

Hiện, toàn huyện có trên 340 công trình thủy lợi, hầu hết được kiên cố, vận hành ổn định. Riêng từ năm 2023 đến nay, huyện đầu tư nâng cấp, cải tạo 8 công trình, xây dựng mới 3 công trình thủy lợi, nâng tổng diện tích đất được tưới tiêu ổn định lên trên 1.800ha. Trong đó, diện tích lúa trên 892ha, cây trồng khác khoảng 370ha và còn lại phục vụ nuôi trồng thủy sản. Hiệu quả từ các công trình không chỉ dừng lại ở việc đảm bảo nước tưới, còn là đòn bẩy để người dân mạnh dạn mở rộng sản xuất, xây dựng các vùng chuyên canh cây dược liệu và cây ăn quả. Đặc biệt, 2 công trình thủy lợi là Ná Pá Huội và Na Sái tại xã Noong Hẻo đóng vai trò quyết định duy trì ổn định nguồn nước tưới cho hơn 400ha lúa thuộc vùng sản xuất lúa gạo trọng điểm của huyện. Tại địa bàn vùng cao, hồ chứa nước tại xã Sà Dề Phìn đi kèm kênh phụ trợ góp phần điều tiết nước sản xuất cho nông nghiệp, duy trì nguồn nước thường xuyên cho vùng chuyên canh cây dược liệu, hoa hồng…
Chị Tẩn Mý Dao ở khu 1 (thị trấn Sìn Hồ) chia sẻ: “Những năm trước, việc sản xuất các loại dược liệu hay cây trồng truyền thống gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nước. Từ khi được huyện đầu tư xây dựng, sửa chữa hệ thống thủy lợi gần khu sản xuất, gia đình tôi mở rộng vùng nguyên liệu, tạo thêm việc làm cho người dân trong vùng”.
Người dân bản Na Sái (xã Noong Hẻo) vệ sinh tuyến thủy lợi tại cánh đồng của bản.
Tuy nhiên, với đặc thù địa hình đồi núi cao, chia cắt mạnh bởi các dãy núi, khe sâu và sườn dốc lớn, hệ thống thủy lợi ở Sìn Hồ đều là công trình quy mô nhỏ, mang tính cục bộ. Điều này khiến việc tích trữ, điều tiết và phân phối nước trên diện rộng gặp nhiều trở ngại. Mặt khác, địa hình cũng là yếu tố chính khiến việc xây dựng các công trình thủy lợi lớn khó khăn và tốn kém, đòi hỏi nguồn lực vượt ngoài khả năng cân đối của địa phương. Nhiều công trình thủy lợi tại địa phương đưa vào sử dụng nhiều năm đã xuống cấp. Đơn cử như công trình thủy lợi bản Nậm Béo (xã Pu Sam Cáp) và bản Nậm Lúc (xã Phăng Sô Lin) ảnh hưởng do tác động của mưa lũ. Dù các công trình này vẫn đang vận hành, nhưng lưu lượng chưa đáp ứng đủ nhu cầu nước sản xuất ngày một tăng của người dân.
Hiện Sìn Hồ đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển chuyên canh, nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Do đó, tình trạng thiếu nước sẽ trở thành lực cản, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất cây trồng. Tại khu 6 (thị trấn Sìn Hồ) đang hình thành vùng trồng hoa hồng và dược liệu tập trung, các hộ sản xuất cho biết trong mùa khô, phải giảm diện tích sản xuất do không đủ nước tưới. Trước thực trạng đó, huyện rà soát, đánh giá mức độ hư hỏng của từng công trình thủy lợi trên địa bàn; xây dựng kế hoạch sửa chữa, cải tạo phù hợp với điều kiện địa hình và nguồn lực đầu tư. Tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo trì các tuyến mương nhỏ, sử dụng nước tiết kiệm, tổ chức tưới luân phiên. Những nỗ lực đó đã góp phần giúp bà con từng bước thích ứng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, ổn định sản xuất.
Ông Vũ Văn Cương - Phó Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ cho biết: Huyện đã chủ động lồng ghép, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất. Trên cơ sở đó, phân bổ nguồn kinh phí hợp lý, tập trung tu sửa, nâng cấp và xây dựng mới các tuyến kênh mương phù hợp với điều kiện thực tế từng khu vực sản xuất. Huyện cũng chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức tham gia quản lý, khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi. Chính quyền các địa phương thường xuyên tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện và khắc phục các vị trí hư hỏng, tiến hành nạo vét định kỳ nhằm đảm bảo dòng chảy thông suốt, tối ưu nguồn nước phục vụ sản suất”.
Ngay từ đầu năm 2025, UBND huyện Sìn Hồ chỉ đạo các phòng chuyên môn, chính quyền xã, bản tổ chức tu sửa các cửa lấy nước, tuyến mương bị vùi lấp do sạt lở đất, khắc phục công trình bị hư hỏng sau mùa mưa lũ của năm trước, đảm bảo cung cấp đủ nước sinh hoạt và nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trong cả năm. Các xã cử cán bộ chuyên môn giám sát, vận hành công trình thủy lợi trên địa bàn, đặc biệt là công trình hồ tích nước kiên cố, báo cáo khi có sự cố để khắc phục kịp thời.
Việc ưu tiên đầu tư, nâng cấp công trình thủy lợi đã tạo chuyển biến rõ nét trong phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Sìn Hồ. Không chỉ từng bước giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt, các công trình này còn đáp ứng kịp thời nhu cầu tưới tiêu, người dân thuận lợi triển khai các mô hình kinh tế tổng hợp, phát triển nông nghiệp nông thôn, nâng cao thu nhập.
Tin đọc nhiều

Lai Châu nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt 8% trở lên

Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc tập trung

Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội

Cây chia – Hướng phát triển kinh tế mới của huyện Than Uyên

Nông dân Phong Thổ tập trung chăm sóc dong riềng

Giá xăng tăng tiếp, RON 95 tiến gần 21.000 đồng/lít

Phòng, trừ sâu bệnh trên cây trồng

Mỹ áp thuế 46% lên hàng nhập khẩu của Việt Nam: Tác động ngay trong ngày đầu tiên








