

Người dân xã Bản Lang (huyện Phong Thổ) tăng thu nhập từ trồng chuối.
ĐỒNG THUẬN TRIỂN KHAI
Trước tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, chúng tôi trở lại thăm huyện Phong Thổ. Nơi đây, cảnh sắc, con người khoác lên mình diện mạo mới. Nổi bật nhất là tuyến đường nối thành phố Lai Châu với các xã vùng cao biên giới của huyện được nâng cấp, đẹp và rộng rãi hơn. Những ngôi nhà xây kiên cố xuất hiện ngày càng nhiều. Cửa hàng tạp hóa tăng quy mô, số lượng, mặt hàng, phục vụ nhu cầu Nhân dân. Hình ảnh một thị trấn sạch, đẹp, lung linh đèn, cờ trang trí tô điểm vào bức tranh chung của huyện.
Đồng chí Sùng A Nủ - Bí thư Huyện ủy Phong Thổ cho biết: “Không chỉ diện mạo khởi sắc mà đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân cũng ngày càng được cải thiện. Thu nhập bình quân của huyện đạt 28 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 4,3%/năm. Có được kết quả đó là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của tỉnh; sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền địa phương, cán bộ và Nhân dân các dân tộc huyện Phong Thổ trong thực hiện các nghị quyết, chương trình, dự án… Trong đó, phải kể đến việc thực hiện 2 chương trình trọng điểm về: “Phát triển kinh tế các xã vùng cao biên giới”, “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở”.
Ngày 18/10/2016, Huyện ủy Phong Thổ đã ra các quyết định về ban hành Đề án: "Phát triển kinh tế các xã vùng cao biên giới huyện Phong Thổ, giai đoạn 2016-2020", “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở giai đoạn 2016-2020”. Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Huyện ủy xây dựng các văn bản để lãnh, chỉ đạo một cách thống nhất từ huyện đến cơ sở, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế.
Các địa phương tham gia Đề án "Phát triển kinh tế các xã vùng cao biên giới huyện Phong Thổ, giai đoạn 2016-2020" phát huy lợi thế về đất đai, nguồn nước, khí hậu, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp. Đồng thời, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao. Đối với Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở giai đoạn 2016-2020” các xã, thị trấn thực hiện gắn với Nghị quyết 07-NQ/TU ngày 30/9/2016 của Tỉnh ủy.
HIỆU QUẢ RÕ NÉT
Sau 4 năm thực hiện, Đảng bộ huyện Phong Thổ đã hoàn thành 18/24 chỉ tiêu chủ yếu của Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở giai đoạn 2016-2020”. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cơ sở có những chuyển biến tích cực. 17/17 xã, thị trấn hoàn thành việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc của cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra cấp ủy, UBND, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cấp xã. Duy trì chế độ họp, giao ban, hội nghị theo chức năng, nhiệm vụ.
Trong huyện, lần đầu tiên có 2/17 xã thực hiện chủ trương Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND; 10/17 xã thực hiện chủ trương Phó Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND. UBND các xã, thị trấn xây dựng quy chế làm việc, kế hoạch cải cách hành chính. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cơ sở có sự đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động. Nhờ đó, năng lực lãnh đạo của Đảng ủy các xã, thị trấn; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở; vai trò Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nâng lên rõ rệt.
Những xã vùng cao biên giới tạo dấu ấn khi phát triển các giống lúa đặc sản của địa phương (thóc dẻo, tẻ râu); thâm canh 1.369ha ngô (tăng 266ha so với năm 2016); mở rộng diện tích trồng cây ăn quả ôn đới lên 299,54ha (tăng 148,34ha so với năm 2016). Đặc biệt phát triển vùng trồng lê tại Dào San theo mô hình liên kết chuỗi giá trị. Việc xây dựng quy chế quản lý vùng chè cổ thụ, chăm sóc và phát triển diện tích chuối hiện có, phát triển 68,65ha cây dược liệu được các xã quan tâm.
Đồng chí Lý Phủ Lùng - Bí thư Đảng ủy xã Ma Li Pho khẳng định: “Là địa phương được thực hiện đồng thời 2 đề án trên, chúng tôi nhận thấy hệ thống chính trị ngày càng hoàn thiện. Trên 10 doanh nghiệp, hợp tác xã, 30 hộ kinh doanh buôn bán vừa và nhỏ phát huy thế mạnh trong kinh doanh, tạo việc làm cho hàng trăm lao động có thu nhập từ 40-50 triệu đồng/người/năm. Nông dân mạnh dạn hơn tham gia mô hình mới (nuôi gà bản địa, chuối cấy mô). Thu nhập bình quân của xã đạt 31 triệu đồng/người/năm”.
Đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân biên giới được cải thiện, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, địa phương. Kinh tế toàn huyện phát triển khá trên tất cả các ngành, lĩnh vực. Tổng giá trị sản xuất năm 2020 của huyện trên 3.634 tỷ đồng (đạt 101% mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XIX đề ra).
Thành công và hiệu quả của việc thực hiện các chương trình trọng điểm những năm qua tạo đà cho Phong Thổ phát triển. Giai đoạn 2020-2025, huyện tiếp tục xác định 2 chương trình trọng điểm để thực hiện gồm: “Phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với kinh tế cửa khẩu”; “Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ”. Tin tưởng đây là hướng đi đúng để huyện thực hiện thắng lợi mục tiêu từng bước phát triển bền vững.

Thành phố Lai Châu: Đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản

Mang ấm no, hạnh phúc đến với nhân dân

Quản lý, vận hành kênh mương hiệu quả phục vụ sản xuất
Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi

Công bố quyết định thành lập các Đội quản lý Điện lực khu vực và công tác cán bộ

Nùng Nàng vào vụ thu hoạch lê

Nhiều giải pháp giảm nghèo ở Bình Lư
Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở Tam Đường







