

Từ khi lắp đặt biển chỉ dẫn điểm bán hàng Việt Nam, Siêu thị Dũng Long - khu 5A, thị trấn Than Uyên (huyện Than Uyên) thu hút lượng khách hàng đến mua sắm ngày càng đông.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lê Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Năm 2020, Sở Công thương được Bộ Công thương phê duyệt dự án mô hình điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”. Để triển khai thực hiện dự án, Sở tiến hành khảo sát các cơ sở kinh doanh trên địa bàn các huyện, thành phố theo các tiêu chí: địa điểm, diện tích kinh doanh tối thiểu 80m2, hàng hóa hiện đang kinh doanh, trang thiết bị hiện có của đơn vị và nhu cầu tham gia xây dựng mô hình điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”. Sau khảo sát, Sở lựa chọn Siêu thị Dũng Long ở huyện Than Uyên (Công ty TNHH một thành viên Dũng Long) xây dựng mô hình điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh. Điểm bán hàng này đáp ứng các tiêu chí của dự án: Hàng hóa được bày bán tại điểm bán chủ yếu là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của Nhân dân; hầu hết các sản phẩm hàng hóa bày bán được sản xuất trong nước, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác sản phẩm. Điểm bán hàng này nằm tại trung tâm thị trấn của huyện Than Uyên có vị trí lợi thế về kinh doanh thương mại, thu hút đông đảo người tiêu dùng trên địa bàn huyện, do đó thuận lợi cho công tác tuyên truyền hưởng ứng cuộc vận động.
Mô hình điểm bán hàng Việt Nam này thuộc nhóm chương trình hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững tại Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020. Để thực hiện được mô hình này, Sở Công thương đã hỗ trợ điểm bán giá kệ đặt hàng; thiết kế và lắp đặt biển hiệu với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”; biển chỉ dẫn khu vực bán hàng Việt Nam. Đồng thời, tổ chức treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền tại địa bàn huyện Than Uyên; phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của mô hình điểm bán hàng Việt Nam và cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Trước đó, từ năm 2015-2019, Sở Công thương đã tổ chức triển khai được 15 kênh phân phối hàng Việt từ khu vực sản xuất đến miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, với trên 400 gian hàng tham gia với các mặt hàng thiết yếu như: hàng may mặc, đồ đùng sinh hoạt gia đình, lương thực, thực phẩm… thu hút hơn 6.300 lượt khách hàng tham quan, mua sắm. Qua đó, góp phần xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam trên thị trường Lai Châu, giúp người dân tiếp cận được các mặt hàng sản xuất trong nước bảo đảm chất lượng, giá thành hợp lý phù hợp với khả năng mua sắm của Nhân dân; hình thành thói quen mua sắm hàng Việt thay thế các mặt hàng do Trung Quốc, Thái Lan sản xuất. Ngoài ra, kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước…
Khách hàng lựa chọn hàng Việt tại Siêu thị Dũng Long.
Chúng tôi có mặt tại Siêu thị Dũng Long (huyện Than Uyên) - cơ sở kinh doanh được hỗ trợ thực hiện điểm bán hàng Việt Nam. Tại đây, chúng tôi thấy hầu hết, người tiêu dùng thường tìm đến các kệ hàng ở khu vực có biển hiệu “Tự hào hàng Việt Nam” để lựa chọn những sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu của gia đình.
Chị Lò Thị Quyên - bản Cẩm Trung 1, xã Mường Than chia sẻ: Tôi hay đến Siêu thị Dũng Long để mua hàng tiêu dùng vì siêu thị này bán hàng bình ổn giá, chất lượng đảm bảo, tôi rất yên tâm. Thường thì tôi ưu tiên lựa chọn các mặt hàng của Việt Nam sản xuất vì chất lượng đảm bảo, mẫu mã đa dạng, giá thành hợp lý với khoản chi trong gia đình.
Chị Lữ Thị Thanh Nga - Quản lý của Siêu thị Dũng Long (khu 5A, thị trấn Than Uyên) cho biết: Từ khi được hỗ trợ thực hiện mô hình điểm bán hàng Việt Nam, siêu thị tăng cường nguồn hàng và giới thiệu cho các khách hàng về các mặt hàng thiết yếu của Việt Nam sản xuất. Sắp xếp lại các mặt hàng của Việt Nam sản xuất vào khu riêng để khách hàng thuận tiện trong việc lựa chọn. Hiện tại, siêu thị có trên 4 nghìn mặt hàng sản xuất tại Việt Nam, chiếm trên 90% trong tổng số các mặt hàng kinh doanh, như: Dầu ăn, mắm, muối, bánh, kẹo, đường, sữa, đồ gia dụng, quần áo… Hầu hết, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam được khách hàng ưa chuộng mua sắm nhiều vì đảm bảo được yêu cầu của người tiêu dùng “hàng chất lượng - giá thành hợp lý”. Bình quân, mỗi ngày lượng xuất đơn hàng của siêu thị là trên 1.000 đơn.
Được biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 6.000 cơ sở kinh doanh thương mại. Trong thời gian tới, Sở Công thương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích các thương nhân đẩy mạnh đầu tư, phát triển nhân rộng mô hình này bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, hình thành hệ thống phân phối hàng Việt trong toàn tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ gắn biển “Tự hào hàng Việt Nam” cho các đơn vị kinh doanh có nhu cầu và đáp ứng được các tiêu chí của dự án. Từ đó, kích cầu tiêu dùng nội địa, phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam đến các khu vực vùng sâu, vùng xa; tạo dựng hình ảnh, uy tín và lòng tin của người tiêu dùng với hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

Mang ấm no, hạnh phúc đến với nhân dân

Quản lý, vận hành kênh mương hiệu quả phục vụ sản xuất
Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi

Công bố quyết định thành lập các Đội quản lý Điện lực khu vực và công tác cán bộ

Nùng Nàng vào vụ thu hoạch lê

Nhiều giải pháp giảm nghèo ở Bình Lư
Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở Tam Đường

Hiệu quả từ các chương trình, chính sách hợp lòng dân







