

Những ngày đầu tháng 10, chúng tôi được dự lễ mừng cơm mới của bà con dân tộc Si La ở bản Seo Hai (xã Kan Hồ). Những câu chuyện trong ngày hội lúa mới của bà con thường nhắc đến công tác PCCCR vào mùa khô hanh giúp chúng tôi hiểu được bà con đã rất chú trọng và quan tâm đến công tác chăm sóc, bảo vệ rừng. Trao đổi với chúng tôi, ông Hù Chà Khe (người có uy tín ở bản Seo Hai) tâm sự: “Những năm qua, người dân Si La ở Kan Hồ được hưởng lợi từ rừng rất nhiều. Năm 2018, mỗi hộ dân được nhận trên 25 triệu đồng, đây là nguồn thu nhập ổn định nên dân bản hiểu rõ bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của chính mình. Chúng tôi tuyên truyền, động viên con cháu tập trung chăm sóc bảo vệ rừng, chấp hành nghiêm các quy định PCCCR”.
Người dân xã Ka Lăng (huyện Mường Tè) làm đường băng cản lửa.
Xã Kan Hồ có 8 bản, 482 hộ, 12.340ha rừng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, tỷ lệ che phủ đạt trên 68%. Đây là một trong những địa phương có diện tích rừng tương đối lớn của huyện nên cấp ủy, chính quyền xã chủ động, triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ và PCCCR. Ông Lý Ché Lòng - Phó Chủ tịch UBND xã Kan Hồ chia sẻ: Năm 2018, toàn xã được nhận trên 12,4 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, trung bình mỗi hộ gia đình hưởng lợi trên 25 triệu đồng/năm. Nguồn thu nhập này chắc chắn sẽ tăng hàng năm nếu rừng được bảo vệ tốt. Do vậy, cấp ủy, chính quyền xã xác định nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ rừng là đặc biệt quan trọng.
UBND xã phối hợp với cán bộ kiểm lâm và các lực lượng chức năng trên địa bàn xây dựng phương án, kế hoạch bảo vệ, phát triển, PCCCR trên địa bàn. Yêu cầu các lực lượng, các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền đến các tầng lớp Nhân dân xác định thực hiện nhiệm vụ PCCCR theo hướng “Phòng là chính, chữa cháy kịp thời”; thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng, hậu cần, phương tiện, chỉ huy tại chỗ) trong công tác chữa cháy; thành lập đội cơ động bảo vệ rừng của xã với trên 30 thành viên, có sự tham gia của các lực lượng: kiểm lâm, dân quân, công an cùng các đoàn thể. Chỉ đạo 8/8 bản thành lập đội xung kích bảo vệ rừng với sự tham gia của 482 thành viên, thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát, đánh giá tình trạng rừng vào thời gian cao điểm, cảnh báo, nghiêm cấm mọi hoạt động xâm hại đến rừng, chỉ đạo Nhân dân chủ động thu dọn thực bì, phát đường băng cản lửa PCCCR.
Là huyện vùng cao, biên giới có diện tích tự nhiên, diện tích rừng lớn nhất tỉnh với 167.572ha. Năm 2018, Nhân dân huyện Mường Tè được nhận gần 180 tỷ đồng từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, dự kiến sẽ tăng lên trong năm 2019. Nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng được cấp ủy, chính quyền huyện đặc biệt quan tâm. Đồng chí Tống Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết: Để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, PCCCR, UBND huyện kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững (BCĐ) huyện và ban hành các văn bản chỉ đạo lực lượng vũ trang, cơ quan, ban ngành, đoàn thể, xã, thị trấn chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, phương tiện sẵn sàng đảm bảo lực lượng cơ động cho nhiệm vụ PCCCR.
BCĐ huyện yêu cầu các xã, thị trấn tổ chức kiện toàn BCĐ cấp xã với 398 thành viên; thành lập 126 tổ chuyên trách bảo vệ, phát triển rừng và thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại các bản, khu phố. Cùng với đó, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương xác định vùng trọng điểm nguy cơ cháy rừng cao tại các xã có tập quán sản xuất nương, mật độ thảm thực vật dày như: Pa Ủ, Tà Tổng, Mù Cả, Bum Tở, Ka Lăng, Thu Lũm, Kan Hồ… Tổ chức các đoàn kiểm tra tại địa bàn trọng điểm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục Nhân dân thực hiện các quy định bảo vệ rừng gắn với PCCCR, xử lý nghiêm hành vi gây cháy rừng…
Sự chủ động, tích cực trong công tác chăm sóc, bảo vệ rừng, đặc biệt là PCCCR của các cấp chính quyền, Nhân dân các dân tộc huyện Mường Tè đã phát huy hiệu quả. Nhiều năm qua, trên địa bàn huyện không xảy ra cháy rừng, những cánh rừng phát triển ổn định, an toàn, tỷ lệ che phủ ngày một tăng, đến nay đạt 64,79%. Nhờ đó, Nhân dân các dân tộc trong huyện có nguồn thu nhập bền vững từ rừng.

Thành phố Lai Châu: Đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản

Mang ấm no, hạnh phúc đến với nhân dân

Quản lý, vận hành kênh mương hiệu quả phục vụ sản xuất
Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi

Công bố quyết định thành lập các Đội quản lý Điện lực khu vực và công tác cán bộ

Nùng Nàng vào vụ thu hoạch lê

Nhiều giải pháp giảm nghèo ở Bình Lư
Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở Tam Đường







