

Huyện Tam Đường có 627 NKT, trong đó khuyết tật đặc biệt nặng 94 người; khuyết tật nặng 334 người; khuyết tật nhẹ 199 người. Đa số NKT trên địa bàn huyện đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, chủ yếu sống dựa vào người thân trong gia đình và được Nhà nước trợ cấp xã hội. Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn cũng như sự mặc cảm, tự ti của NKT, huyện thường xuyên đôn đốc UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác đánh giá xác định tình trạng khuyết tật và cấp giấy xác nhận khuyết tật. Từ đầu năm đến nay, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện tham mưu UBND huyện ban hành quyết định hưởng mới trợ cấp đối với 4 NKT đặc biệt nặng, 36 NKT nặng. Thực hiện chi đúng, đủ, kịp thời chế độ chính sách đối với NKT như: chi trả trợ cấp xã hội hằng tháng cho 418 NKT với số tiền 1 tỷ 678 triệu đồng; cấp phát thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm, hỗ trợ đào tạo nghề. Hỗ trợ 10 trẻ em khuyết tật về mắt, vận động, tiết niệu phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Thông qua rà soát nhu cầu nhận hỗ trợ xe lăn, phòng còn phối hợp với các tổ chức, cá nhân hảo tâm tặng trung bình 20 xe lăn/năm cho NKT; tặng quà nhân dịp các ngày lễ, tết để động viên chia sẻ, tạo động lực giúp NKT vươn lên trong cuộc sống.
Cùng cán bộ xã chúng tôi đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Oanh ở bản Tân Bình (xã Bình Lư) là một trong những hộ có hoàn cảnh đặc biệt. Bởi, con trai bà là anh Nguyễn Văn Tiến bị tai nạn lao động khi đi đào, đãi vàng thuê, đã 9 năm nay không tự chăm sóc được bản thân; con anh Tiến là cháu Nguyễn Đăng Khoa bị bại não bẩm sinh, dù đã 14 tuổi nhưng không thể kiểm soát đầu, cổ, tứ chi, thường có những cơn co cứng. Kinh tế của gia đình trông chờ vào đồng lương con dâu đi làm ăn xa gửi về, bản thân bà Oanh dù tuổi cao nhưng vẫn cố gắng làm việc để kiếm tiền trang trải cuộc sống và dành thời gian chăm sóc con và cháu trai.
Gia đình bà Nguyễn Thị Oanh ở bản Tân Bình (xã Bình Lư, huyện Tam Đường) thường xuyên được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, động viên cả về vật chất và tinh thần.
Bà Oanh tâm sự: “Các đồng chí lãnh đạo xã, các đoàn thể thường xuyên xuống động viên, quan tâm, giúp đỡ gia đình. Ngoài số tiền được nhận trợ cấp hơn 1.400 nghìn đồng/tháng, gia đình còn được tặng 1 chiếc xe lăn hỗ trợ cho 2 bố con Tiến đi lại; nhận được nhiều món quà của các nhà hảo tâm trong các ngày lễ, tết giúp gia đình với bớt khó khăn”.
Còn với chị Phàng Thị Phương ở tổ dân phố số 7, phường Đoàn Kết (thành phố Lai Châu) từ năm 13 tuổi, sau trận ốm thập tử nhất sinh khiến đôi chân mất khả năng hoạt động bình thường. Mặc dù cơ thể bị khuyết tật nhưng chị luôn nỗ lực, vươn lên trong cuộc sống. Qua trò chuyện với chị, chúng tôi được biết, ngoài số tiền 400 nghìn đồng được nhận trợ cấp hằng tháng, chị còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế, vào các dịp lễ, tết ngôi nhà nhỏ của chị thêm đông vui khi được cấp ủy, chính quyền các cấp đến thăm hỏi, tặng quà.
Nhờ sự khéo léo, chị Phương bén duyên với nghề móc các loại túi xách, giày, dép, quần áo. Trung bình mỗi năm chị làm khoảng 500 sản phẩm, với giá từ 250 nghìn đồng/đôi giày; từ 200 - 600 nghìn đồng/túi xách, 100 nghìn đồng/khăn len, có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. Chị cảm thấy rất may mắn khi sản phẩm làm ra được khách hàng ủng hộ.
Toàn tỉnh có khoảng 4.803 NKT. Xác định công tác chăm lo, đảm bảo các chế độ chính sách cho NKT là nhiệm vụ quan trọng, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai nhiều chương trình, chính sách dành cho NKT, nhất là thực hiện có hiệu quả Luật NKT, các chế độ của Nhà nước đối với NKT và huy động toàn xã hội chung tay trợ giúp NKT bằng nhiều hình thức. Đồng thời, phối hợp với các huyện, thành phố theo dõi, đôn đốc 100% các xã, phường, thị trấn có NKT kiện toàn Hội đồng xác định mức độ khuyết tật khi có sự thay đổi về nhân sự; cấp giấy xác nhận khuyết tật cho NKT, đạt tỷ lệ trên 99%. Giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ chế độ chính sách trợ cấp cho 3.615 NKT, kinh phí trên 28 tỷ đồng; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 4.430 NKT, đạt 92,23%. Đôn đốc Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố tham mưu ban hành kế hoạch triển khai trợ giúp NKT dựa vào cộng đồng và kế hoạch phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng.
Ông Trần Đỗ Công - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: “Không chỉ trợ giúp NKT từ ngân sách Nhà nước, tỉnh còn thực hiện xã hội hóa việc hỗ trợ NKT thông qua vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện, cơ quan, đơn vị, cá nhân chăm lo cho đối tượng NKT như: hỗ trợ khám, chữa bệnh; cấp học bổng; tài trợ phẫu thuật mắt, phẫu thuật tim, hở hàm ếch, phẫu thuật vận động phục hồi chức năng; tặng xe lăn. Hoạt động dạy nghề, tạo việc làm cho NKT cũng được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện để NKT có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống”.
Có thể thấy, từ việc quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ, động viên, hỗ trợ đã tạo động lực giúp NKT trên địa bàn tỉnh giảm bớt tâm lý mặc cảm, tự ti, vươn lên bằng chính khả năng của mình; từng bước làm thay đổi nhận thức của gia đình, cộng đồng về NKT.
Tin đọc nhiều

Hiệu quả nguồn vốn nước sạch và vệ sinh môi trường

Nâng cao chất lượng giáo dục ở Trường Mầm non Sà Dề Phìn

Bác sĩ vùng cao nỗ lực phục vụ cộng đồng
Thu nhận mẫu ADN cho thân nhân liệt sỹ chưa xác định được danh tính
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Lê Đức Dục kiểm tra xóa nhà tạm, nhà dột nát tại huyện Nậm Nhùn

Kế hoạch triển khai Phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn tỉnh Lai Châu

Mỗi căn nhà, hoàn thiện một ước mơ

Hướng tới sự hài lòng của người dân









