Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong thực hiện giảm nghèo bền vững
Huyện Nậm Nhùn chia tách, thành lập vào năm 2012 với đường biên giới dài 24,671km, địa hình chia cắt, giao thông khó khăn, trình độ sản xuất của người dân còn lạc hậu… khiến tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao. Với xuất phát điểm không thuận lợi, cùng với lồng ghép sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp của huyện đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy tinh thần đoàn kết trong nhân dân, nỗ lực giảm nghèo bền vững.
Đặc biệt, UBND huyện ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 và quyết định thành lập tổ kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện chương trình. Trên cơ sở chỉ tiêu kế hoạch giảm nghèo huyện giao, 11/11 Đảng bộ xã, thị trấn xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình giảm nghèo; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân khai thác lợi thế địa phương, tích cực tăng gia sản xuất, thâm canh tăng vụ, chuyển đổi phương thức chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo, nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả, các địa phương phối hợp với cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện tổ chức lớp dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, thực hiện mô hình thí điểm trồng trọt, chăn nuôi.
Từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nhiều hộ dân ở xã Nậm Manh chuyển đổi con giống mới trong chăn nuôi, cho hiệu quả kinh tế cao.
Xã biên giới Nậm Ban có 400 hộ dân với trên 1.600 nhân khẩu chủ yếu là dân tộc Mông và Mảng. Những năm trước, nơi đây được biết đến là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Nậm Nhùn. Nhờ triển khai hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững cùng các chính sách hỗ trợ khác của tỉnh, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 46,32% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2026); thu nhập bình quân đầu người trên 20 triệu đồng/năm; thực hiện đạt 10/19 tiêu chí nông thôn mới. Đối với xã Trung Chải, đồng bộ triển khai giải pháp giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 7%/năm; tốc độ tăng đàn gia súc đạt 5,1%, số hộ chăn nuôi có chuồng trại đạt 69%; thu nhập bình quân 23 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%...
Ông Lò A Tư - Chủ tịch UBND xã Trung Chải khẳng định: Cấp ủy, chính quyền xã luôn xác định giảm nghèo là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cần tập trung nguồn lực triển khai thực hiện. Trong đó, phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, ý thức tự vươn lên của nhân dân. Qua công tác tuyên truyền, vận động, “cầm tay chỉ việc”, bà con đã sử dụng hiệu quả các nguồn lực được Nhà nước hỗ trợ, đầu tư; mạnh dạn vay vốn ưu đãi của ngân hàng qua tín chấp với tổ chức hội, đoàn thể phát triển sản xuất. Hệ thống giao thông nông thôn, nội đồng, thủy lợi... được đầu tư ngày càng hoàn thiện, đồng bộ là cơ sở quan trọng để nhân dân trong xã nỗ lực vươn lên.
Tổng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được phân bổ năm 2023 của huyện là 70.801 triệu đồng, trong đó vốn đầu tư ngân sách trung ương trên 41 tỷ đồng, còn lại là vốn sự nghiệp ngân sách trung ương. Cùng nhiều chương trình, đề án hỗ trợ giảm nghèo khác của tỉnh và huyện đã tác động rõ nét đến bức tranh toàn cảnh về nông nghiệp, nông thôn của Nậm Nhùn. Minh chứng là mức giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 là 4,76% thì năm 2023 giảm 7,2% (vượt chỉ tiêu đề ra là 4,72%). Ước tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2023 là 32,2%, giảm 11,96% so với năm 2020. Giải quyết việc làm mới cho khoảng 550 lao động, đạt 100% so với kế hoạch; số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 25 người, đạt 500% so với kế hoạch. Thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/năm.
Phát huy những kết quả đạt được và tiếp tục đồng bộ giải pháp thực hiện công tác giảm nghèo nhanh và bền vững, tin rằng, hết nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện Nậm Nhùn sẽ hoàn thành các chỉ tiêu giảm nghèo đã đề ra.
T.N
Bình luận