

Những năm qua, Trường THCS Đoàn Kết, thành phố Lai Châu luôn quan tâm phát động phong trào sáng tạo đồ dùng, thiết bị dạy học trong giáo viên, học sinh nhằm tìm ra phương pháp truyền đạt hiệu quả, giúp học sinh chủ động trong việc tiếp thu kiến thức mới và hứng thú say mê học tập. Cũng nhờ việc sử dụng thiết bị hỗ trợ trong dạy và học giúp giáo viên hệ thống được nội dung bài dạy một cách trực quan, khoa học và lôgic mà không bị bỏ sót ý; còn với học sinh phát huy tối đa tính sáng tạo, tính tổng hợp - khái quát, lôi cuốn được các em tham gia vào bài giảng một cách tích cực, tự giác… qua đó tự chiếm lĩnh kiến thức mới một cách nhẹ nhàng, tự nhiên.
Cô giáo Nguyễn Quỳnh Thim cùng 2 em Đinh Đức Tiến - lớp 9A1, Phạm Quỳnh Sơn - lớp 9A3 thực hiện dự án “cải tiến mô hình quả địa cầu”.
Cô Nguyễn Quỳnh Thim – giáo viên Trường THCS Đoàn Kết chia sẻ, gần 20 năm trực tiếp đứng lớp, tôi luôn trăn trở và đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng dạy học. Một trong những phương pháp hiệu quả là sử dụng các hình ảnh, thiết bị trợ giảng để minh họa liên quan đến đề tài, tiết học, kích thích tư duy của học sinh. Từ một bức tranh, quả địa cầu hay các thiết bị hỗ trợ giảng dạy khác, cộng với sự gợi mở của giáo viên, học sinh có thể mở rộng liên tưởng đến chủ đề bài học. Với phương pháp này những năm qua, chất lượng các tiết học môn Vật lý, Địa lý đã được cải thiện, nâng cao đáng kể, đem lại sự hào hứng cho mỗi học sinh. Chính vì vậy, tôi luôn đồng hành, hỗ trợ, gợi mở các đề tài, sáng kiến để học sinh trong trường thực hiện. Mới đấy nhất, tôi đã trực tiếp hướng dẫn 2 em học sinh Đinh Đức Tiến - lớp 9A1, Phạm Quỳnh Sơn - lớp 9A3 thực hiện dự án “cải tiến mô hình quả địa cầu”, từ đó sáng tạo ra những thiết bị, đồ dùng dạy học có tính ứng dụng cao.
Chúng tôi gặp 2 em Tiến và Sơn khi các em đang say sưa với việc chuẩn bị mô hình quả địa cầu trước giờ học môn địa lý… Trong câu chuyện với Tiến, em kể cho chúng tôi nghe, khi còn nhỏ các em được cùng bố mẹ đến Bưu điện để giao dịch, đi du lịch đến các nhà ga, sân bay, các em thường thấy ở đó treo nhiều đồng hồ, mỗi đồng hồ được chỉ giờ ở các quốc gia khác nhau, như: Hà Nội, London, Pari, Tokyo, New York...và em không hiểu tại sao lại có sự khác nhau như vậy. Lên lớp 6 chúng em được học bài "Sự vận động tự quay quanh trục của trái đất và hệ quả" môn Địa lý, các thầy cô đã hướng dẫn chúng em rất tỉ mỉ cách xác định giờ dựa vào các múi giờ trên Lược đồ, vận dụng các phép toán để tính giờ cho từng khu vực. Nhưng thực sự, em cảm thấy rất khó tưởng tượng cách phân định các múi giờ và giờ ở các khu vực khác nhau. Do đó, ý tưởng “cải tiến mô hình quả địa cầu” với việc thiết kế thêm hệ thống múi giờ và giờ trên các quả địa cầu đã dần hình thành trong suy nghĩ của chúng em, giúp các thầy cô khi giảng dạy sẽ khắc sâu được được kiến thức, đồng thời giúp em và các bạn học dễ tưởng tượng hơn.
Cùng với đó, trên cơ sở học bài "Sự chuyển động của trái đất quanh mặt trời, xác định các mùa trong năm, hiện tượng ngày đêm...” các thầy cô đã sử dụng các mô hình của Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp, về cơ bản đã đảm bảo nhưng mô hình đó chỉ chuyển động theo Quỹ đạo hình tròn và thầy cô đã sử dụng các clip giới thiệu, trình chiếu sự chuyển động của trái đất quanh mặt trời, qua đó, giúp chúng em hiểu thêm khi trái đất vận động quay quanh mặt trời theo một quỹ đạo từ Tây sang Đông theo hình elip. Song với cách học đó chúng em vẫn cảm thấy rất khó tưởng tượng, những bạn ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, những nơi không có công nghệ thông tin hỗ trợ thì sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều khi phải tiếp cận và học kiến thức trừu tượng như vậy. Từ những băn khoăn, trăn trở đó, chúng em quyết tâm thực hiện ý tưởng “cải tiến mô hình quả địa cầu”.
Với sự hướng dẫn nhiệt tình của cô giáo Nguyễn Quỳnh Thim, 2 em Tiến, Sơn đã cải tiến thêm bộ múi giờ, giờ, trái đất tự chuyển động quanh mặt trời theo đường elip. Ngoài ra, còn thiết kế thêm trái đất tự quay quanh trục và mặt trăng tự quay quanh trái đất nhờ hệ thống các mô tơ với nguồn điện một chiều là pin để giúp thầy cô có thể dùng khi dạy các bạn học sinh xác định các giờ ở các Quốc gia khác nhau; sau đó áp dụng công thức để tính hoặc ngược lại và học sinh được quan sát sự chuyển động của trái đất để thấy rõ hiện tượng ngày và đêm, hiện tượng các mùa trong năm.
Nhận xét về hiệu quả của của Dự án, đồng chí Hoàng Đức Minh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Trưởng Ban Giám khảo Cuộc thi khẳng định, việc cải tiến thêm hệ thống múi giờ và giờ lên quả địa cầu sẽ giúp thầy cô thuận lợi trong quá trình dạy học về chủ đề xác định múi giờ và giờ của các Quốc gia. Giúp học sinh dễ nhận biết giờ hiện tại và giờ chuyển động, từ đó thực hiện các bài tập tính toán một cách thuận lợi nhất. Sự vận động được thiết kế bằng bằng hệ thống mô tơ và sử dụng nguồn điện một chiều là Pin 1,5V nên có thể sử dụng ở nhiều vùng. Những vùng không có điện, không có mạng internet hỗ trợ thì mô hình này sẽ giúp học sinh các trường khai thác được nhiều kiến thức liên quan đến một số hành tinh trong hệ mặt trời.
Với niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo khoa học, cô và trò Trường THCS Đoàn Kết đã thực hiện thành công dự án “cải tiến mô hình quả địa cầu” được tận dụng từ một số vật liệu bỏ đi, trông rất đơn giản nhưng tạo ra sản phẩm bền, đẹp, dễ tháo lắp, vận chuyển... Mô hình không chỉ phù hợp với tất cả các đối tượng học sinh, đặc biệt là học sinh vùng khó mà còn có thể nhân rộng tới các trường học hay ở những nơi có nhiều người quan tâm đến múi giờ như: nhà ga, sân bay, bưu điện, các địa điểm du lịch... để giúp mọi người có thể tra cứu mà không phải vận dụng công thức để tính giờ, từ đó có thể sắp xếp công việc cho hợp lý.
Với cấu tạo khá đơn giản, mô hình quả địa cầu gồm 3 phần: Quả địa cầu, trục giá đỡ, giá đỡ. Nhóm nghiên cứu đã cải tiến thêm, hệ thống múi giờ từ chất liệu là giấy bóng kính có kích thước 55x1 (cm) có dán số từ 0 - 23 bằng đề can đỏ và được dán cố định vào đường Xích đạo, do vậy khi trái đất chuyển động múi giờ chuyển động theo. Hệ thống giờ làm bằng chất liệu meka trong, dẻo, dễ uốn tròn có kích thước 60x1 (cm) có dán số từ 1 - 24 bằng đề can màu xanh và được dán cố định vào trục giá đỡ, khi trái đất chuyển động hệ thống giờ giữ nguyên. Khi vận hành quay trái đất quanh trục theo hướng từ Tây sang Đông để xác định giờ và các múi giờ. Sự vận động của trái đất quanh mặt trời theo một quỹ đạo hình elip, nhóm nghiên cứu đã tận dụng vành xe đạp uốn hình elip tượng trưng cho quỹ đạo, mô tơ điện loại 12V, túp năng quạt, sắt vụn... để tạo bộ máy giúp trái đất chuyển động trên quỹ đạo theo hướng từ Tây sang Đông. Trái đất tự quay quanh trục theo hướng từ Tây sang Đông bằng mô tơ loại 6V và sử dụng nguồn điện pin 6V và 1 công tắc điện. Mặt trăng quay quanh trái đất bằng loại mô tơ 6V và sử dụng nguồn điện pin 1,5V để tốc độ quay chậm hơn mô tơ của trái đất và 1 công tắc điện. Sáng chế mặt trời bằng đèn tích điện loại 8W, chụp bóng đèn bằng quả bóng nhựa đỏ và 1 công tắc điện. Sáng chế thêm mô hình quả địa cầu có thêm hệ thống vòng chỉ múi giờ và vòng chỉ giờ, hệ thống chuyển động bằng mô tơ theo hướng từ Tây sang Đông để ở bàn học, bàn làm việc... rất thuận tiện và dễ sử dụng.
Tin đọc nhiều

Sức hút và “quả ngọt’ từ nghiên cứu khoa học kỹ thuật

Tin cảnh báo giông tố, lốc, sét, mưa đá và mưa lớn cục bộ trên phạm vi tỉnh Lai Châu
Theo dõi chặt chẽ, tăng cường phòng, chống bệnh Sởi

Tin tức của Báo Nhân Dân chính thức xuất hiện trên ứng dụng VNeID

Chuyển đổi số để nâng cao chất lượng giáo dục

Người trẻ với lịch sử

Giỗ Tổ Hùng Vương trong kỷ nguyên mới của đất nước

Triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025









