Những khó khăn và giải pháp để tiếp tục đổi mới nội dung cập nhật chủ trương mới trong hoạt động giảng dạy học tập lý luận chính trị
1. Kết quả việc thực hiện đổi mới nội dung cập nhật chủ trương mới trong hoạt động giảng dạy học tập LLCT tại trung tâm chính trị cấp huyện
Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” [60]. Đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa yêu cầu đổi mới, cập nhật nội dung chương trình đào tạo bồi dưỡng, lựa chọn những nội dung phù hợp, cần thiết cho công tác ở cơ sở, sát thực với tình hình thực tế ở địa phương, giúp cho học viên có thể áp dụng vào thực tế công việc đang đảm nhiệm.
Quán triệt tinh thần trên, các trung tâm chính trị trên địa bàn tỉnh đã tích cực thực hiện đổi mới chương trình, nội dung cập nhật chủ trương mới, giúp nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập LLCT. Cải tiến nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên, hội viên theo hướng “lấy người học làm trung tâm”, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn công tác của học viên để lựa chọn nội dung đào tạo bồi dưỡng thiết thực. Hằng năm, các trung tâm chính trị cấp huyện đều chủ động phối hợp với cấp ủy Đảng ở cơ sở, cơ quan đơn vị để khảo sát, nắm bắt nhu cầu đào tạo bồi dưỡng từ đó xây dựng nội dung chương trình phù hợp.
Cập nhật những thông tin mới, những kinh nghiệm giải quyết các vấn đề mang tính thời sự; kinh nghiệm giải quyết những tình huống đã xảy ra trong thực tế; ý kiến đề xuất từ các cơ quan đơn vị để nghiên cứu và đưa vào nội dung đào tạo bồi dưỡng phù hợp với tình hình thực tế của địa phương trong từng giai đoạn.
Nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng LLCT được thực hiện đảm bảo nghiêm túc theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ[61]. Đối với một số lớp bồi dưỡng, ngoài các chuyên đề thực hiện theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo, xuất phát từ tình hình thực tiễn của địa phương, thành phần học viên tham gia các lớp đào tạo bồi dưỡng, các trung tâm chính trị đã phối hợp với các cơ quan đơn vị tổ chức triển khai thêm những chuyên đề có nội dung thiết thực.
Tiếp tục bồi dưỡng các chuyên đề: “Phòng chống tham nhũng”, “Học tập và làm theo lời Bác dặn trong Thư gửi đồng bào và cán bộ Lai Châu”; bồi dưỡng lịch sử Đảng bộ địa phương theo tài liệu và hướng dẫn của Ban Tuyên giáo các cấp; lồng ghép nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch. Chủ động linh hoạt cập nhật vào bài giảng nội dung các tác phẩm của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”; “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”; “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”; “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”…
Giảng viên các Trung tâm chính trị đã chủ động bổ sung, cập nhật các chủ trương của nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, các Hội nghị Trung ương Đảng khóa XIII, gắn nội dung bài giảng với thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, cơ quan đơn vị, thiết thực, hiệu quả; cập nhật những mô hình hay, cách làm sáng tạo trên địa bàn vào bài giảng để giới thiệu, tuyên truyền tới học viên. Nhiều chương trình bồi dưỡng đã tổ chức cho học viên tham quan thực tế ở cơ sở (Sơ cấp LLCT, bồi dưỡng nhận thức về Đảng, bồi dưỡng LLCT dành cho đảng viên mới…).
Điểm đột phá của việc đổi mới nội dung là làm chuyển biến nhận thức của đội ngũ giảng viên và học viên dạy và học lý luận chính trị phải gắn liền với thực tiễn địa phương, đơn vị. Trong các chuyên đề bài giảng, giảng viên đã kịp thời cập nhật những vấn đề mới về lý luận và thực tiễn, kết hợp sử dụng tổng hợp các phương pháp dạy học và ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin, phương tiện kỹ thuật hiện đại. Mục tiêu yêu cầu đào tạo bồi dưỡng được đổi mới và từng bước được hoàn thiện, bảo đảm sau mỗi khóa học, học viên hoàn thành các chương trình đào tạo, bồi dưỡng LLCT, đồng thời biết vận dụng những kiến thức lý luận đó trong thực tiễn công tác của mình.
