

Lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em của thầy giáo Nguyễn Viết Tước (Trường tiểu học và THCS Hải Vĩnh) trên kênh thủy lợi ở xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng, Quảng Trị.
Bàng hoàng trước những con số
Mặc dù chưa đến hè nhưng trong những tuần qua, hàng loạt vụ tai nạn đuối nước thương tâm cướp đi sinh mạng của hàng trăm em nhỏ, học sinh xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước.
Tại Hà Tĩnh, ngày 5/4, hai em học sinh lớp 5 đã bị đuối nước dẫn đến tử vong khi tắm ở khu vực hồ chứa nước trên địa bàn xã Gia Hanh, huyện Can Lộc. Trước đó, cũng tại Hà Tĩnh, chiều ngày 25/3, một nhóm khoảng 10 học sinh lớp 7 rủ nhau xuống biển Thạch Hải (huyện Thạch Hà) để tắm, không may, đã có ba em đều trú tại xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh bị đuối nước, tử vong. Chiều 9/4, tại Khánh Hòa, ba em học sinh của một trường trung học phổ thông trên địa bàn huyện Vạn Ninh rủ nhau đi tắm biển và không may, cả ba em đều bị đuối nước, tử vong. Cách đây ít ngày, một bé gái bảy tuổi ở Hải Dương đang cùng mẹ chơi thuyền đạp vịt (ở hồ Bạch Đằng, TP Hải Dương), không may, thuyền bị lật khiến bé bị đuối nước, tử vong… Rất nhiều vụ việc đau lòng. Nhắc lại một số trường hợp gần đây để thấy rằng, tình trạng trẻ em bị tử vong do đuối nước tiếp tục là vấn đề báo động.
Đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đối với trẻ em Việt Nam trong độ tuổi 5-14. Theo Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), tuy có xu hướng giảm, nhưng trung bình mỗi năm, vẫn có khoảng 2.000 trẻ em, học sinh Việt Nam tử vong do đuối nước, tỷ suất cao nhất so khu vực Đông Nam Á, và cao gấp tám lần các nước phát triển. Nguyên nhân chính khiến nhiều trẻ em, học sinh bị đuối nước là do các em chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng nhận biết sự nguy hiểm, kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng bơi lội. Đặc biệt, trẻ em ở các vùng nông thôn là đối tượng có nguy cơ cao bị đuối nước, đây là nơi vốn có nhiều ao hồ, sông suối, vùng biển và các em thường tự ý rủ nhau, trốn bố mẹ để đi tắm.
Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước Nguyễn Tiến Thông cho biết: Hiện nay, bơi lội chưa phải là nội dung bắt buộc mà chỉ là nội dung tự chọn. Nhà trường tùy thuộc vào việc có hồ bơi hay không để quyết định chọn hay không chọn nội dung này. Trong số các trường học công lập trên địa bàn huyện Bù Đăng, không một trường nào có bể bơi. Bên cạnh đó, huyện cũng đang thiếu giáo viên bộ môn Giáo dục thể chất. Một số giáo viên dạy Giáo dục thể chất chưa được đào tạo, huấn luyện, cấp chứng chỉ dạy bơi. Để trang bị kỹ năng bơi lội cho học sinh, Phòng chỉ đạo các trường liên hệ, phối hợp các chủ hồ bơi tư nhân để tổ chức dạy bơi cho học sinh, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, số học sinh tham gia thường rất ít.
Phụ huynh và nhà trường đều cần chủ động
Không chỉ vùng nông thôn, mà ngay cả việc dạy bơi cho học sinh bậc tiểu học, trung học cơ sở ở các thành phố lớn cũng gặp không ít khó khăn.
Cô giáo Phạm Thị Lợi, Hiệu trưởng Trường tiểu học Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) cho biết: Số trường học công lập trên địa bàn thành phố có bể bơi dường như chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trường tiểu học Mỹ Đình 2 có hai giáo viên bộ môn Giáo dục thể chất, nhưng không có chương trình học bơi. Nhằm trang bị kỹ năng bơi lội cho các em học sinh, nhà trường đã liên kết với một doanh nghiệp bên ngoài để đưa bể bơi thông minh vào trường học. Tuy nhiên, nhà trường cũng tạm dừng hoạt động này kể từ khi xảy ra dịch Covid-19 cho đến nay.
Anh Lê Văn Thắng (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) chia sẻ: "Không phải chỉ qua một vài buổi xuống nước tập tành là các con có thể bơi được mà cần cả một quá trình. Vậy nên, khi con mới vào lớp 1, gia đình tôi đã chủ động đăng ký cho con học tại trung tâm dạy bơi. Trường học không có bể bơi nên phụ huynh phải chủ động lo cho con". Đây cũng là chia sẻ của nhiều phụ huynh khác.
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy: Chỉ có khoảng 0,47% số trường tiểu học; 0,25% số trường trung học cơ sở và 0,41% số trường trung học phổ thông có bể bơi. Số học sinh tiểu học biết bơi chiếm tỷ lệ chưa đến 30%. Có thể nói, thực trạng thiếu thốn bể bơi đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác dạy bơi trong nhà trường, khiến tỷ lệ học sinh biết bơi còn rất khiêm tốn.
Chủ trương dạy bơi trong nhà trường và phổ cập bơi cho học sinh bậc tiểu học và trung học cơ sở đã có từ nhiều năm trước, nhưng đến nay, rất ít trường học có đủ điều kiện để thực hiện. Nhiều nơi, việc dạy bơi cho học sinh mới chỉ dừng lại ở việc dạy chay, dạy lý thuyết trên giấy, lồng ghép vào giờ chào cờ đầu tuần; trong khi đó, việc thực hành, thành thạo kỹ năng lại vô cùng quan trọng. Bơi không chỉ là môn thể thao rèn luyện sức khỏe, thể chất mà còn là kỹ năng sinh tồn. Tuy nhiên, khi thiếu thốn về cơ sở vật chất, việc quy định bơi là môn bắt buộc trong chương trình chính khóa là khó khả thi.
Theo các chuyên gia, việc khắc phục những hạn chế này không thể là chuyện một sớm, một chiều. Chính vì vậy, nhà trường và gia đình cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp để quản lý, giám sát học sinh trong thời gian nghỉ học, nghỉ hè để bảo đảm an toàn, phòng, chống đuối nước; tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức để các em biết và tuân thủ các quy định về phòng, chống đuối nước, nhất là tại các địa điểm tiềm ẩn nguy cơ đuối nước, bảo đảm an toàn cho bản thân. Đặc biệt, các bậc phụ huynh cần chủ động đưa con đi học bơi và học kỹ năng an toàn, kỹ năng tự cứu khi xảy ra tai nạn trong môi trường nước ở các trung tâm. Một số chuyên gia cũng khuyến nghị, các địa phương nên cân nhắc phương án xã hội hóa, linh hoạt trong huy động nguồn lực để đẩy nhanh quá trình xây dựng và duy trì hoạt động của các bể bơi trong trường học.
Tin đọc nhiều
Bộ Công an bàn giao kinh phí xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Lai Châu

Vẻ đẹp người con gái Thái giữa đại ngàn Tây Bắc
Huyện Mường Tè: Xoá 359 nhà tạm, nhà dột nát

Đẩy mạnh phong trào thi đua “Cựu Thanh niên xung phong nêu gương sáng, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”

Tuổi trẻ Phong Thổ phát huy tinh thần xung kích

Nâng cao kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh

Lai Châu: 6.762 người sẽ nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tháng 5 trước dịp lễ 30/4 và 1/5

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải kiểm tra xóa nhà tạm, nhà dột nát tại huyện Mường Tè








