

Trao đổi với chúng tôi, bà Vương Đào Tiên - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phong Thổ cho biết: Thuận lợi nhất là ngành luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trong nâng cao chất lượng giáo dục, duy trì và giữ vững kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, xây dựng trường chuẩn Quốc gia. Qua đó, tạo điều kiện để các nhà trường khắc phục khó khăn, quyết tâm đạt và vượt kế hoạch giao.
Giờ tập viết của học sinh lớp 1, điểm trường bản Huổi Én (Trường Tiểu học xã Mường So, huyện Phong Thổ).
Ngay từ đầu các năm học, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tham mưu với các cấp, ngành đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phòng lớp học, tu sửa phòng học đảm bảo các trường có đủ số phòng học bước vào năm học mới; trang cấp vở viết cho học sinh dân tộc được hưởng theo các chế độ. Phối hợp với Ban Tuyên giáo Huyện ủy mở lớp bồi dưỡng chính trị hè cho đội ngũ. Tổ chức bồi dưỡng chuyên môn hè cho các cấp học với 100% giáo viên tham gia. Thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường nhằm tăng cường công tác trao đổi, học hỏi chuyên môn, quản lý và thống nhất công tác chỉ đạo chuyên môn chung trong toàn huyện. Chỉ đạo các trường tăng cường công tác dự giờ.
Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, các nhà trường thực hiện đổi mới phương pháp dạy học phân hóa theo đối tượng vùng miền, theo năng lực học sinh và bám chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình; tập trung giảng dạy cho học sinh còn yếu, thiếu mặt nào phụ đạo, bồi dưỡng ở mặt đó. Kịp thời tìm hiểu nguyên nhân học sinh bỏ học và có giải pháp khắc phục. Công tác nghiệm thu đầu vào các lớp học cũng như đánh giá kết quả học tập của học sinh và chuyên môn giáo viên tiến hành nghiêm túc, dân chủ, công khai.
Các nhà trường cũng tự xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, tự bồi dưỡng hằng năm, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên trong việc tự học, tự sáng tạo. Ban Giám hiệu các trường thực hiện theo dõi, giúp đỡ giáo viên trung bình, yếu ở các bộ môn, nhóm, lớp phù hợp thực tế và xây dựng khung nội dung ôn tập khả thi.
Nâng cao chất lượng giảng dạy, một trong những nhiệm vụ quan trọng được Phòng đặc biệt quan tâm đó là công tác kiểm định chất lượng giáo dục, kiểm tra, đánh giá. Đã chỉ đạo các trường tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng học sinh cuối kỳ nghiêm túc, có hiệu quả; tổ chức kiểm tra, chấm chung đối với 3 môn: toán, ngữ văn và tiếng Anh khối lớp 9; toán, tiếng Việt khối 5 trong toàn huyện.
Chất lượng giáo dục đại trà nâng lên, các vùng đặc biệt khó khăn có nhiều chuyển biến, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cuối năm học 2017 - 2018, 100% số trẻ mầm non được nghiệm thu với 6.753 em; 99,8% học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học, 99,4% chuyển khối 1 đến 4; 95% học sinh THCS xếp loại học lực từ trung bình trở lên (vượt 1,9% so với cam kết). Giáo dục mũi nhọn có 120 học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp huyện; tham gia chọn học sinh giỏi cấp tỉnh có 33 giải. Năm học 2018 - 2019, toàn huyện có 58 trường với 916 lớp, tổng số 22.428 học sinh. Cả 3 cấp học đều huy động số học sinh ra lớp vượt chỉ tiêu kế hoạch giao với mầm non 6.550/6.209 em; tiểu học 9.621/9.586 em; THCS 6.257/6.206 em. Chất lượng giáo dục đều đạt và vượt chỉ tiêu cam kết.
Năm học 2018 - 2019, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học xã Lản Nhì Thàng có 22 lớp/445 học sinh tại 6 điểm bản và 1 điểm trường trung tâm. Theo thầy giáo Lò Văn Vương - Hiệu trưởng nhà trường, thời điểm đầu năm học mới và sau tết nguyên đán, cán bộ, giáo viên nhà trường tăng cường phối hợp với xã, trưởng các bản vận động học sinh ra lớp. Huy động nguồn lực xã hội hóa đảm bảo sách giáo khoa, ổn định sinh hoạt cho học sinh bán trú; gia cố, sửa chữa lại phòng, lớp học, xây dựng cảnh quan nhà trường. Đảm bảo các em mỗi ngày đến trường là một ngày vui, thầy, cô giáo đều chủ động thay đổi phương pháp dạy học, đa dạng hoạt động ngoại khóa; phân chia đối tượng học sinh để tổ chức phụ đạo ngoài giờ. Do đó, tỷ lệ học sinh chuyên cần của nhà trường luôn đạt cao và chất lượng giáo dục nâng cao qua từng năm học.
Đối với công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ, Phòng tham nưu Ban Chỉ đạo phổ cập huyện ban hành các văn bản chỉ đạo Ban Chỉ đạo phổ cập cấp cơ sở tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đảm bảo duy trì vững chắc chuẩn Quốc gia về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, xóa mù chữ, giáo dục THCS ở 18 xã, thị trấn. Ngày 12/2/2019, trong Quyết định công nhận các huyện, thành phố tỉnh Lai Châu đạt chuẩn Quốc gia về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ năm 2018 của UBND tỉnh, huyện Phong Thổ được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi; đạt mức độ 2 phổ cập giáo dục tiểu học; mức độ 1 phổ cập giáo dục THCS và mức độ 1 xóa mù chữ. Cũng trong năm 2018, đã có 1 trường mầm non được công nhận lại và công nhận mới 2 trường THCS đạt chuẩn Quốc gia, nâng số trường đạt chuẩn của huyện lên 12.
Phát huy những kết quả đạt được, sự nghiệp giáo dục nơi vùng đất gió Phong Thổ chắc chắn sẽ bứt phá để tiếp tục gặt hái những “mùa quả ngọt”.

Chuyển đổi số trong các trường mầm non
Ngày thi thứ hai Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 diễn ra an toàn, nghiêm túc

Miễn, hỗ trợ học phí với trẻ mầm non, học sinh phổ thông từ năm học 2025-2026

Lai Châu sẵn sàng tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025

100% học viên đạt loại khá, giỏi
Tổng kết hai đề án: “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số” và “Phát triển giáo dục mầm non”

Công bố dự kiến điểm chuẩn tuyển sinh (đợt 1) vào lớp 10 năm học 2025 – 2026

Sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp





