

Mở nhà hàng kinh doanh ăn uống năm 2019, anh Lù Văn Phong - chủ nhà hàng Lù Phong - thị trấn Tân Uyên (huyện Tân Uyên) chia sẻ: Khi mà đời sống người dân ngày càng được nâng cao, nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn, rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng trở thành mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội. Do đó, chúng tôi rất tích cực tham gia các buổi tập huấn về vệ sinh ATTP do các ngành chức năng mời. Nắm bắt và thực hiện đầy đủ các nội dung được tuyên truyền, hướng dẫn, mỗi ngày, tôi đều lựa chọn nguyên liệu tươi sạch từ các nhà cung cấp uy tín, có giấy tờ rõ ràng. Khâu sơ chế và chế biến luôn tuân thủ quy định: bếp núc sạch sẽ, có khu riêng cho đồ sống và đồ chín. Thực hiện nghiêm ngặt quy trình bếp ăn một chiều, đảm bảo vệ sinh ATTP cho bếp ăn của nhà hàng.
Chị Phạm Thị Mùi - nhân viên nhà bếp Trường Mầm non Thị trấn Sìn Hồ lưu mẫu thức ăn, ghi chép nguồn gốc thực phẩm hằng ngày.
Việc đảm bảo ATTP trong bếp ăn trường học cũng được quan tâm, chú trọng. Trường Mầm non Thị trấn Sìn Hồ, huyện Sìn Hồ. Nhà trường hiện đang chăm sóc 399 trẻ, 100% đều ăn bán trú tại trường. Mỗi bữa ăn của trẻ đều được thực hiện theo quy trình hợp vệ sinh từ việc lựa chọn nơi cung cấp thực phẩm sạch cho đến thực hiện sơ chế, chế biến. Cô Phạm Thị Kim Nhung - Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Đối với lứa tuổi học sinh, đặc biệt là các em bán trú, việc đảm bảo ATTP trong từng bữa ăn là vô cùng quan trọng. Đó không chỉ là yếu tố quyết định đến sức khỏe, sự phát triển thể chất mà còn thể hiện trách nhiệm của nhà trường với phụ huynh. Do đó, chúng tôi luôn coi đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Nhà trường ký hợp đồng thực phẩm với các đơn vị cung ứng uy tín, có đầy đủ giấy chứng nhận vệ sinh ATTP. Bếp ăn được kiểm tra định kỳ, có sổ ghi chép nguồn gốc thực phẩm hằng ngày. Ngoài ra, chúng tôi cũng phối hợp với phụ huynh giám sát thực đơn và chất lượng bữa ăn… Nhờ vậy, từ khi thành lập bếp ăn bán trú đến nay, nhà trường chưa để xảy ra sự cố công tác đảm bảo vệ sinh ATTP nào.
Việc đảm bảo vệ sinh ATTP từ khâu chọn nguyên liệu đến chế biến món ăn được Trường đặc biệt chú trọng.
Những năm qua, công tác bảo đảm vệ sinh ATTP được tỉnh triển khai kịp thời, thường xuyên, đồng bộ, có hiệu quả, tăng cường vào các đợt cao điểm như: Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, "Tháng hành động vì ATTP", mùa Lễ hội... Qua đó, nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm vệ sinh ATTTP. Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP các cấp cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc chấp hành pháp luật về ATTP của các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống. Kiểm soát chặt chẽ việc kinh doanh buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm, thủy sản, các mặt hàng thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch lưu thông trên thị trường.
Đặc biệt là các hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả; chất hỗ trợ chế biến, phụ gia thực phẩm; hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất mặt hàng thực phẩm qua đường mòn lối mở, điểm thông quan, chống buôn lậu qua biên giới và nhiều lĩnh vực liên quan khác… Qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP theo quy định của pháp luật. Các vi phạm chủ yếu được phát hiện qua công tác thanh, kiểm tra là: kinh doanh thực phẩm, hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ; kinh doanh hàng lậu, vi phạm trong lĩnh vực giá, hàng quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa hoặc bao bì sản phẩm… Năm 2024, tổng số cơ sở được kiểm tra, giám sát trên địa bàn toàn tỉnh là 3.894. Trong đo, số cơ sở đạt tiêu chuẩn vệ sinh ATTP 3.722. 172 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính 45 cơ sở, với số tiền trên 82 triệu đồng. Số cơ sở vi phạm không xử lý (nhắc nhở) 127 cơ sở, số cơ sở bị huỷ sản phẩm 97 cơ sở với trên 30 loại sản phẩm thực phẩm bị tiêu hủy; ước số tiền sản phẩm thực phẩm bị tiêu hủy trên 64 triệu đồng.
Nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm của cộng đồng trong việc sử dụng và kinh doanh thực phẩm an toàn, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP các cấp đã tổ chức nhiều hoạt động giáo dục về ATTP cho người dân và các cơ sở kinh doanh thông qua các buổi nói chuyện, tập huấn kiến thức về vệ sinh ATTP. Phối hợp với các cơ quan truyền thông đăng tải tin, bài về vệ sinh ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thực hiện tuyên truyền từ tỉnh đến xã bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú phù hợp với từng đối tượng, giúp cho người nghe tiếp cận một cách dễ hiểu nhằm nâng cao nhận thức trong việc sản xuất, kinh doanh, lựa chọn thực phẩm an toàn để sử dụng nhằm góp phần giảm thiểu ngộ độc thực phẩm.
Bên cạnh đó, kịp thời phổ biến các quy định về thực hiện các quy tắc xuất xứ hàng hóa; thông tin về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc; cảnh báo, ngăn ngừa tình trạng phương tiện Việt Nam bị lưu giữ tại Trung Quốc; đặc sản thị trường Halal; thị trường các nước Trung Quốc, EU, Pakistan. Cung cấp danh sách cảnh báo các sản phẩm có nguy cơ bị điều tra áp dụng phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp... đến các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh nắm được để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp.
Ngoài ra, phối hợp với Ủy Ban Cạnh tranh quốc gia, Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương tổ chức hội nghị, hội thảo tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; các biện pháp phòng vệ thương mại cho 60 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, thành phố, doanh nghiệp và hợp tác xã trên địa bàn tỉnh… Nhờ những nỗ lực trên, số vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể. Năm 2024, toàn tỉnh chỉ ghi nhận một vụ nghi ngộ độc thực phẩm, giảm hai vụ so với năm 2023.
Với đặc thù địa hình miền núi, dân cư phân bố không đồng đều và trình độ nhận thức còn chênh lệch giữa các vùng, công tác đảm bảo ATTP luôn là một nhiệm vụ vừa cấp thiết, vừa lâu dài. Mặc dù, các cấp, các ngành trong tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường quản lý, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong lĩnh vực này. Song vẫn còn không ít khó khăn, thách thức đặt ra, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt hơn nữa từ các cơ quan chức năng và ý thức tự giác của người dân. Trong thời gian tới, Lai Châu sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng về ATTP. Từng bước xây dựng môi trường thực phẩm an toàn, lành mạnh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy phát triển bền vững.
Tin đọc nhiều

Đánh thuế bia, rượu, thuốc lá: Thay đổi hành vi tiêu dùng

Lai Châu: Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong bếp ăn trường học

Đại hội Hội Luật gia thành phố Lai Châu lần thứ III, nhiệm kỳ 2024 – 2029

Triển khai nhiệm vụ công tác bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2024

Lập 5 đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm liên ngành Trung ương năm 2024

Nỗ lực đưa sản phẩm OCOP vào siêu thị

Kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm

Chấn chỉnh quảng cáo thực phẩm chức năng: Bảo vệ sức khỏe người dân và quyền lợi DN








