

Năm học 2020 - 2021, toàn huyện Tân Uyên có 10 trường tiểu học và 1 trường tiểu học-THCS với tổng số 227 lớp/7.656 học sinh. Trong đó, học sinh lớp 1 thực hiện chương trình SGK mới là 74 lớp (có 7 lớp ghép 1+2 của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Nậm Sỏ). Căn cứ vào các văn bản của ngành, Phòng GD-ĐT huyện đã chỉ đạo, triển khai, quán triệt và thực hiện đối với các đơn vị trường tiểu học trong toàn huyện. Xây dựng kế hoạch và triển khai các thông tư, quyết định, tiêu chí, hướng dẫn đến ban giám hiệu các trường, đồng thời chỉ đạo các đơn vị nhà trường tự xây dựng kế hoạch và tham mưu chính quyền lộ trình thực hiện chương trình SGK mới.
Về công tác tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, Phòng GD-ĐT huyện tổ chức thành 4 đợt tập huấn tập trung và qua mạng internet theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, qua mạng trên tài khoản cá nhân để hướng dẫn thực hiện chương trình SGK mới. Kết quả, 100% cán bộ quản lý, giáo viên dạy lớp 1 ở các đơn vị trường thực hiện đầy đủ nội dung bồi dưỡng chương trình SGK mới, bồi dưỡng tập trung đối với 2 môn toán, tiếng Việt. Hầu hết cán bộ, giáo viên đã tiếp nhận các thông tin được triển khai và trao đổi thẳng thắn những vấn đề chưa thấu đáo để vận dụng hiệu quả trong quá trình thực hiện.
Giờ học tiếng Việt của của lớp 1A2, Trường Tiểu học xã Phúc Khoa.
Sau khi triển khai cho các trường lựa chọn độc lập, 100% đơn vị trường chọn bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” để thống nhất đưa vào giảng dạy. Hiện nay, số giáo viên chủ nhiệm và giáo viên định mức lớp 1 được các đơn vị trường bố trí đủ, ưu tiên chọn giáo viên có kinh nghiệm lâu lăm, đủ điều kiện về năng lực, phẩm chất, vững về chuyên môn để tiếp cận tốt phương pháp, chương trình giảng dạy theo hướng đổi mới.
Cô giáo Phan Thị Nga – Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Phúc Khoa cho biết: Đưa chương trình SGK lớp 1 mới vào giảng dạy hiệu quả, nhà trường cho rằng, việc lĩnh hội kiến thức của cán bộ quản lý và giáo viên có vững thì mới thực hành tốt. Do đó, không chỉ Ban Giám hiệu nắm vững kiến thức, các giáo viên cũng phải sắp xếp thời gian tham gia tập huấn tập trung và qua mạng internet, đồng thời tự nghiên cứu, tìm hiểu để tìm ra phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất. Nhà trường không thuộc diện cấp miễn phí SGK nên các giáo viên đã tuyên truyền đến phụ huynh chuẩn bị đầy đủ sách vở cho con ngay từ những ngày đầu, tuần đầu của năm học mới.
Cũng theo cô Nga, sau khi đưa vào giảng dạy một thời gian cho thấy, bộ SGK mới có kênh hình ảnh được bố trí nhiều hơn so với bộ sách cũ, nội dung hình ảnh gần gũi với đời sống của học sinh nên các em dễ hiểu. Tuy nhiên, để bài giảng đạt hiệu quả cao nhất, các nhà trường phải đầu tư máy trình chiếu giúp cho nội dung lý thuyết được thể hiện rõ qua hình ảnh, từ đó tạo trực quan sinh động, các em hứng thú học tập hơn. Còn đối với môn giáo dục thể chất, do học sinh lớp 1 biết đọc và biết chữ chưa nhiều, hoạt động ngoài trời là chủ yếu nên việc in sách với nhiều nội dung ở môn học này là không hợp lý.
Là năm đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới nên các trường học trên địa bàn huyện Tân Uyên nói riêng và toàn tỉnh nói chung không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc. Theo đồng chí Bùi Thị Lan – Phó Phòng GD-ĐT huyện, một số giáo viên còn bỡ ngỡ khi tiếp cận bộ SGK mới và mất nhiều thời gian soạn bài nên việc đầu tư nghiên cứu bài dạy còn hạn chế. Về phía học sinh, do đầu cấp, các em quên nhiều chữ cái; nhiều học sinh chưa biết cách cầm bút, tô chữ. Lượng kiến thức một số bài nhiều, thời gian trong tiết học thường kéo dài, chưa đảm bảo, học sinh tiếp thu kiến thức còn chậm. Đối với SGK, do bố trí hình ảnh nhiều, một mặt sẽ kích thích thị giác khiến học sinh tập trung hơn song lại làm cho các em chưa chú ý nhiều đến kiến thức học. Môn toán giáo viên phải chuẩn bị nhiều phiếu bài tập để học sinh làm và chưa có đồ dùng để dạy phần trò chơi. Việc kết nối bộ sách điện tử với nội dung kiến thức đã học trên lớp gây khó khăn cho phụ huynh trong theo dõi nắm tình hình học tập của con em trên lớp.
Mặc dù vẫn còn một số khó khăn song nhìn chung, sau một tháng đưa vào giảng dạy chương trình SGK mới, có thể thấy học sinh đã chủ động và phát huy sự tập trung, hứng thú trong các tiết học; các trường ổn định nề nếp để yên tâm học tập và giảng dạy. Những vướng mắc trên sẽ từng bước được tháo gỡ, điều chỉnh khi đội ngũ cán bộ, giáo viên đang tiếp tục tự bồi dưỡng và bồi dưỡng tập trung, chia sẻ kinh nghiệm theo chỉ đạo của Phòng GD-ĐT huyện nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Đoàn công tác của tỉnh thăm, tặng quà gia đình chính sách

Hướng dẫn điều kiện nhập quốc tịch, trở lại quốc tịch Việt Nam
Hội nghị Ban Chấp hành Đoàn xã Bum Tở lần thứ nhất

Họp báo cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí quý II

Năng lực tự chủ - Hướng đi căn bản trong đổi mới giáo dục hiện đại

60 bệnh nhân được phẫu thuật đục thủy tinh thể miễn phí

Chia sẻ, lan tỏa yêu thương

Kiểm tra tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát







