

Tòa nhà Bảo hiểm Xã hội tỉnh có nhiều cửa sổ tận dụng được năng lượng mặt trời, góp phần tiết kiệm năng lượng.
Trong bối cảnh cả thế giới đang đau đầu với các biện pháp đối phó và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) thì thuật ngữ “công trình xanh” như một giải pháp táo bạo và đầy thuyết phục đặc biệt đối với lĩnh vực xây dựng. Một công trình vừa giảm phát thải khí nhà kính, vừa có đủ khả năng thích ứng với những hiện tượng thời tiết “đóng đảnh”, bất thường chính là một giải pháp mà nhiều người mong chờ để đối phó và thích ứng với BĐKH.
Một công trình xanh phải là công trình góp phần làm hạn chế phát thải khí nhà kính trực tiếp hoặc gián tiếp vào không khí. Đó phải là những công trình tiêu tốn ít năng lượng, tiết kiệm vật liệu xây dựng, thân thiện với thiên nhiên và đảm bảo tính khả dụng để phục vụ tốt cuộc sống con người.
Để giảm phát thải trực tiếp khí nhà kính thì các công trình phải ít sử dụng các thiết bị tạo ra khí nhà kính (gồm khí Cácbônic - CO2, khí Mêtan - CH4 và các khí khác không phải khí Ôxi). Theo đó các công trình này sẽ ít hoặc không sử dụng nguyên liệu hoá thạch (xăng, than đá, dầu thô, khí ga…) làm chất đốt, tạo năng lượng ở các dạng. Bên cạnh đó, các công trình này phải thân thiện với môi trường tức là hấp thu tốt năng lượng từ tự nhiên và có nhiều cây xanh.
Giảm phát thải gián tiếp khí nhà kính là công trình phải sử dụng các “vật liệu xây dựng xanh”, đó là các vật liệu ít tiêu tốn năng lượng để tạo ra nó.
Theo các nghiên cứu của các nhà khoa học về môi trường thì việc sử dụng gạch gốm trong xây dựng là hướng phát triển không bền vững. Gạch gốm dù là loại hình nào, hình dạng nào thì cũng phải trải qua công đoạn cơ bản là gốm hoá (nung gạch). Công đoạn này phải sử dụng nhiệt để hoá gốm đất sét. Tuỳ loại gạch và yêu cầu về chất lượng gạch phải sử dụng nhiệt lượng khác nhau. Theo quy trình sản xuất thủ công, truyền thống công đoạn gốm hoá (nung gạch) là công đoạn phát thải nhiều khí nhà kính nhất trong các công đoạn làm gạch vì phải sử dụng lượng lớn chất đốt (thường là than đá, hiện nay là điện và khí ga) để làm rắn gạch mộc. Quá trình này thường tạo ra nhiều khí CO2 và không đốt cháy hoàn toàn nguyên liệu. Trên thực tế quan sát, những lò gạch thủ công sử dụng biện pháp trên để sản xuất gạch thường gây ô nhiễm môi trường không khí nghiêm trọng. Các biểu hiện dễ thấy như cây bị rụng lá, quả, người bị các bệnh về hô hấp thậm chí các loài động vật sống trong khu vực khói lò gạch còn bị ngộ độc khí và chết.
Hiện nay, các lò gạch mới được thiết kế để sử dụng điện và khí ga thay cho than đá. Đây được coi là cải tiến thân thiện với môi trường hơn. Với khí ga thì về bản chất cũng là nhiên liệu hoá thạch và cũng tạo ra khí CO2 khi đốt cháy. Tuy khí thiên nhiên tạo ra ít khí CO2 hơn các nguyên liệu khác nhưng điều đáng nói là nếu quá trình đốt cháy khí này không hoàn toàn thì đó lại là thảm hoạ với môi trường. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học môi trường thì trung bình 100 năm cứ mỗi kilogam khí CH4 sẽ làm trái đất nóng lên gấp 23 lần so với khí CO2. Việc nung gạch cũng như tạo ra các vật liệu xây dựng khác bằng năng lượng điện cũng là hành động gián tiếp làm tăng hiệu ứng nhà kính bởi ở nước ta vẫn đang sử dụng nhiệt điện (lượng điện tiêu thụ sẽ làm gia tăng lượng khí CO2 do đốt nhiên liệu hoá thạch) và thuỷ điện (tạo ra khí CH4 khi phân huỷ yếm khí các sinh vật đặc biệt là khu vực lòng hồ).
Sử dụng biện pháp truyền thống trong sản xuất bêtông cũng góp phần gia tăng khí nhà kính. Hiện nay biện pháp đưa ximăng trực tiếp từ nhà máy đến công trình, sử dụng quy trình trộn, tải, tạo bêtông khép kín sẽ giảm thất thoát, hiệu quả cao và giảm phát thải khí nhà kính.
Những công trình kiến trúc đặc biệt là với những “ngôi nhà xanh” được hướng tới sẽ là công trình được xây dựng bằng các giải pháp xanh. Đó là dùng gạch không nung, bêtông nhẹ, tận dụng được nhiều năng lượng từ thiên nhiên, có nhiều cây xanh.
Gạch không nung về bản chất cũng là một loại bêtông tỷ lệ nhẹ có khả năng chịu lực tốt hơn gạch gốm, việc sản xuất nhanh, khối lượng lớn nên tiết kiệm công sức khi thi công. Ưu điểm vượt trội là không cần phải nung mà chỉ cần thời gian để làm rắn nên không phát thải nhiều khí nhà kính như gạch gốm. Bêtông nhẹ cũng là một giải pháp trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Tận dụng năng lượng từ thiên nhiên là giải pháp được nhiều công trình hướng tới. Những ngôi nhà kiểu cũ có ít cửa, ít kính, ánh sáng, nhiệt độ nội thất đều là nhân tạo đã bị cho là lỗi thời. Những ngôi nhà hiện đại có nhiều cửa đón gió để giảm nhiệt độ phòng, có nhiều cửa kính để tận dụng ánh sáng tự nhiên thay cho đèn điện. Sử dụng quang điện hỗ trợ cho các nguồn điện khác. Tận dụng các nguồn thải để tạo ra năng lượng và sản phẩm hữu ích như điện, nhiệt, phân hữu cơ.
Nhiều cây xanh là một yếu tố để đánh giá kiến trúc xanh. Yếu tố này không chỉ tạo cảnh quan, điều hoà tiểu khí hậu mà còn góp phần cung cấp O2 cho bầu khí quyển giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài ra các công trình kiến trúc tiết kiệm tài nguyên cũng được coi là yếu tố cần thiết của công trình xanh. Đặc biệt các công trình xanh phải được tính đến khả chống chịu với những biến đổi bất thường của thời tiết do đó vẫn phải đảm bảo tính bền vững của công trình trước thiên tai.
Hiện nay các công trình xanh đang là xu thế của ngành xây dựng hiện đại và đó cũng là cách ứng xử có trách nhiệm với thiên nhiên để đảm bảo yếu tố phát triển bền vững.
Tin đọc nhiều

Lai Châu đạt 3 giải Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp quốc gia

Nâng cao giá trị sản phẩm OCOP

Phối hợp xây dựng tổ chức Hội Cựu Thanh niên phong phong vững mạnh

Đẩy nhanh tiêm chủng vắc xin phòng, chống bệnh Sởi

Đẩy mạnh triển khai phong trào thi đua yêu nước
Nậm Hàng tích cực chăm sóc lúa đông xuân
“Vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn”

Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Chính phủ về phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06





