

Để “mục sở thị”, chúng tôi đã nhờ anh Lý A Dế - Chủ tịch UBND xã Phìn Hồ dẫn đường đến bản Seo Lèng 1. Vừa tới đầu bản, chúng tôi gặp một đám trẻ nheo nhóc, nhem nhuốc, thấy người lạ đến, chúng vội vàng bỏ chạy. Hỏi ra mới biết đó là 8 đứa con của vợ chồng anh Vừ A Lử. Sinh nhiều con, cuộc sống vất vả, cả gia đình anh Lử chỉ trông chờ vào nương sắn, nương ngô. Do không có điều kiện chăm sóc nên những đứa trẻ con anh Lử cũng gầy gò, yếu ớt. Khi được hỏi vì sao sinh nhiều con thì anh Lử trả lời: “Mình muốn sinh cho được con trai, vì sinh con gái sau này nó đi lấy chồng hết. Con trai mới ở nhà với bố mẹ”.
Nhiều trẻ em đã phải ở nhà trông em giúp đỡ bố mẹ việc nhà.
Còn gia đình anh Lý Giống Sính và chị Vàng Thị Sính ở bản Seo Lèng 2 cũng sinh 8 người con. Khi Sính tròn 18 tuổi, được bố mẹ thuận ý, ưng lòng cho đôi trai gái lấy nhau. Sau ngày lập gia đình, anh Sính nghe theo lời của bạn bè và người thân nói, Sính phải sinh con trai, nếu không có con trai để nối dõi tông đường sẽ mất mặt với dòng họ Lý. Thế là cứ 2 năm sinh một người con, đến đứa con thứ 8 mới là con trai. Nhưng hoàn cảnh gia đình ngày càng khốn khó, đông con, hàng ngày vợ chồng Sính phải đầu tắt mặt tối trên mấy nương ngô, nương sắn nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo....
Suốt dọc đường dẫn chúng tôi đi anh Chủ tịch UBND xã Lý A Dế cứ thở dài thườn thượt, rồi như để chút nỗi niềm, anh thổ lộ: “Các chị nhà báo thấy đấy, nhận thức của người dân ở đây còn quá lạc hậu. Họ cứ cho rằng phải có con trai để nối dõi tông đường, “trời sinh voi, trời sinh cỏ” vẫn còn tồn tại nên khoảng trên 70% số hộ gia đình trong xã sinh con thứ 3 trở lên.
Chính vì sinh nhiều con nên đã dẫn đến tình trạng đói nghèo và thất học. Nhiều trẻ em không được đến trường, số học sinh học hết cấp hai chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, trình độ dân trí thấp, nhiều người mù chữ. Có người còn không nhớ rõ năm sinh của mình cũng như người thân trong gia đình”.
Theo chúng tôi được biết từ nhiều năm nay, Trung tâm Dân số Kế hoạch hoá gia đình huyện đã phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương cũng như Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tích cực vận động các hộ gia đình, chị em trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai nhưng kết quả đạt được còn thấp. Nhiều chị em sinh nhiều con ảnh hưởng tới việc tham gia cùng gia đình phát triển kinh tế. Hội cũng đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều lớp tập huấn khuyến nông, ký uỷ thác cho hội viên nghèo vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển kinh tế nhưng đến nay số hội viên phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi rất ít.
Cuộc sống nghèo đói quanh năm khiến người dân nơi đây không mấy mặn mà với việc học hành của con cái. Chính quyền huyện Sìn Hồ cũng như xã Phìn Hồ đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục, nhưng việc đưa học sinh đến lớp của các giáo viên nơi đây hết sức gian nan. Thiếu ăn, thiếu học, những đứa trẻ chưa kịp lớn đã vội lấy chồng, lấy vợ rồi sinh con. Cái vòng luẩn quẩn nghèo đói, thất học cứ bám riết lấy người dân. Đôi vai gầy guộc nhỏ bé của các em cũng phải gánh một phần nỗi lo cơm áo.
Chia tay Phìn Hồ, hy vọng người dân sẽ dần thay đổi nhận thức, sinh đẻ có kế hoạch, tập trung phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo.

Hướng dẫn điều kiện nhập quốc tịch, trở lại quốc tịch Việt Nam
Hội nghị Ban Chấp hành Đoàn xã Bum Tở lần thứ nhất

Họp báo cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí quý II

Năng lực tự chủ - Hướng đi căn bản trong đổi mới giáo dục hiện đại

60 bệnh nhân được phẫu thuật đục thủy tinh thể miễn phí

Chia sẻ, lan tỏa yêu thương

Kiểm tra tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát
Giải ngân gần 1 tỷ đồng cho người dân xã Mường Than








