Vì Nhân dân phục vụ
Gần đây, người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hài lòng khi đến giải quyết các TTHC liên quan đến lực lượng công an. Trong đó, chuyển biến rõ nhất là trong các lĩnh vực: an toàn giao thông, xuất nhập cảnh, quản lý hành chính về trật tự xã hội, phòng cháy chữa cháy. Bởi, họ không còn phải chờ đợi lâu, không phải đi lại nhiều lần như trước. Có được sự thay đổi đó vì thời gian qua Công an tỉnh đẩy mạnh thực hiện đối thoại trực tiếp và giải quyết TTHC kết hợp thực hiện chuyển đổi số.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Trần Mạnh Hùng (Điều hành Taxi Mai Linh) cho biết: Tại buổi đối thoại do Công an tỉnh tổ chức tháng 10/2022, tôi có hỏi về lĩnh vực giao thông và đã được trả lời thẳng thắn, ngắn gọn, rõ ràng giúp tôi hiểu hơn về những quy định của Luật Giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, từ khi Công an tỉnh đẩy mạnh CCHC khi làm thủ tục đăng ký, xử phạt không phải chờ đợi lâu, không mất nhiều thời gian, mọi quy trình, thủ tục được niêm yết công khai tại bộ phận đăng ký của Phòng Cảnh sát Giao thông, trên trang thông tin của Công an tỉnh nên chúng tôi dễ dàng tìm hiểu, chuẩn bị trước khi tới giao dịch. Qua đối thoại trực tiếp, giải quyết các TTHC là việc làm thiết thực, phù hợp với thời buổi công nghệ số, chuyển đổi số như hiện nay.
Công dân thực hiện giao dịch tại quầy 20 của Công an tỉnh tại toà nhà số 2 - Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh.
Đẩy mạnh CCHC trong lĩnh vực an toàn giao thông, thời gian đăng ký các loại phương tiện giao thông được rút ngắn. Đối với xử lý vi phạm hành chính, nếu bảo đảm quy định đều được giải quyết trong ngày hoặc có vướng mắc gì đều có lý do thỏa đáng và đưa giấy hẹn với thời gian, ngày giờ cụ thể. Việc thông báo vi phạm hành chính được chuyển phát qua dịch vụ bưu điện; người dân có thể tới ngân hàng để nộp tiền phạt vi phạm hành chính. Đặc biệt, từ ngày 21/5/2022, công an cấp huyện, công an xã, phường, thị trấn thực hiện đăng ký, cấp biển số môtô, xe máy (kể cả xe máy điện) cho cá nhân, tổ chức (thẩm quyền này trước đây là của công an cấp tỉnh và cấp huyện). Nhờ đó, người dân ở các xã, bản vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới không phải vất vả đi lại, tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí.
Còn đối với các lĩnh vực quản lý hành chính về trật tự xã hội, phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, xuất, nhập cảnh và căn cước công dân cũng được cải cách mạnh mẽ khi việc tiếp nhận và giải quyết mọi TTHC về các lĩnh vực này đều được niêm yết công khai, thực hiện theo cơ chế “một cửa liên thông” tại quầy 20 toà nhà số 2 - Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và tích hợp trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an.
Công an huyện Phong Thổ sử dụng các loại máy móc lấy dấu vân tay hoàn thiện hồ sơ cấp căn cước công dân cho người dân trên địa bàn.
Thượng tá Nguyễn Tuấn Hưng - Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Công an tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền tới Nhân dân về lợi ích của CCHC và chuyển đổi số nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen. Chú trọng đào tạo và tuyển dụng đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao về công nghệ thông tin; đầu tư tối đa trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác CCHC và chuyển đổi số. Qua đối thoại trực tiếp về TTHC, giải quyết TTHC với các cơ quan, tổ chức và Nhân dân là kênh thông tin quan trọng để đánh giá tình hình, kết quả công tác CCHC, giải quyết TTHC của các đơn vị, cán bộ, chiến sỹ công an trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Triển khai mô hình thí điểm đối với 5 Công an xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh thực hiện về CCHC (bộ phận một cửa).
Từ 1/1/2022 đến nay, Công an tỉnh đã tiếp nhận, trả kết quả tổng số 16.661 hồ sơ về kiểm soát TTHC; giải quyết trên 4.187 TTHC; công khai niêm yết toàn bộ TTHC trên 11 lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của Công an tỉnh trên Trang thông tin điện tử của Công an tỉnh.
Đại uý Phạm Minh Cường, cán bộ Phòng Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) chia sẻ: Tôi cùng các đồng nghiệp nỗ lực vừa làm vừa học để ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết các TTHC đảm bảo tra cứu, xử lý thông tin nhanh gọn, rút ngắn thời gian chờ đợi cho công dân. Nhất là, với phương châm “làm hết việc chứ không làm hết giờ”, chúng tôi tăng cường xuống các huyện, thành phố thu thập thông tin, cấp căn cước công dân và thông báo số định danh cá nhân. Từng bước góp phần thực hiện có hiệu quả và đúng lộ trình Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Từ đầu năm tới nay, đã có 2.707 lượt công dân tham gia khảo sát sự hài lòng đối với sự phục vụ của các đơn vị có chức năng giải quyết TTHC thông qua mã ứng dụng Google From, quét mã QR. Qua khảo sát không có phản ảnh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính; công dân hài lòng với sự phục vụ của cán bộ, chiến sỹ công an.
Vương Trang
Bình luận