Đột phá trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Một ngày đầu năm 2024, trên chặng đường từ trung tâm huyện đến xã Tà Mung, chúng tôi ấn tượng với màu xanh của những nương chè nối nhau đang được bà con chăm sóc. Trò chuyện với anh Mùa A Páo (bản Hô Ta) thì được biết, gia đình anh có 1,6ha chè PH8 và shan tuyết trồng từ năm 2017. Trước đó, diện tích đất này chủ yếu trồng lúa và ngô, nhưng năng suất không cao. Khi được các cơ quan chuyên môn của huyện, lãnh đạo xã đến nhà vận động, tuyên truyền chuyển đổi trồng chè để nâng cao thu nhập, Nhà nước hỗ trợ 100% cây giống, phân bón và 15 triệu đồng/ha tiền công chuyển đổi, anh đăng ký và thực hiện. Anh Páo chia sẻ: Nhờ có cây chè cuộc sống gia đình tôi ổn định hơn rất nhiều. So sánh về hiệu quả kinh tế thì hiện nay, thu từ cây chè đang cao gấp 3 lần so với trồng lúa, ngô (bình quân thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm).
Tháng 4/2023, xã Tà Mung phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện khảo sát, lựa chọn 10,5ha đất của các hộ dân ở bản Hô Ta triển khai mô hình thâm canh chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, gia đình anh Páo cũng tham gia với diện tích 6.500m2 và được hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn kỹ thuật từ khâu chăm sóc, bón phân, thu hái. Sau 7 tháng, anh Páo nhận thấy trồng chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP không chỉ tốt cho sức khỏe người tiêu dùng còn đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với chè được trồng theo phương thức truyền thống.
Người dân xã Tà Mung thu hái chè.
Anh Sùng A Sa - Phó Chủ tịch UBND xã Tà Mung cho biết: Trước đây, nhân dân các bản canh tác manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu dựa vào điều kiện tự nhiên nên năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi đưa cây chè vào sản xuất theo hướng hàng hóa thực sự mở ra hướng đi mới cho bà con. Tính đến hết năm 2023, toàn xã có 325,88ha chè, chủ yếu là shan tuyết và PH8. Trong đó, 215ha chè kinh doanh, năng suất đạt 57 tạ/ha, sản lượng đạt 1.225,5 tấn. Đặc biệt, một số bản như: Hô Ta, Đán Tọ, Tu San, Nậm Mở… trở thành vùng trọng điểm trồng chè của xã.
Ngoài cây chè, xã Tà Mung vận động, tuyên truyền nhân dân chuyển đổi trồng 42,3ha chanh leo. Kết nối, phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện và Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (tỉnh Ninh Bình) bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Công ty có trách nhiệm hướng dẫn các hộ trồng chanh leo về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hái quả đảm bảo đúng quy trình. Do đó năm 2023, thu nhập từ chanh leo ước đạt gần 2,7 tỷ đồng, hiệu quả kinh tế sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt 40 - 70 triệu đồng/ha/năm.
Chú trọng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, trên địa bàn xã đã giảm diện tích trồng lúa nương, tăng diện tích trồng lúa nước qua thâm canh, tăng vụ; đưa các giống lúa, ngô mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Năm 2023, xã thực hiện sản xuất lúa tập trung 40ha lúa nếp N98, năng suất đạt 54 tạ/ha, sản lượng đạt 216 tấn; giá bán thóc trung bình 10.000 - 11.000 đồng/kg, lợi nhuận thu về 22 - 25,3 triệu đồng/ha (trừ chi phí). Cùng với đó, trồng 282ha ngô với các giống: CP333, CP989, CP111, PC3Q, năng suất trung bình 42,9 tạ/ha.
Việc chuyển đổi đa dạng cơ cấu giống cây trồng của xã Tà Mung đã góp phần nâng cao đời sống, giúp bà con có điều kiện mua sắm các trang thiết bị, phục vụ nhu cầu thiết yếu. Qua đó, đẩy mạnh các phong trào văn hóa, văn nghệ, giảm nghèo bền vững. Tính hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 21,13%, thu nhập bình quân đầu người đạt 42 triệu đồng/năm. Đó là thành tựu xứng đáng cho sự nỗ lực, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh, chỉ đạo, đưa ra những quyết sách, chiến lược phù hợp với thực tiễn của địa phương. Đặc biệt còn là sự đồng thuận, chung sức của nhân dân các dân tộc xã trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.
Ánh Hồng
Bình luận