2. Những khó khăn trong công tác đổi mới nội dung cập nhật chủ trương mới trong hoạt động giảng dạy học tập LLCT tại trung tâm chính trị cấp huyện
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đổi mới nội dung cập nhật chủ trương mới trong hoạt động giảng dạy học tập LLCT tại các trung tâm chính trị cấp huyện vẫn còn gặp nhiều khó khăn:
Thứ nhất: về chương trình đào tạo bồi dưỡng: Một số chương trình đào tạo, bồi dưỡng LLCT còn nặng về lý luận; một số chương trình chậm đổi mới nội dung giáo trình. Điều này dẫn đến hệ quả là trong một số chương trình tồn tại kiến thức lạc hậu, chưa sát thực tiễn. Việc cập nhật, chọn lọc những kiến thức mang tính thời sự phù hợp với thực tiễn phụ thuộc vào sự nhạy bén của giảng viên. Tuy nhiên, giảng viên vẫn rất cần nguồn tài liệu mới chính thống để làm căn cứ gốc cho quá trình soạn giảng.
Thứ hai: về phía học viên: Một bộ phận cán bộ, đảng viên, hội viên chưa nhận thức đầy đủ về sự cần thiết, tầm quan trọng của việc học tập LLCT. Vì vậy, có biểu hiện lười học, ngại học lý luận chính trị. Có hiện tượng học viên chưa thực sự nghiêm túc học tập, mang tính qua loa, đại khái, hình thức; không vận dụng tri thức đã học để giải quyết các vấn đề của địa phương, cơ quan đơn vị theo chức trách nhiệm vụ được giao; học không đi đôi với hành; lý luận chưa gắn với thực tiễn. Những biểu hiện này trở thành lực cản đối với công tác đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập LLCT tại các trung tâm.
Thứ ba: về phía giảng viên: Trong công tác giảng dạy, một số giảng viên còn ngại đổi mới. Một số giảng viên chưa chú ý tới sự hứng thú, thái độ của người học; bài giảng còn nặng nội dung lý luận, dàn trải, thiếu sức thuyết phục, tính thực tiễn không cao; một số giảng viên được đào tạo cơ bản song thiếu thực tế. Tính ỳ trong công tác nghiên cứu, soạn giảng dẫn đến việc chậm đổi mới, thiếu tính cập nhật của một số giảng viên.
Thứ tư: khó khăn từ việc lựa chọn nội dung, phương pháp vận dụng các nội dung của Nghị quyết vào bài giảng: Việc lựa chọn nội dung của Nghị quyết, cập nhật vào bài giảng sao cho phù hợp là điều khó khăn đối với không ít giảng viên. Đối với một giảng viên, khi lên lớp đòi hỏi đặt ra là một mặt cần phải truyền thụ, trao đổi với học viên một khối lượng kiến thức lớn trong khoảng thời gian có hạn của chương trình, một mặt phải làm sao để kiến thức đó không bị khô cứng, có sức hấp dẫn, lôi cuốn người nghe. Vì vậy, vấn đề đặt ra đối với giảng viên là lựa chọn những nội dung của Nghị quyết, cách truyền thụ như thế nào, cập nhật các thông tin bổ trợ ra sao để người học dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng trong thực tiễn.
Thứ năm, giảng viên các Trung tâm chính trị chưa được tạo điều kiện tham quan thực tế, nghiên cứu tại cơ sở nhằm nâng cao chất lượng đưa chủ trương mới vào giảng dạy LLCT. Trong một số hội nghị quan trọng của địa phương, đội ngũ giảng viên của một số trung tâm chính trị không có trong thành phần tham dự để được nghiên cứu, học tập. Điều này làm hạn chế khả năng cập nhật chủ chương mới trong hoạt động giảng dạy, học tập LLCT.
3. Giải pháp tiếp tục đổi mới nội dung, cập nhật chủ trương mới trong hoạt động giảng dạy, học tập LLCT tại trung tâm chính trị cấp huyện trong thời gian tới
Để tiếp tục đổi mới nội dung, cập nhật chủ trương mới trong hoạt động giảng dạy, học tập LLCT tại trung tâm chính trị cấp huyện cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, Ban Tuyên giáo các cấp tiếp tục nghiên cứu đổi mới mục tiêu, chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng LLCT theo hướng phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, lấy người học làm trung tâm. Đổi mới nội dung cần chọn lọc những kiến thức có liên quan đến mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng để kết cấu thành các chuyên đề, bài giảng. Việc đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cần phải mang tính kịp thời để đáp ứng nhu cầu thực tiễn công tác của học viên. Đổi mới, cập nhật nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng phải xác định được mục tiêu chương trình phù hợp với đối tượng người học; khả năng đáp ứng yêu cầu của người học so với mục tiêu bồi dưỡng; học viên được cập nhật kiến thức có tính kế thừa từ cấp độ thấp đến cấp độ cao; kế thừa những kiến thức đã được đào tạo, bồi dưỡng trước đó... Tóm lại, phải làm sao để kiến thức LLCT trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho công việc thực tiễn của học viên.
Hai là, phát huy tính tích cực, chủ động của học viên trong tự học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ LLCT. Đây là vấn đề giữ vai trò quan trọng trực tiếp đến hiệu quả đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy học và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng LLCT. Giảng viên định hướng cho học viên nắm vững phương pháp tự học, tự nghiên cứu theo đúng tinh thần “Lấy tự học làm cốt”; kiên quyết “chống tư tưởng sợ khó, sợ khổ, lười học trong cán bộ, đảng viên”; khích lệ học viên nâng cao tinh thần ham học, ra sức trau dồi những kiến thức mới; chống thói lười học tập, lười suy nghĩ. Đối với học viên, cùng với nâng cao nhận thức, trách nhiệm, xây dựng động cơ, thái độ học tập đúng, cần xác định việc tự học tập nâng cao trình độ LLCT là quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của bản thân.
Ba là, đội ngũ giảng viên phải nỗ lực tự nâng cao trình độ chuyên môn, thường xuyên cập nhật kịp thời những kiến thức mới và tích lũy kinh nghiệm thực tiễn. Để đưa kiến thức thực tiễn vào bài giảng phù hợp, đòi hỏi giảng viên phải tăng cường nghiên cứu thực tế, tham quan các mô hình; cập nhật kiến thức trên các kênh sách, báo, internet…; trao đổi kinh nghiệm thực tiễn với cán bộ, đảng viên, hội viên ở cơ sở; đặc biệt, cần chú trọng khai thác thông tin từ học viên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng. Giảng viên cần tích cực tham gia các lớp bồi dưỡng, các hội nghị để nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ, được cập nhật những thông tin mới về tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương, đất nước, tình hình khu vực và quốc tế.
Bốn là, về việc lựa chọn nội dung, phương pháp vận dụng các nội dung của Nghị quyết vào bài giảng. Để lựa chọn nội dung Nghị quyết đưa vào bài giảng phù hợp, hiệu quả, đội ngũ giảng viên phải chủ động học tập, nghiên cứu các Nghị quyết một cách đầy đủ, nghiêm túc, trách nhiệm, tránh hình thức để nắm chắc tinh thần, nội dung của Nghị quyết, từ đó góp phần liên hệ chính xác, sát với tình hình thực tiễn ở mỗi địa phương, đơn vị. Khi lên lớp, giảng viên cần lựa chọn lồng ghép vào những nội dung thiết thực, dung lượng phù hợp với mỗi tiết giảng; nội dung đó phải toát lên được những quan điểm cơ bản, tư tưởng chủ đạo, cốt lõi và vấn đề mới trong Nghị quyết; thực hiện so sánh nội dung Nghị quyết của các kỳ Đại hội để nhận thức rõ sự kế thừa, bổ sung, phát triển, giúp học viên nắm vững mục tiêu, nhiệm vụ và các chỉ tiêu phát triển của địa phương trong thời gian tới.
