

Thăm lớp học theo Mô hình tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, từ xa chúng tôi đã nghe thấy tiếng học sinh đọc bài. Đó là giờ học tiếng Việt của 15 trẻ khuyết tật (khiếm thính, khiếm thị, thiểu năng trí tuệ, tự kỉ, câm điếc) do cô giáo Nguyễn Thị Kim Nhẫn đứng lớp. Chứng kiến giờ học của cô - trò, chúng tôi hiểu thêm phần nào nỗi vất vả của cô giáo khi đảm nhiệm một lớp khá đặc biệt như vậy. Vì lớp có nhiều học sinh với những khuyết tật khác nhau nên cô Nhẫn phải tìm ra phương pháp dạy phù hợp để các em có thể nhận thức nhanh nhất những kiến thức được truyền đạt. Ngoài lời nói, cô còn kết hợp sử dụng ngôn ngữ ký hiệu.
Giờ học của cô và trò tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.
Được biết, cô giáo Nguyễn Thị Kim Nhẫn đã có 8 năm đảm nhiệm việc dạy học cho trẻ khuyết tật. Sau nhiều năm gắn bó với Trường Tiểu học Ma Ly Pho (huyện Phong Thổ), năm 2010 cô xin chuyển về Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Xác định công việc rất khó khăn, cô Nhẫn kiên trì dạy trẻ từng chữ cái, phép tính. Những ca trực quản sinh vất vả từ sáng đến tối, những lúc học trò đòi bỏ trốn, không chịu học bài không làm cô nản lòng. Bởi cô yêu nghề giáo, thương cô cậu học trò nhỏ có số phận kém may mắn, mong muốn các em sau này có thể tự lập, không trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Được biết, năm 2010, Tổ chức Duniya (Hà Lan) phối hợp với Sở Lao Động, Thương binh và Xã hội triển khai Mô hình. Thời gian đầu triển khai, Trung tâm gặp rất nhiều khó khăn bởi nhiều em đến lớp nhưng không tự chủ được vệ sinh cá nhân, gào thét hoặc đập phá đồ đạc, thậm chí có ý định bỏ học. Bởi vậy, việc giáo dục các em không chỉ dừng lại ở những giờ học trên lớp mà ngay cả trong cuộc sống (vệ sinh cá nhân, vệ sinh phòng ngủ đến tham gia hoạt động văn nghệ, thể thao...).
Mô hình được triển khai với phương pháp lấy trẻ làm trung tâm, tích học các môn học vừa học vừa chơi, chú trọng giáo dục thể chất cho trẻ khuyết tật qua đó lồng ghép các kiến thức văn hóa. Nhờ vậy, đến nay có 105 lượt trẻ khuyết tật được chăm sóc, phục hồi. Những em khiếm thính, khiếm thị, thiểu năng trí tuệ biết đọc, biết viết, nhận biết được mặt chữ, số, màu, giao tiếp. Sau thời gian phục hồi chức năng tại Trung tâm và cộng đồng, nhiều em tự đứng được, biết cầm đồ vật, tự làm vệ sinh cá nhân. Trung tâm còn tư vấn kiến thức, phương pháp tập luyện cho 46 phụ huynh trẻ khuyết tật.
Từ hiệu quả thiết thực đó, năm 2017, tỉnh quyết định tiếp tục duy trì Mô hình vì trên địa bàn vẫn còn hơn 300 trẻ khuyết tật các loại như: mù, câm điếc, thiểu năng trí tuệ chưa được đến trường. Vì vậy, hàng năm, các huyện tiếp tục rà soát trẻ em khuyết tật các loại để lựa chọn đưa về Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh giáo dục và phục hồi chức năng giúp trẻ hòa nhập cộng đồng. Hiện nay, Trung tâm đang chăm sóc, nuôi dưỡng 120 đối tượng trẻ em, trong đó có 40 trẻ khiếm thính, khiếm thị, thiểu năng trí tuệ, tự kỷ, câm điếc... với độ tuổi từ 5-16 tuổi chia thành 3 lớp. Đa số ban đầu các em gặp khó khăn trong giao tiếp, nhút nhát, không biết tiếng phổ thông. Giáo viên phải linh hoạt trong phương pháp giảng dạy. Với phương pháp vừa học vừa chơi, các cô đã giúp trẻ khuyết tật rèn luyện được kỹ năng sống, biết đọc, biết viết.
Thông qua Mô hình, trẻ khuyết tật có tiến bộ trong giao tiếp, ứng xử và các kỹ năng xã hội khác so với thời điểm bắt đầu vào Trung tâm. Trong các năm học, 100% trẻ có sự tiến bộ về thể chất, 85% trở lên trẻ đạt yêu cầu về học tập và kỹ năng sống, có khả năng hòa nhập cộng đồng. Góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật, Trung tâm Bảo trợ xã hội mong muốn tiếp tục được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác; đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu cho giáo viên về từng dạng tật.
Tin đọc nhiều
Nậm Nhùn đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục
Điểm sáng giáo dục ở vùng khó
Tuyên dương khen thưởng giáo viên và học sinh đạt giải 4 cuộc thi

Hiệu quả từ dạy học tích hợp, vận dụng kiến thức liên môn
Lan tỏa tình yêu văn hóa đọc
“Công nghệ mở lối - Giáo dục bứt phá”

Nâng cao chất lượng giáo dục ở Trường Mầm non Sà Dề Phìn

Kế hoạch triển khai Phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn tỉnh Lai Châu







