

Thực hiện tốt nội dung tập trung nguồn lực và hoàn thiện cơ chế, chính sách, Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện phối hợp với các ban, ngành tham mưu Huyện ủy ban hành các văn bản về tăng cường lãnh, đạo chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch cụ thể thực hiện Chỉ thị 40; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan lồng ghép nguồn vốn các đề án phát triển kinh tế của huyện để ủy thác sang cho vay. Dần bỏ cơ chế hỗ trợ cho không sang cho vay để người vay có trách nhiệm với nguồn vốn. Huyện cũng chỉ đạo cơ quan chuyên môn trong Khối nông nghiệp hỗ trợ về kỹ thuật, đầu ra sản phẩm nhằm tạo ra các mô hình vay vốn phát triển kinh tế nổi bật. Các xã, thị trấn và tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác cũng vào cuộc cùng Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện trong cho vay, quản lý sử dụng nguồn vốn. Từ đó, thu hút và giải quyết việc làm cho lao động địa phương; tạo động lực cho hộ dân mạnh dạn vay vốn ưu đãi học hỏi làm theo.
Là đơn vị tham mưu UBND huyện về phân bổ thu chi ngân sách địa phương cho các cơ quan đơn vị, trong đó tham mưu bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương và nguồn vốn thực hiện các đề án phát triển kinh tế của huyện chuyển sang ủy thác cho Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để cho vay vốn, trong 5 năm (2014-2019), Phòng đã tham mưu chuyển 2 tỷ 858 triệu đồng nguồn ủy thác sang để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Từ nguồn vốn ủy thác đó mang lại hiệu quả rõ rệt đối với các mô hình khởi nghiệp trên địa bàn. Điển hình là mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện, trồng ổi, trồng dâu tây, dược liệu và cây ăn quả, trang trại chăn nuôi gia cầm, trồng lúa séng cù… tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi, tạo sản phẩm có tính thương mại cao.
Người dân bản Nà Then (xã Mường Kim) phát triển chăn nuôi từ nguồn vốn vay ưu đãi.
Anh Phan Văn Ngọc – Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện cho biết: “Hàng năm, Phòng tham mưu cho huyện tiết kiệm từ các khoản chi thường xuyên chuyển cho Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội chuyển để thực hiện Chỉ thị 40. Phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hành Chính sách xã hội huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hộ nghèo, hộ chính sách vay vốn theo Đề án sản xuất nông sản hàng hóa tập trung. Chủ động phối hợp trong công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, nhất là nâng cao chất lượng hoạt động các tổ tiết kiệm và vay vốn. Tăng cường tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho hộ vay chấp hành tốt chính sách tín dụng ưu đãi và tham gia gửi tiền tổ tiết kiệm và vay vốn”.
Cùng với bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho ngân hàng, huyện bổ sung nguồn vốn cho các chương trình tín dụng chính sách gắn với chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế, dạy nghề, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội. Chú trọng củng cố nâng cao chất lượng tín dụng, nhất là địa bàn có tín dụng thấp, chỉ đạo quyết liệt chỉ tiêu giảm nợ quá hạn đề ra, phấn đấu mỗi năm đưa tối thiểu 1 xã có nợ quá hạn về 0%. Thực hiện việc nghiêm túc việc họp bình xét cho vay, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng.
Hiện nay, nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn qua Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện là 325 tỷ đồng; trong 5 năm qua (2014-2019) doanh số cho vay đạt 597 tỷ đồng, doanh số thu nợ 443 tỷ đồng, tổng dư nợ là 325 tỷ đồng. Có 18.386 hộ nghèo, đối tượng chính sách khác được vay vốn; 243 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; 761 lao động được tạo việc làm; 21 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; có 3.793 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây dựng; 496 căn nhà hộ nghèo, đối tượng chính sách được xây dựng, cải tạo sửa chữa.
Anh Tòng Văn Muôn ở bản Mường (xã Mường Mít) chia sẻ: “Gia cảnh khó khăn, được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hơn 50 triệu đồng, tôi tập trung thực hiện mô hình vườn - ao - chuồng. Lựa chọn cây, con giống có chất lượng, áp dụng các khoa học kỹ thuật trong khâu chăm sóc. Với 6.000m2 ruộng, 150m2 ao thả cá, nuôi lợn, trâu và gia cầm, trừ chi phí mỗi năm gia đình thu nhập gần 100 triệu đồng”.
Không chỉ anh Muôn mà các hộ tham gia vay vốn trên địa bàn huyện Than Uyên đã và đang sử dụng nguồn vốn hiệu quả đầu tư vào các mô hình chăn nuôi, sản xuất kinh doanh, cho con đi học, cải tạo nhà ở, xây dựng công trình nước sạch. Nhờ đó, chất lượng cuộc sống người dân được cải thiện, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 13,98%.

Thúc đẩy phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bền vững

Ưu tiên nguồn lực, quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng

Công ty Điện lực Lai Châu thành lập các đội quản lý khu vực

Thành phố Lai Châu: Đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản

Mang ấm no, hạnh phúc đến với nhân dân

Quản lý, vận hành kênh mương hiệu quả phục vụ sản xuất
Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi

Công bố quyết định thành lập các Đội quản lý Điện lực khu vực và công tác cán bộ