Về phương pháp vận dụng các Nghị quyết vào bài giảng, mỗi giảng viên cần nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy. Bên cạnh các phương pháp truyền thống, cần vận dụng các phương pháp hiện đại vào giảng dạy. Trong đó, cần quan tâm đến phương pháp so sánh các quan điểm, luận điểm của các Nghị quyết sau so với các Nghị quyết trước đó, bảo đảm tính chính xác, khoa học, có hệ thống. Cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin góp phần tăng tính trực quan trong bài giảng, đảm bảo chuyển tải nội dung đến người học đạt được hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, cần liên hệ thực tiễn để giải quyết những vấn đề đang đặt ra tại địa phương. Thông qua liên hệ để phân tích, làm rõ nội dung các phạm trù, quy luật, các nguyên lý lý luận, sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể phát triển của đất nước, khu vực và địa phương trong giai đoạn hiện nay.
Như vậy, trong quá trình giảng dạy, mỗi giảng viên cần tích cực nghiên cứu, học tập, chiếm lĩnh vấn đề cốt lõi trong nội dung của từng Nghị quyết, linh hoạt lồng ghép vào bài giảng, sao cho mỗi vấn đề lý luận đều được minh họa bằng thực tiễn sinh động, mỗi nội dung truyền đạt phải trở nên gần gũi, dễ hiểu, dễ tiếp thu. Có như thế, công tác tuyên truyền, giáo dục LLCT mới đạt hiệu quả và Nghị quyết của Đảng mới thực sự đi vào cuộc sống.
Năm là, Trung tâm chính trị cấp huyện chủ động tham mưu với Thường trực trong việc tổ chức cho giảng viên tham quan thực tế, nghiên cứu tại cơ sở, học tập giữa các Trung tâm chính trị trong tỉnh, ngoài tỉnh. Việc nghiên cứu tại cơ sở, tham quan thực tế nhằm bổ sung kiến thức lý luận; cập nhật kiến thức thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, tổng kết thực tiễn. Cấp uỷ các cấp tạo điều kiện, khuyến khích giảng viên đăng ký các đề tài khoa học; xây dựng các chương trình, đề án, tham gia xây dựng văn kiện Đại hội Đảng cấp huyện, thành phố; tạo điều kiện hơn nữa cho đội ngũ giảng viên tham gia, nghiên cứu, học tập tại các hội nghị quan trọng của đại phương để cập nhật các chủ chương mới vào hoạt động giảng dạy, học tập LLCT.
Đổi mới nội dung, cập nhật chủ trương mới trong hoạt động giảng dạy, học tập LLCT tại trung tâm chính trị cấp huyện là yêu cầu cấp thiết, giúp người học lĩnh hội, nắm vững và chuyển hóa hệ thống tri thức lý luận, phát triển tư duy sáng tạo, khắc phục bệnh giáo điều, lý thuyết suông. Đồng thời, giúp học viên có khả năng liên hệ, vận dụng và biết cách giải quyết có hiệu quả các vấn đề thực tiễn đặt ra theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng. Để tiếp tục đổi mới nội dung, cập nhật chủ trương mới trong hoạt động giảng dạy, học tập LLCT hiện nay, Ban Tuyên giáo các cấp cần phát huy vai trò tham mưu công tác giáo dục LLCT hằng năm, sự quyết tâm cao của hệ thống trung tâm chính trị cấp huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan.
B.T
Bình luận