

Đến dự buổi lễ có Trung tướng Hoàng Xuân Chiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Phan Tâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cùng đại diện các sở, ban, ngành, đối tác và ban lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông (CN-VT) Quân đội (Tổng Công ty Viễn thông Viettel) qua các thời kỳ.
Chính thức gia nhập thị trường viễn thông vào ngày 15/10/2000 chỉ với 2,3 tỷ đồng vốn và hơn 100 cán bộ, công nhân viên, Viettel chọn dịch vụ điện thoại đường dài liên tỉnh, quốc tế VoIP 178 để khởi nghiệp. Đánh trúng nhu cầu thị trường thông qua chất lượng và giá cước phù hợp, dịch vụ VoIP 178 thành công bất ngờ và giúp Viettel hoàn vốn đầu tư chỉ trong một thời gian ngắn. 4 năm sau đó, Viettel gia nhập thị trường thông tin di động với tên thương hiệu Viettel Mobile và đầu số 098. Với cách làm quyết liệt và tinh thần “Thần tốc hơn nữa” - “Tràn ngập lãnh thổ” – “Lấy nông thôn bao vây thành thị”, Viettel đã có 100.000 thuê bao di động chỉ sau đúng 2 tháng chính thức kinh doanh. Năm 2008, Viettel vươn lên trở thành doanh nghiệp dẫn đầu về thị phần viễn thông di động, cán mốc 20 triệu thuê bao, đánh dấu thời điểm mạng viễn thông “Made by Viettel” phủ khắp đất nước, từ đất liền tới hải đảo.
Suốt 20 năm qua, Viettel gắn liền với tên tuổi nhà mạng tạo ra sự bùng nổ về viễn thông, công nghệ thông tin, góp phần đưa mật độ thâm nhập di động trên dân số, từ dưới 5% vào năm 2004 lên tới hơn 100% vào năm 2009. Viettel đã bình dân hóa dịch vụ di động, giúp mọi người dân đều có thể dùng điện thoại di động để liên lạc, học tập nâng cao tri thức, giải trí… Với các gói cước data dễ tiếp cận, mức giá hợp lý, mọi khách hàng sử dụng Smartphone đều có thể sử dụng để truy nhập Internet tốc độ cao, mọi lúc, mọi nơi. Viettel đang tiến tới mục tiêu mỗi hộ dân có 1 đường internet cáp quang băng rộng và giữ mức tăng trưởng dịch vụ internet cố định băng rộng ở mức 15-20%/năm.
Đến nay, Viettel đã đạt gần 900 nghìn tỷ đồng doanh thu lũy kế, Viettel Telecom là đơn vị chủ lực góp phần đưa Tập đoàn trở thành doanh nghiệp viễn thông và công nghệ thông tin số 1 Việt Nam, là đơn vị đóng thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, có giá trị thương hiệu số 1 Việt Nam. Viettel cũng là một trong 15 doanh nghiệp viễn thông phát triển nhanh nhất thế giới, xếp thứ 28 trên top 150 nhà mạng có giá trị nhất thế giới, với giá trị thương hiệu đạt 5,8 tỷ USD, đứng số 1 tại Đông Nam Á và thứ 9 tại Châu Á, góp phần khẳng định vị thế, vai trò doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo của đất nước, Viettel còn tổ chức nhiều chương trình hướng đến cộng đồng mang ý nghĩa sâu sắc như: “Trái tim cho em”, Internet trường học, chương trình hỗ trợ huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, Bò giống giúp người nghèo biên giới, Vì em hiếu học…
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Trung tướng Hoàng Xuân Chiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Viettel Telecom.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Trung tướng Hoàng Xuân Chiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Cao Anh Sơn - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viễn thông Viettel ghi nhận những đóng góp của Tổng Công ty Viễn thông Viettel vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời khẳng định đây là doanh nghiệp viễn thông duy nhất phủ sóng thành công ở khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo, góp phần nối liền biên cương, hải đảo của Tổ quốc.
Các đồng chí yêu cầu: Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu trở thành doanh nghiệp chủ đạo kiến tạo xã hội số tại Việt Nam, đạt doanh thu dịch vụ 100 nghìn tỷ đồng vào năm 2025. Viettel Telecom cần duy trì vị trí số 1 về thị phần di động và cố định băng rộng tại Việt Nam. Đến 2025, kết nối Internet băng rộng và siêu băng rộng phủ đến 100% hộ gia đình; chuyển dịch Viettel Telecom thành doanh nghiệp viễn thông số, có dịch vụ khách hàng và trải nghiệm khách hàng số 1 tại Việt Nam; tiên phong về công nghệ 5G, IoT và các hạ tầng đáp ứng cơ hội phát triển trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Hoàn thiện hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ số, đưa tỷ trọng doanh thu dịch vụ số tương đương với các nhà mạng trong khu vực và trên thế giới. Số hóa hoạt động bán hàng, lấy khách hàng làm trung tâm. Đào tạo đội ngũ chuyên gia, cán bộ quản lý có chứng chỉ quốc tế về kinh doanh, quản lý, kỹ thuật và công nghệ thông tin. Đồng thời xây dựng Tổng Công ty vững mạnh toàn diện; tổ chức tốt nhiệm vụ phát triển sản xuất kinh doanh trong thời bình và thực hiện nhiệm vụ quân sự quốc phòng, đảm bảo thông tin liên lạc khi có yêu cầu…
Tin đọc nhiều

Than Uyên: Hội nghị báo cáo viên tháng 4
Bộ Công an bàn giao kinh phí xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Lai Châu

Làm tốt công tác kết nạp đảng viên mới

Gửi Tony Việt Dũng: Tỉnh lại đi

Tam Đường: “Lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”

Người gây dựng phong trào nơi vùng khó

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải kiểm tra xóa nhà tạm, nhà dột nát tại huyện Mường Tè

HĐND huyện Phong Thổ khóa XXI, nhiệm kỳ 2021 – 2026: Kỳ họp thứ hai mươi sáu (kỳ họp chuyên đề)









