngôi nhà

Khánh thành và bàn giao 4 ngôi nhà tình nghĩa







