

Những ngày này, anh Lò Văn Làn (bản Phiêng Phát 1, xã Trung Đồng) thường xuyên có mặt tại khu ruộng trồng 550 gốc chanh leo để chăm sóc đợt 1 và theo dõi sâu bệnh hại. Anh Làn cho biết: Trước đây, toàn bộ diện tích ruộng trên 8.000m2 khu vực đèo Khau Giềng này tôi đều trồng lúa 1 vụ. Cuối năm 2019, tại cuộc họp bản, được cấp ủy, chính quyền xã, huyện và Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc tuyên truyền, vận động, khuyến khích tham gia thí điểm mô hình trồng chanh leo theo hướng liên kết sản xuất trên đất ruộng 1 vụ, tôi tính toán thấy hợp lý và trong điều kiện kinh tế cho phép nên quyết định đăng ký. Tuy nhiên, trong bản chỉ có 4 hộ tham gia vì xuất đầu tư lớn (khoảng 100 triệu đồng/ha), trong khi đó chưa rõ sẽ được Nhà nước hỗ trợ bao nhiêu. Bởi, nghe cán bộ bảo đang đợi tỉnh hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ theo nghị quyết mới.
Vì xa nguồn nước, khu dân cư nên anh Làn phải đầu tư hệ thống đường ống dẫn nước từ khe suối; thuê nhân công đào hố, làm rào sắt chống gia súc phá hoại. Đến thời điểm này, chi phí thêm cả cọc tre, phân bón, dây làm giàn... gia đình đã bỏ ra gần 80 triệu đồng. Mặc dù vậy, với anh làm nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đầu tư có quy mô quan trọng nhất là đầu ra cho sản phẩm. Vấn đề này đã được giải quyết, mình phải chăm sóc thật tốt để có thành quả xứng đáng.
Anh Lò Văn Làn (bản Phiêng Phát 1, xã Trung Đồng) bón phân đợt 1 cho chanh leo.
Được biết, qua khảo sát điều kiện sản xuất, tổ chức tuyên truyền, vận động, Nhân dân xã Trung Đồng đăng ký thực hiện 7ha trên toàn bộ đất ruộng 1 vụ, tập trung tại các bản: Hua Cưởm 1, 2, 3, Phiêng Phát 1, 2, Bút Trên, Bút Dưới. Đến thời điểm này, các hộ dân làm đất hơn 6ha, tiến hành trồng 3ha.
Trao đổi với chúng tôi về nguyên cớ cây chanh leo bén rễ trên đồng đất Tân Uyên, anh Ngọ Doãn Bình - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện chia sẻ: Năm 2019, khi Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị cây ăn quả tại tỉnh Sơn La, Đoàn công tác của huyện tham dự và đi thực tế một số mô hình. So sánh, phân tích tình hình, huyện xác định với lợi thế đất đai rộng, nhiều tiểu vùng độ cao trên 1.000m so với mặt nước biển thuận lợi phát triển cây dược liệu, đặc biệt là từ 600 - 1.000m rất phù hợp trồng chanh leo. Sản xuất gắn với đầu ra và chỉ có doanh nghiệp, hợp tác xã mới có thể đảm bảo yếu tố này. Do đó, huyện kêu gọi các đơn vị đến tham quan, khảo sát, nghiên cứu để đầu tư. Và, cuối năm 2019, Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc quyết định liên kết đầu tư mô hình trồng chanh leo tại huyện Tân Uyên.
Đây không phải lần đầu tiên triển khai mà trước đó (giữa năm 2019), Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc đã thí điểm mô hình tại 1 hộ dân ở thị trấn Tân Uyên với diện tích 8.600m2. Mặc dù trồng khá muộn so với lịch thời vụ và thời gian thu hoạch chỉ trong 3 tháng (tháng 6 trồng, thu hoạch từ tháng 10-12) nhưng vẫn đạt sản lượng cao (3 tấn quả). Cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp với Công ty tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả bước đầu mô hình liên kết với sự tham gia của trên 100 đại biểu là lãnh đạo, nông dân các xã, thị trấn. Qua đó, khẳng định cây chanh leo ít sâu bệnh, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của huyện.
Từ thành công đó, năm nay mô hình được triển khai nhân rộng tại xã Trung Đồng, Mường Khoa và thị trấn, ngoài ra một ít diện tích tại xã Hố Mít. Theo báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện, đến thời điểm này, tổng diện tích nghiệm thu đất đủ điều kiện trồng chanh leo đạt 28,4ha (trong đó Mường Khoa 16,29 ha, Trung Đồng 7,61 ha, thị trấn Tân Uyên 4,5 ha). Trong khi chờ tỉnh phê duyệt dự án đầu tư theo hướng liên kết của Công ty cũng như đồng ý chủ trương phát triển cây chanh leo của huyện, đảm bảo tính thời vụ, một số hộ dân mạnh dạn đề xuất Công ty cung ứng giống để triển khai trồng. Kết quả, đã xuống giống gần 16ha (trong đó xã Mường Khoa nhiều nhất với gần 7ha).
Theo lời anh Bình, trồng chanh leo đúng mùa vụ nhất là tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau bắt đầu lên giàn và thu hoạch kéo dài đến tháng 12. Như vậy, thời gian thu hoạch lâu, sản lượng đạt khoảng 12 - 20 tấn/ha tùy vào khâu chăm sóc. Cây chanh leo cho thu hoạch ổn định trong 3 năm liên tiếp, thời gian thu hái liên tục nên thu nhập nông hộ ổn định. Nếu tháng 4 bắt đầu trồng thì tỷ lệ cây sống rất cao bởi có mưa đầu mùa nhưng đến tháng 7 hoặc 8 mới được thu, thời gian thu năm đầu lại ngắn. Hiện đã không phải thời điểm lý tưởng để tiếp tục mở rộng diện tích, mà tập trung vận động Nhân dân chăm sóc, phòng bệnh tốt diện tích đã trồng. Khi tỉnh có chủ trương và chính sách hỗ trợ cụ thể sẽ tiếp tục triển khai, tạo động lực cho Nhân dân thay đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa.
Chủ động đổi mới tư duy sản xuất, mạnh dạn đưa giống mới vào trồng trên đất ruộng - minh chứng rất rõ nông dân Tân Uyên đã thực sự bắt nhịp với nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa để nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững và làm giàu ngay trên chính đồng đất quê hương.

Tăng gần 200 đồng/lít, giá xăng RON95-III vượt ngưỡng 20.000 đồng/lít

Thúc đẩy phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bền vững

Ưu tiên nguồn lực, quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng

Công ty Điện lực Lai Châu thành lập các đội quản lý khu vực

Thành phố Lai Châu: Đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản

Mang ấm no, hạnh phúc đến với nhân dân

Quản lý, vận hành kênh mương hiệu quả phục vụ sản xuất
Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi







